Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ đóng cửa
Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa sau khi Thượng viện nước này chặn một dự luật chi tiêu khẩn cấp.
Dự luật chi tiêu khẩn cấp do các hạ nghị sĩ của Đảng Dân chủ đề xuất, được biết đến với tên gọi “giải pháp duy trì”, cho phép các cơ quan liên bang của Mỹ duy trì hoạt động đến ngày 3-12. Tài khóa 2021 kết thúc vào ngày 30-9 đồng nghĩa, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua khoản ngân sách mới vào thời điểm đó, Chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa từ ngày 1-10 tới. Dự luật “giải pháp duy trì” cũng bao gồm việc đình chỉ áp đặt mức trần nợ công cho đến tháng 12-2022 để giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới tránh khỏi nguy cơ lần đầu tiên vỡ nợ.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cho biết, Đảng Dân chủ sẽ “có thêm hành động” để tránh nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa và vỡ nợ. Ảnh: AP |
Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ thông báo, Chính phủ nước này sẽ hết khả năng thanh toán vào tháng 10 tới và đề nghị Đồi Capitol đình chỉ hoặc nâng mức trần nợ công để vay thêm tiền. Mức trần nợ công là tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ được phép vay để đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý hiện có, trong đó có an sinh xã hội và phúc lợi y tế, cùng nhiều khoản khác. Nợ công và thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng vọt trong đại dịch Covid-19, sau khi Washington thông qua các dự luật chi tiêu lớn nhằm giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế.
Dự luật “giải pháp duy trì” đã được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 21-9 vừa qua. Tuy nhiên, theo Reuters, ngày 28-9, trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ ngày 27-9 (giờ địa phương), dự luật đã không nhận được 60 phiếu ủng hộ cần thiết để được thông qua do vấp phải sự phản đối của phe Cộng hòa. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitch McConnell tuyên bố họ sẵn sàng thông qua dự luật để ngăn chính phủ đóng cửa, với điều kiện dự luật không bao gồm việc đình chỉ áp đặt mức trần nợ công. Trong khi đó, phe Dân chủ cho biết, nhiều trong số khoản nợ mới của chính phủ hiện nay là có từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa, đồng thời nhấn mạnh việc đình chỉ áp đặt mức trần nợ công là trách nhiệm của cả hai đảng. “Đất nước chúng ta hiện đang có nguy cơ chứng kiến thảm họa do phe Cộng hòa tạo ra”, Reuters dẫn lời lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chuck Schumer phát biểu sau cuộc bỏ phiếu.
Thượng nghị sĩ Schumer cho biết, Đảng Dân chủ sẽ “có thêm hành động” ngay trong tuần này để tránh nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa và vỡ nợ. Trang tin Axios cho rằng, Đảng Dân chủ sẽ thực hiện kế hoạch B là loại bỏ việc đình chỉ áp đặt mức trần nợ công khỏi dự luật để đưa dự luật sửa đổi trở lại Hạ viện bỏ phiếu và sau đó trình lên Thượng viện thông qua trước khi tài khóa 2021 kết thúc.
Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị cho một khả năng đóng cửa chính phủ. “Tất nhiên, chúng ta cần chuẩn bị cho mọi trường hợp bất trắc. Trên thực tế, việc đóng cửa chính phủ vô cùng tốn kém, gây gián đoạn và tổn hại”, bà Psaki nhấn mạnh. Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Biden đang thực hiện các bước đi để giảm thiểu tác động của khả năng chính phủ đóng cửa đối với việc ứng phó đại dịch, phục hồi kinh tế cũng như các ưu tiên khác của Washington.
Chính phủ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump từng phải đóng cửa 35 ngày cho tới cuối tháng 1-2019- lần đóng cửa lâu nhất trong lịch sử Mỹ. Theo CNN, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa không đồng nghĩa với việc mọi cơ quan, chương trình hay dịch vụ sẽ dừng lại. Chỉ các cơ quan, bộ phận thuộc diện “không cần thiết” sẽ ngừng hoạt động cho đến lúc Quốc hội Mỹ thông qua được dự luật chi tiêu mới.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()