Chính phủ Mali cáo buộc Tuareg gây bạo lực sắc tộc
Ngày 3/6, Chính phủ Mali cáo buộc phiến quân Tuareg thuộc Phong trào dân tộc giải phóng Azouad (MNLA) đã tiến hành các vụ bạo lực nhằm vào các cộng đồng không thuộc sắc tộc Tuareg tại thành phố Kidal hiện do phiến quân kiểm soát.
Ngày 3/6, Chính phủ Mali cáo buộc phiến quân Tuareg thuộc Phong trào dân tộc giải phóng Azouad (MNLA) đã tiến hành các vụ bạo lực nhằm vào các cộng đồng không thuộc sắc tộc Tuareg tại thành phố Kidal hiện do phiến quân kiểm soát.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Thông tin đồng thời là người phát ngôn chính phủ Mali, Manga Dembélé cho biết các nhóm vũ trang ở vùng Kidal đang có những hành động mang tính “thanh trừng sắc tộc,” trong đó có việc đuổi những người không thuộc sắc tộc Tuareg ở Kidal sang thị trấn Gao ở miền Bắc.
Ông cũng tuyên bố quân đội chính phủ sẽ giành lại quyền kiểm soát thành phố Kidal trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Bảy tới.
Người phát ngôn quân đội Mali, Đại tá Souleymane Maiga cho biết phiến quân Tuareg ngày 2/6 đã tấn công các nhóm sắc tộc da đen Songhai, người Peul và Bella ở Kidal, bắt đi một số người.
Trong khi đó, phát ngôn viên của MNLA, Mossa Ag Attaher, cho biết MNLA bắt giữ một số người của chính quyền trung ương thâm nhập vào phong trào này.
MNLA đã bác bỏ yêu cầu của chính phủ buộc phiến quân ở Kidal hạ vũ khí, song cho biết sẵn sàng thương lượng với chính phủ nếu Bamako công nhận quyền tự quyết của phong trào này ở miền Bắc. Tuy nhiên, Chính phủ Mali khẳng định sự có mặt của quân đội ở thành phố này là “không thể thương lượng.”
Cùng ngày, Chính phủ Na Uy tuyên bố sẽ đóng góp 25 binh sỹ và cảnh sát cho Phái bộ Liên hợp quốc hỗ trợ Mali (MINUSMA) dự kiến được triển khai vào đầu tháng 7 tới.
Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Ngoại giao Na Uy, Gry Larsen cho biết Na Uy nhận thức rõ hiểm họa khủng bố trong khu vực. Có 5 người Na Uy trong số 37 người đã bị sát hại trong vụ bắt cóc con tin do nhánh al-Qeada ở Bắc Phi thực hiện tại nhà máy khí đốt ở thành phố Amenas, tại Algeria mới đây .
Phần lớn quân thuộc MINUSMA sẽ do các nước Tây Phi đóng góp, nhưng Liên hợp quốc kêu gọi các nước khác tham gia phái bộ này. Trung Quốc đề nghị đóng góp 500-600 binh sỹ và Thụy Điển triển khai 70 binh sỹ./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()