Chính phủ họp trực tuyến lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định về Quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản
- Ngày 17/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về dự thảo Nghị định về quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Dự thảo Nghị định về Quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản gồm 7 chương, 37 điều quy định về kinh doanh bất động sản có sẵn và kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai; thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản; hợp đồng kinh doanh bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản; quy định về môi giới bất động sản và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào dự thảo, trong đó tập trung vào các nội dung như: quy định chi tiết hơn đối với các loại công trình xây dựng có sẵn, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; bổ sung thời hạn thực hiện công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; ...
Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành và các doanh nghiệp đã dành nhiều thời gian thảo luận để hoàn thiện dự thảo về các nội dung như: tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên số vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; điều kiện đối với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ; điều kiện hoạt động của sàn kinh doanh bất động sản, đặc biệt là quy định về công bố thông tin đối với trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không có trang website riêng; quy định về thực hiện số hóa thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua;...
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành liên quan và cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các góp ý của các đại biểu... Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo tiếp tục tổng hợp đầy đủ, bổ sung để hoàn thiện dự thảo các nghị định. Đồng thời thực hiện việc sắp xếp, bố trí các chương, điều khoản, cấu trúc nội dung một cách phù hợp, bài bản, khoa học để trình Chính phủ xem xét, ban hành theo thời gian quy định.
Ý kiến ()