Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6: Thảo luận và cho ý kiến một số dự án Luật
Tiếp tục chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, sáng 28/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến vào Dự án Luật Hải quan sửa đổi, đạo luật nhằm hướng tới một nền Hải quan chuyên nghiệp, hiện đại.
Tiếp tục chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, sáng 28/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến vào Dự án Luật Hải quan sửa đổi, đạo luật nhằm hướng tới một nền Hải quan chuyên nghiệp, hiện đại.
Luật Hải quan được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2001, được sửa đổi, bổ sung vào tháng 6/2005, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2006.
Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh phát triển, bảo đảm an ninh kinh tế, lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ một số mặt hạn chế. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội cũng phát sinh các yêu cầu quản lý hải quan mới.
Các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng việc sửa đổi luật là cần thiết, xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế đối ngoại trước mắt cũng như lâu dài đặt ra. Sửa luật cũng nhằm tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động hải quan áp dụng rộng rãi, phổ biến hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sửa luật Hải quan cũng xuất phát từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục hải quan hướng tới hoạt động hải quan công khai, minh bạch, hiệu quả.
Dự án luật Hải quan sửa đổi gồm 106 điều, được bố cục thành 8 chương, trong đó sửa đổi 45 điều, giữ nguyên 27 điều, bỏ 7 điều, bổ sung 34 điều mới. Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Hải quan (sửa đổi) là Bộ Tài chính.
Dự án luật gồm 4 nhóm vấn đề lớn, bao gồm nhóm vấn đề cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, nội luật hóa các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Nhóm vấn đề thứ hai là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lâu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại. Nhóm vấn đề thứ ba là sửa đổi, bổ sung những quy định trong luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Nhóm vấn đề lớn cuối cùng của dự án luật là kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.
Các thành viên Chính phủ tập trung cho ý kiến về địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm của cơ quan hải quan trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa quan biên giới; tổ chức, bộ máy hải quan.
Các thành viên Chính phủ cũng thống nhất với quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan sửa đổi là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ̀ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau khi các thành viên Chính phủ nêu ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp phối hợp cùng với các bộ, ngành để tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Hải quan sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy định.
Cũng trong phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận các nội dung của Dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
* Dự kiến, trong tháng 7, Chính phủ sẽ tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó ưu tiên những Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo CPV
Ý kiến ()