Chính phủ họp thường kỳ tháng 5: Thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy ba động lực tăng trưởng
– Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp trực tuyến thường kỳ Chính phủ tháng 5/2023 để xem xét thảo luận tình hình phát triển kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội; kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình triển khai công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận tại phiên họp
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hơn 700 cuộc họp, hội nghị, hoạt động đối ngoại; ban hành 25 nghị định, 101 nghị quyết, 15 quyết định quy phạm pháp luật, 618 quyết định cá biệt, 36 công điện, 17 chỉ thị phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Thực hiện các nghị quyết, kết luận của trung ương, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; khởi công một số đoạn tuyến cao tốc phía Bắc, khánh thành một số dự án giao thông trọng điểm, đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông…
Nhờ đó, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tổng thu ngân sách 5 tháng đầu năm được 778 nghìn tỷ đồng, đạt 48% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công được 157 nghìn tỷ đồng, tương đương 22,2% kế hoạch; có 962 dự án mới đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép, tăng 66,4% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng vốn đăng ký đạt 5,26 tỷ USD…
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo ngắn gọn tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới tỉnh Lạng Sơn.
Theo đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tối đa hoạt động thông quan hàng hoá, năng lực thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt khoảng 1.000 đến 1.200 xe/ngày.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương có hàng hoá nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, điều tiết xe để hoạt động xuất khẩu được thông suốt; đề nghị trung ương làm việc với cơ quan liên quan của Trung Quốc để tiếp tục mở cửa đối với các cửa khẩu đã dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới tỉnh Lạng Sơn.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành cũng thông tin về những điểm sáng trong phát triển kinh tế như hoạt động xuất nhập khẩu nông sản; hoạt động sản xuất công nghiệp… và đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong những tháng còn lại của năm 2023.
Kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung của cơ quan soạn thảo; các địa phương, bộ, ngành phát biểu có trọng tâm, trọng điểm, đúng vấn đề. Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến hoàn thiện các dự thảo.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí chỉ rõ: Chính phủ tiếp tục ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng, trong đó phải thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy ba động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Cùng đó tiếp tục tháo gỡ, xử lý các khó khăn vướng mắc để đưa đất nước tiếp tục phát triển…
Đồng chí yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận chỉ đạo của Trung ương. Riêng công tác quy hoạch tỉnh, phải thực hiện xong trong quý III và trình phê duyệt trong quý IV. Cùng đó tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cải cách thủ tục hành chính, khẩn trương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các địa phương thiết lập tổ công tác để đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, rà soát cơ chế, chính sách, tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính. Các bộ, ngành, theo chức năng nhiệm vụ, tiếp tục nghiên cứu tham mưu, đề xuất các giải pháp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên các lĩnh vực để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành hiệu quả, chất lượng, kịp thời…
Ý kiến ()