Chính phủ Nhật Bản đối mặt nhiều thách thức
Chính phủ Nhật Bản đang phải vật lộn với không ít thách thức, từ việc tìm cách phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh nợ công của Nhật Bản đã vượt mức 200% GDP, hậu quả nặng nề của động đất - sóng thần và rò rỉ hạt nhân, đến việc khắc phục tình trạng mất đoàn kết trong đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền.Thượng viện Nhật Bản đã chính thức thông qua Luật tăng thuế tiêu dùng, một đạo luật gây nhiều tranh cãi tại nước này. Luật này đã được thông qua tại Hạ viện hồi cuối tháng 6 vừa qua. Theo đó, thuế tiêu dùng sẽ tăng từ 5% hiện nay lên 8% vào tháng 4-2014 và tăng lên 10% vào tháng 10-2015 để trang trải những chi phí an sinh xã hội khổng lồ của Nhật Bản. Trước đó, Hạ viện Nhật Bản đã bỏ phiếu bác bỏ kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Y.Nô-đa với 246 phiếu chống và 86 phiếu ủng hộ, trong khi đa số nghị sĩ thuộc đảng đối lập chính là đảng Dân chủ Tự do (LDP) cùng đồng minh là đảng...
Thượng viện Nhật Bản đã chính thức thông qua Luật tăng thuế tiêu dùng, một đạo luật gây nhiều tranh cãi tại nước này. Luật này đã được thông qua tại Hạ viện hồi cuối tháng 6 vừa qua. Theo đó, thuế tiêu dùng sẽ tăng từ 5% hiện nay lên 8% vào tháng 4-2014 và tăng lên 10% vào tháng 10-2015 để trang trải những chi phí an sinh xã hội khổng lồ của Nhật Bản. Trước đó, Hạ viện Nhật Bản đã bỏ phiếu bác bỏ kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Y.Nô-đa với 246 phiếu chống và 86 phiếu ủng hộ, trong khi đa số nghị sĩ thuộc đảng đối lập chính là đảng Dân chủ Tự do (LDP) cùng đồng minh là đảng Công Minh (Komeito) không tham gia bỏ phiếu. Việc này diễn ra sau khi ông Nô-đa thỏa hiệp với lãnh đạo hai đảng LDP và Công Minh về việc giải tán Hạ viện trước thời hạn, để đổi lấy sự ủng hộ thông qua dự luật tăng thuế tiêu dùng. Một điều không vui khác đối với Thủ tướng Nô-đa, là ngay trước cuộc bỏ phiếu về kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ tại Hạ viện, có thêm hai nghị sĩ thuộc DPJ đệ đơn xin rút khỏi đảng.
Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản Y.Nô-đa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và Luật tăng thuế tiêu dùng đã được QH thông qua, các nhà quan sát cho rằng, việc ông Nô-đa thỏa hiệp với LDP và Công Minh đang đặt chính phủ của ông vào tình trạng bấp bênh khi tỷ lệ ủng hộ chính phủ rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi được thành lập tháng 9-2011. Tổng thư ký LDP N.I-si-ha-ra cho biết, LDP sẽ hối thúc Thủ tướng Nô-đa tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn sớm nhất có thể.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu ảm đạm, các hoạt động sản xuất trong nước của Nhật Bản bị tác động mạnh. Sản lượng công nghiệp Nhật Bản trong tháng 6 vừa qua giảm 0,1% so tháng 5. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này sụt giảm. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của nước này trong sáu tháng đầu năm nay lên tới mức kỷ lục là 2.915 tỷ yên (37,3 tỷ USD). Trong quý II-2012, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản chỉ tăng chậm, ở mức 1,4% so với quý trước đó và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Trước tình hình nói trên, trong động thái mới nhất, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định kéo dài chương trình cho vay bằng đồng USD, trị giá mười nghìn tỷ yên (127,7 tỷ USD) thêm sáu tháng sau khi chương trình này hết hạn vào cuối tháng này. Theo Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản G.A-dư-mi, chương trình này sẽ được kéo dài đến tháng 3-2013, nhằm khuyến khích các công ty Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở lợi thế từ đồng yên có giá trị cao. Tính từ cuối tháng 7 đến nay, chương trình này đã giải ngân 890 tỷ yên cho 15 dự án và dự kiến sẽ sớm phê duyệt cho vay đối với 12 dự án khác, nâng tổng số tiền cho vay lên 1,3 nghìn tỷ yên.
Nhằm phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Chiến lược mới về phát triển kinh tế, gồm các chính sách kinh tế vĩ mô với các mục tiêu trọng tâm như kiềm chế lạm phát và sự tăng giá của đồng yên, đưa tăng trưởng GDP lên mức 3%/năm từ nay đến năm tài chính 2020-2021, và thúc đẩy các công nghệ thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh nợ công ở nước này tăng cao hiện nay, Thủ tướng Nhật Bản Y.Nô-đa khẳng định, đạo luật tăng thuế tiêu dùng vừa được QH thông qua nói trên là một bước tiến lớn hướng tới một nền tài chính kiện toàn hơn và cho biết, chính phủ của ông sẽ tiếp tục trình QH thông qua hai dự luật quan trọng khác, gồm dự luật cải cách chế độ bầu cử Hạ viện và dự luật cho phép chính phủ phát hành công trái. Ông Nô-đa cảnh báo, nếu dự luật về phát hành công trái không được thông qua sớm, thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và kinh tế Nhật Bản.
Một khó khăn khác mà Thủ tướng Nhật Bản Y.Nô-đa đang “đau đầu” đối phó là việc chấm dứt tình trạng chia rẽ trong nội bộ đảng DPJ cầm quyền. Đầu tháng 7 vừa qua, DPJ đã quyết định khai trừ ông Ô-da-oa cùng 36 nghị sĩ Hạ viện ra khỏi đảng, sau khi nhóm nghị sĩ này gửi đơn xin ra khỏi đảng để phản đối quyết định tăng thuế tiêu dùng của chính phủ. Hành động của các nghị sĩ này đã châm ngòi cho sự rạn nứt trong nội bộ DPJ. Ban lãnh đạo DPJ cũng quyết định tạm đình chỉ hoạt động của 19 thành viên khác đã bỏ phiếu chống dự luật tăng thuế tiêu dùng của chính phủ. Chủ tịch DPJ Y.Nô-đa lo ngại, nếu có từ 54 hạ nghị sĩ trở lên từ bỏ DPJ, đảng này sẽ trở thành đảng cầm quyền thiểu số.
Theo Nhandan
Ý kiến ()