Chính phủ phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030
Chiến lược nêu rõ, duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý.
Ngày 22/11, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Chiến lược nhằm tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế
Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng ; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Chiến lược đề ra 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 gồm: duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi.
Mục tiêu tiếp theo là đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%, tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.
Chiến lược cũng đề ra mục tiêu thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; Khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung…
Để đạt được các mục tiêu đến năm 2030, Chiến lược đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; Đổi mới truyền thông, vận động về dân số; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số.
Các giải pháp tiếp theo là: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số; Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; Kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số
Về nhiệm vụ và giải pháp “Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số,” Quyết định nêu rõ, bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu: Duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số .
Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân cho công tác dân số. Ngân sách nhà nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho triển khai toàn diện công tác dân số và thực hiện chính sách đối với các đối tượng được nhà nước chi trả.
Theo quyết định, các đơn vị có liên quan cần bố trí các chương trình, dự án về dân số vào kế hoạch, chương trình đầu tư công. Thực hiện phân bổ kinh phí công khai, có định mức rõ ràng, tập trung cho cơ sở, phù hợp với các vùng, miền, địa phương. Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác dân số.
Nguồn lực thực hiện Chiến lược này do Ngân sách Nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Chiến lược theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn liên quan.
Trong công tác dân số, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số.
Theo quyết định, cần phát triển thị trường bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm nhà nước, bảo hiểm thương mại theo hướng đa dạng hóa các gói bảo hiểm, với nhiều mệnh giá tương ứng các gói dịch vụ khác nhau bảo đảm các nhóm dân số đặc thù được bình đẳng trong việc tham gia và thụ hưởng các dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội. Nghiên cứu, thí điểm tiến tới hình thành quỹ dưỡng lão trên cơ sở đóng góp của người dân, bảo đảm mọi người đều được chăm sóc khi về già.
Quyết định cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, theo đó các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, đề án đã phân công.
Quyết định giao các bộ, ngành trong đó giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai Chiến lược này trên phạm vi cả nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các chiến lược liên quan do các bộ, ngành chủ trì thực hiện.
Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chương trình, dự án đầu tư công về dân số gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp vào Kế hoạch đầu tư công trình Thủ tướng Chính phủ; tổ chức thực hiện phù hợp với Chiến lược này; Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết và tổng kết kết quả thực hiện.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()