Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7
Sáng 30-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2014, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2-1-2014 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014; tờ trình về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển cho doanh nghiệp (DN); báo cáo một số cơ chế, chính sách phát triển y tế;… Chính phủ cũng sẽ thảo luận về một số dự án luật như Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động; Dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)…
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ trên cơ sở Báo cáo tình hình KTXH tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2014, tập trung thảo luận vào những vấn đề lớn liên quan tái cơ cấu nền kinh tế, tăng trưởng GDP, kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn cho DN;… trên tinh thần không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2014. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần đi sâu dự báo, đánh giá về khả năng tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; thảo luận các giải pháp khả thi để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 5,8% năm 2014; các giải pháp tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng tổng cầu của nền kinh tế, tăng dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu; đề xuất các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho DN, cải cách hành chính về thuế, hải quan, đất đai, giảm số lần, số giờ nộp thuế cho DN. Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các phương án bảo đảm an toàn cho hơn 1.500 người Việt Nam đang lao động tại Li-bi.
Đánh giá về KTXH bảy tháng qua, Thủ tướng nêu rõ, tình hình chuyển biến tích cực, tuy nhiên, nếu chúng ta không phấn đấu quyết liệt thì tăng trưởng kinh tế khó đạt được 5,8% năm nay. Đề cập các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu đã đề ra, đồng thời nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KTXH, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Do đó, các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương rà soát từng lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… để thúc đẩy sản xuất phát triển; rà soát để đẩy mạnh tổng đầu tư toàn xã hội cả khu vực tư nhân, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đẩy nhanh giải ngân vốn ODA,…; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ việc giải ngân trái phiếu Chính phủ; rà soát lại vốn đối ứng của các công trình trọng điểm, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng tăng dư nợ tín dụng; kiên quyết tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, không để ảnh hưởng nền kinh tế, trong đó tập trung vào các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng quyết liệt thực hiện tái cơ cấu DN nhà nước nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, trong đó đẩy mạnh việc cổ phần hóa, tăng cường quản trị DN, phấn đấu tạo chuyển biến về chất, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu đầu tư công cũng phải được thực hiện quyết liệt và hiệu quả.
Thủ tướng chỉ đạo, cải cách hành chính là trọng tâm của Chính phủ, do đó, từng Bộ trưởng, lãnh đạo ngành phải tích cực thực hiện công tác này. Thủ tướng lưu ý, thực tế vừa qua, các địa phương làm tốt công tác phòng, chống bão, nhưng sau bão lại thiệt hại lớn vì mưa to. Do đó, các tỉnh miền núi phía bắc hay bị sạt lở, lũ ống, lũ quét thì cần rút kinh nghiệm, khi có bão, mưa lớn, cần chủ động di dân trước để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
* Theo chương trình, ngày 31-7, Chính phủ tiếp tục họp phiên thường kỳ với việc nghe và thảo luận một số dự án luật.
Về tình hình KTXH bảy tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tín dụng đối với nền kinh tế tăng trong những tháng gần đây nhưng tốc độ tăng thấp, từ 0,53% (ngày 21-4) lên 3,15% (ngày 21-7), chỉ bằng 1/3 so mục tiêu đề ra là 12 đến 14%. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-7, tổng thu NSNN ước đạt 448,87 nghìn tỷ đồng, bằng 57,3% dự toán năm. Bảy tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,5 tỷ USD, tăng 14,1%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 82,25 tỷ USD, tăng 11,4%; xuất siêu khoảng 1,26 tỷ USD, bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; vốn FDI thực hiện ước đạt 6,8 tỷ USD, tăng 2,3%; tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 9,54 tỷ USD, bằng 80,1%; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân ước đạt 2,51 tỷ USD, tăng 14%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,2%; lũy kế từ đầu năm đến 20-7, cả nước có hơn 42,4 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn hơn 262.440 tỷ đồng, giảm 7% về số DN nhưng tăng 17,8% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()