Trong hai ngày 1 và 2-6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5-2011. Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm, dự báo tháng 6-2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm tháng qua ước đạt gần 277,2 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán năm. Theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, qua các báo cáo, các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm vốn đầu tư trong năm 2011 là 80.550 tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011. Vốn đầu tư từ NSNN thực hiện năm tháng qua ước đạt gần 73,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2010. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện năm tháng qua ước đạt 4,52 tỷ USD, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt hơn 4,68 tỷ USD, bằng 51,9% so cùng...
Trong hai ngày 1 và 2-6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5-2011.
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm, dự báo tháng 6-2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm tháng qua ước đạt gần 277,2 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán năm. Theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, qua các báo cáo, các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm vốn đầu tư trong năm 2011 là 80.550 tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011. Vốn đầu tư từ NSNN thực hiện năm tháng qua ước đạt gần 73,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2010. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện năm tháng qua ước đạt 4,52 tỷ USD, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt hơn 4,68 tỷ USD, bằng 51,9% so cùng kỳ năm 2010. Ước vốn FDI thực hiện sáu tháng đầu năm đạt 5,1 tỷ USD, bằng 94% so cùng kỳ năm 2010. Tổng giá trị giải ngân vốn ODA trong năm tháng ước đạt 1,26 tỷ USD, bằng 52,5% kế hoạch. Tổng giá trị vốn ODA được ký kết thông qua các hiệp định ước đạt hơn 1,66 tỷ USD. Ước giá trị giải ngân ODA trong sáu tháng đạt 1,35 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển sáu tháng đầu năm 2011 ước đạt hơn 450 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ năm trước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN)
Tổng phương tiện thanh toán (M2) đến ngày 20-5 ước tăng 0,31% so tháng trước và tăng 1,59% so tháng 12-2010. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến ngày 20-5 ước tăng 0,62% so cuối tháng trước và tăng 1,45% so cuối năm 2010. Thị trường ngoại hối chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn, các ngân hàng đã mua được một khối lượng khá lớn ngoại tệ từ người dân và doanh nghiệp (DN), tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ đang giảm dần. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 7,5 tỷ USD, tính chung năm tháng ước đạt 34,7 tỷ USD, tăng 32,8% so cùng kỳ năm trước, gấp ba lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Ước tổng kim ngạch xuất khẩu sáu tháng ước đạt 41,5 tỷ USD, tăng 27,8% so cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước khoảng 9,2 tỷ USD, tính chung năm tháng ước hơn 41,3 tỷ USD, tăng 29,7% so cùng kỳ năm trước. Ước tổng kim ngạch nhập khẩu sáu tháng khoảng 49 tỷ USD, tăng 26,4%. Nhập siêu tháng 5 là 1,4 tỷ USD, bằng gần 22,7% kim ngạch xuất khẩu và là tỷ lệ nhập siêu cao nhất từ đầu năm đến nay. Nhập siêu năm tháng qua ước gần 6,6 tỷ USD, bằng gần 19% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 16%. Ước nhập siêu sáu tháng là khoảng 7,5 tỷ USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2,21% so tháng trước. So tháng 12-2010, CPI tháng 5-2011 tăng 12,07%. Tính bình quân, CPI năm tháng đầu năm tăng 15,09% so cùng kỳ năm trước. Do phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sáu tháng đầu năm 2011 có bị ảnh hưởng, ước đạt 5,6%, thấp hơn tốc độ tăng GDP sáu tháng đầu năm 2010 (6,16%). Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 ước đạt hơn 74 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2010. Tính chung năm tháng ước đạt gần 343,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ năm trước. Ước sáu tháng, con số này đạt 419 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2010. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt hơn 156 nghìn tỷ đồng, tính chung năm tháng ước đạt hơn 762,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ năm 2010. Con số này sáu tháng ước đạt 914 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 22,8% so cùng kỳ năm trước.
Đánh giá chung năm tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Các cấp, các ngành đã khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, các Nghị quyết 02/NQ-CP và 11/NQ-CP của Chính phủ, đạt được những kết quả bước đầu trong việc kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tín dụng, quản lý thị trường ngoại tệ và vàng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu; bảo đảm an sinh xã hội, các cân đối vĩ mô, tốc độ tăng giá đang có xu hướng giảm; sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao, sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai trong những tháng đầu năm nhưng vẫn đạt khá. Đời sống người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, gia đình người có công được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, những bất ổn chính trị tại các nước Trung Đông và Bắc Phi, cùng với sức ép tăng giá cả hàng hóa từ thị trường thế giới và giá đầu vào các sản phẩm quan trọng như điện, than, xăng dầu… tạo áp lực tăng giá hàng hóa trong nước, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát. Chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhất là chi phí vốn, gây khó khăn cho các DN trong việc tiếp cận nguồn vốn và tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ. Tỷ lệ nhập siêu có xu hướng tăng và cao hơn chỉ tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chín nhóm giải pháp cần triển khai thực hiện trong những tháng cuối năm nhằm đạt kết quả cao nhất trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; tổng kết Dự án 5 triệu ha rừng, Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020…
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, về tình hình kinh tế – xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Nhìn lại tháng 5 và năm tháng qua, bằng sự nỗ lực chung của cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu hết sức tích cực: ổn định tỷ giá và kiểm soát thị trường vàng, tăng được dự trữ ngoại tệ, cải thiện cán cân thanh toán; kiểm soát được tăng trưởng tín dụng; bội chi NSNN có khả năng đạt dưới mức 5% GDP; giá cả có chiều hướng tăng chậm lại; sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đạt mức tăng trưởng khá…
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn, không thể chủ quan. Nổi lên thời gian qua là lạm phát tuy có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Tăng trưởng GDP thấp hơn so cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng việc làm. Lãi suất cao, gây khó khăn cho DN. Đầu tư nước ngoài giảm mạnh so cùng kỳ. Đời sống của người nghèo, thu nhập thấp, lao động phổ thông còn khó khăn. Trong khi đó, tăng trưởng toàn thế giới chậm lại, lạm phát ở mức cao, giá xăng dầu chưa ổn định, giá lương thực tăng nhanh. Trên cơ sở đó, Chính phủ chấp nhận kiến nghị của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2011 gồm, mức tăng trưởng GDP là 6%, tỷ lệ lạm phát là 15%, giảm bội chi NSNN dưới 5% GDP, nhập siêu dưới mức 16% kim ngạch xuất khẩu.
