Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8
Ngày 31-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ nghe và thảo luận về: Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội (KTXH) tám tháng đầu năm, dự báo cả năm 2015; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2016; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, dự toán NSNN 2016; Báo cáo kết quả tái cơ cấu DNNN tám tháng đầu năm 2015; Báo cáo phương án xử lý cụ thể đối với mức lương hưu của người có mức lương hưu thấp, trước và sau tháng 4-1993; Báo cáo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 cấp quốc gia; thảo luận về một số dự án luật…
Đánh giá chung về tình hình KTXH tám tháng qua, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động ứng phó của các bộ, ngành, địa phương và với những giải pháp, chính sách phù hợp, kịp thời, về tổng thể, đất nước đã kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, nền kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp. Tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; mặt bằng lãi suất duy trì ở mức ổn định; tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt; bảo đảm tiến độ thu NSNN, nhất là thu nội địa tăng cao so với cùng kỳ. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tổng cầu và sức mua được cải thiện; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng cao. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và thực hiện tăng cao so với cùng kỳ. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ cho đầu tư sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tăng; tỷ lệ nhập siêu tám tháng đầu năm vẫn ở mức kiểm soát. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Về mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển KTXH năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu tổng quát là: tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo chương trình, phiên họp sẽ diễn ra trong hai ngày (từ 31-8 đến 1-9).
Tính đến ngày 20-8, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 9,31% so cuối năm 2014; tổng phương tiện thanh toán ước tăng 7,22%. Lũy kế tám tháng qua: tổng thu NSNN ước đạt 618,14 nghìn tỷ đồng, bằng 67,8% dự toán năm, tăng 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 106,3 tỷ USD, tăng 9%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước 109,9 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập siêu khoảng 3,6 tỷ USD, bằng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,9%, cao hơn cùng kỳ so các năm trước; vốn đầu tư FDI thực hiện ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2014. |
Về kết quả sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, đến nay, 289 DN được cổ phần hóa năm 2015 đã thành lập ban chỉ đạo. Trong đó, 95 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 65 DN đã có quyết định công bố giá trị DN; 129 DN đang tiến hành xác định giá trị DN. Dự kiến năm 2015 cổ phần hóa được 200 trong số 289 DN. Tính đến 27-8, các DNNN thoái được 8.391 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 12 nghìn 384 tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()