Chính phủ quyết liệt, tập trung cao độ cho đổi mới thể chế
Sáng 26/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội về kinh tế-xã hội năm 2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh về hai vấn đề, đó là đổi mới thể chế và phân cấp, phân quyền.
Về thể chế, Bộ trưởng cho biết thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ tiến hành rất quyết liệt, tập trung cao độ cho đổi mới thể chế. Trong quá trình đổi mới thể chế, Chính phủ cũng luôn nhận được sự đồng hành của Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu dẫn chứng, tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội nhiều dự thảo luật mang tính đột phá. Ví dụ như trong dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công, Chính phủ đề xuất tách giải phóng mặt bằng dự án nhóm B, nhóm C để làm công tác chuẩn bị trước. Dự thảo Luật cũng phân cấp, phân quyền cho phép địa phương được đầu tư dự án thuộc trách nhiệm Trung ương, hay cho địa phương này được dùng ngân sách để đầu tư dự án địa phương khác có tính liên vùng.
Ngoài ra, Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này cũng có tính đột phá mạnh, theo đó sẽ thiết kế "luồng xanh" cho những dự án công nghệ cao hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo danh mục Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư dự án công nghệ cao sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư mà chỉ cần có giấy đăng ký đầu tư và trong vòng 15 ngày phải cấp xong giấy đăng ký cho nhà đầu tư.
Thứ hai, đối với thủ tục xây dựng, về báo cáo đánh giá tác động môi trường, PCCC, nhà đầu tư dự án công nghệ cao tự lập, tự quyết và tự chịu trách nhiệm mà không cần phải trình cơ quan cấp trên duyệt.
"Công tác đổi mới thể chế đang có rất nhiều đột phá, khắc phục điểm nghẽn trong xây dựng pháp luật thời gian qua theo tinh thần chuyển đổi tư duy mạnh mẽ, từ trước đây tập trung quản lý thì bây giờ vừa quản lý được vừa kiến tạo phát triển, giải phóng được sức sản xuất, khơi thông được các nguồn lực", Bộ trưởng nêu rõ.
Bên cạnh đổi mới thể chế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết công tác phân cấp, phân quyền, phân công rõ trách nhiệm cũng được đẩy mạnh theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10, đó là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Còn Chính phủ và Quốc hội sẽ giữ vai trò kiến tạo, xây dựng luật pháp, xây dựng các cơ chế chính sách và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Đề cập đến các dự án tồn đọng kéo dài được các đại biểu Quốc hội nhắc đến, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Ban chỉ đạo này do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng Ban…
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tổng rà soát các dự án ách tắc, đang "đắp chiếu" cả chục năm nay, từ đó phân loại để tìm nguyên nhân và cách xử lý.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án này không chỉ giúp hỗ trợ doanh nghiệp mà còn giải phóng nguồn vốn lớn, đóng góp ngay cho tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho người dân. Chính phủ đang rất quyết tâm nhưng cũng xác định đây là vấn đề rất khó vì các dự án "đắp chiếu" quá lâu, nhiều trường hợp sai phạm phức tạp, phạm vi rộng.
Ý kiến ()