Đề cập nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và DN tiếp tục thực hiện kiên định, quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP. Để hạn chế nhập siêu, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời giao Bộ Tài chính, Bộ Công thương tìm mọi biện pháp đưa các hàng rào kỹ thuật, phù hợp thông lệ quốc tế, để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ, chưa thật sự cần thiết, nhất là xe ô-tô dưới chín chỗ. Về điểm này, Thủ tướng yêu cầu các phương tiện thông tin đại chúng quán triệt, ủng hộ chủ trương này của Chính phủ.
Về giải pháp tiền tệ, Thủ tướng nhấn mạnh trong tình hình hiện nay, ngành ngân hàng phải đi đầu trong việc điều hành thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát mục tiêu bảo đảm tăng trưởng tín dụng ở mức 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng ở mức 15-16%, cùng với đó là kiểm soát nợ xấu, cải thiện tính thanh khoản của ngân hàng, nhất là tín dụng bất động sản. Kiên quyết kiểm soát tỷ giá ngoại tệ và thị trường vàng. Thủ tướng yêu cầu, khi lạm phát kiểm soát được thì ngân hàng phải giảm lãi suất xuống. Để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thủ tướng giao NHNN đề xuất phương án trên cơ sở không gây xáo trộn hoạt động, thị trường.
Đối với chính sách tài khóa, Thủ tướng chỉ đạo tăng thu trên tinh thần thu đúng, thu đủ, giảm bội chi NSNN, linh hoạt sử dụng công cụ thuế, bảo đảm cân đối thu chi. Về cắt giảm đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP, Thủ tướng khẳng định tiếp tục cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công, tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp bách, thiết yếu, trên cơ sở xem xét, giải quyết từng dự án cụ thể, trong đó ưu tiên các dự án y tế, giáo dục, phòng, chống thiên tai, quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, nhất là những mặt hàng có thị trường tiêu thụ tốt, cho phát triển nông nghiệp, DN vừa và nhỏ. Bộ Tài chính cân nhắc, đề xuất chính sách miễn, giảm, giãn thuế đối với các DN vừa và nhỏ trình Quốc hội xem xét. Thủ tướng khẳng định điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ cân nhắc, tính toán thời điểm điều chỉnh để gắn với mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, tăng cường kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, huy động toàn dân tham gia công tác này, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, gây 'sốt' giá.
Về cung ứng điện, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thời tiết vừa qua có thuận lợi, một số tổ máy phát điện đưa vào hoạt động góp phần quan trọng tăng thêm công suất cho hệ thống, sắp tới một số tổ máy khác đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện tốt việc tiết kiệm điện, nhờ đó tình hình cung ứng điện phục vụ sản xuất và đời sống đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, Thủ tướng nhắc nhở cả nước vẫn luôn phải đề cao tinh thần thực hiện tiết kiệm điện.
Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương quyết liệt trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, quan tâm, hỗ trợ các đối tượng nghèo, nhất là nông dân nghèo, lao động phổ thông trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong các khu công nghiệp; cải cách chế độ tiền lương người lao động trong DN, tăng mức vay cho sinh viên.
Thủ tướng lưu ý làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận trong xã hội.
Chiều 3-6, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Cùng dự có đại diện các bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung quan trọng của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện một số bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên liên quan các vấn đề: chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, hạn chế nhập siêu, nợ của Vinashin, lãi suất, đầu tư nước ngoài, kết quả bầu cử, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ…
Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) khẳng định không hề có chuyện cho phép nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn như một số báo nêu. Bộ Công thương cũng khẳng định việc hạn chế nhập khẩu ô-tô dưới chín chỗ ngồi là phù hợp chủ trương hạn chế nhập siêu theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP, phù hợp thông lệ và các cam kết quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Bộ NN và PTNT cho biết, Bộ đang cùng các địa phương triển khai biện pháp hỗ trợ bà con, ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ ở Hoàng Sa, Trường Sa có thể nhận được sự hỗ trợ tại chỗ (nhất là ở Trường Sa) về nước ngọt, mua xăng, dầu, sửa chữa tàu, thuyền, y tế… Bộ cũng đang tính toán tổ chức thu mua hải sản của ngư dân ngay trên biển để giúp bà con tiết kiệm chi phí xăng dầu. Bộ NN và PTNT cũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ tán thành việc tăng cường năng lực của lực lượng kiểm ngư nhằm hỗ trợ ngư dân đi biển, trong đó có việc tăng cường phương tiện, nhân lực, hoàn thiện cơ chế pháp lý cho lực lượng này hoạt động.
Về vụ việc tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bị cắt cáp thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền vùng lãnh hải của mình theo đúng luật pháp quốc tế. Tàu Bình Minh 02 sẽ tiếp tục thăm dò, khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế thuộc lãnh hải Việt Nam. Nhà nước Việt Nam sẽ có biện pháp bảo vệ cần thiết cho các nhà đầu tư, DN hoạt động tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()