Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2
Ngày 28-2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng qua, tính đến ngày 21-2, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 3,31% so tháng 12-2012. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 1,84%. Lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay VND giảm nhẹ so tháng trước.Thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt. Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 34,63% so tháng 1. Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so tháng trước, chủ yếu do tháng 2 có kỳ nghỉ Tết kéo dài.Tính chung hai tháng: tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so cùng kỳ năm 2012; tổng kim ngạch nhập khẩu ước gần 17,3 tỷ USD, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2012; xuất siêu khoảng 1,68 tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 1,05 tỷ USD,...
Ngày 28-2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Về tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và hai tháng qua, tính đến ngày 21-2, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 3,31% so tháng 12-2012. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 1,84%. Lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay VND giảm nhẹ so tháng trước.
Thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt. Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 34,63% so tháng 1. Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so tháng trước, chủ yếu do tháng 2 có kỳ nghỉ Tết kéo dài.
Tính chung hai tháng: tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so cùng kỳ năm 2012; tổng kim ngạch nhập khẩu ước gần 17,3 tỷ USD, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2012; xuất siêu khoảng 1,68 tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 1,05 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm 2012; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2012, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm ngày 1-2 giảm 2,8% so tháng trước và tăng 19,9% so cùng thời điểm năm trước; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 422,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2012; có hơn 8.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 40,5 nghìn tỷ đồng, có khoảng 8.600 DN giải thể và ngừng hoạt động, tăng 8% so cùng kỳ năm 2012…
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng nghe và thảo luận: Đề án Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị…
Phát biểu ý kiến kết luận về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Nhìn lại hai tháng qua, tình hình kinh tế-xã hội đất nước có những chuyển biến tích cực: các cấp, các ngành và địa phương đã khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của T.Ư, Quốc hội và Chính phủ. Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết số 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó lưu ý một số vấn đề đang nổi lên như: số DN ngừng hoạt động lớn hơn số thành lập mới; tồn kho có giảm nhưng vẫn còn cao, thể hiện tổng cầu vẫn giảm, chưa phục hồi; các vấn đề giải quyết nợ xấu, tăng trưởng tín dụng, tín dụng cho các DN vừa và nhỏ…
Tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh triển khai đầu tư công theo kế hoạch. Trong đó, ngành giao thông vận tải lưu ý triển khai quyết liệt việc cải tạo, mở rộng quốc lộ 1 nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, giảm tai nạn giao thông. Đưa ra cơ chế thu hút đầu tư dưới mọi hình thức BOT, BT, PPP… Hiện nay, các nước chung quanh đang đẩy mạnh thu hút FDI rất quyết liệt, vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát, tháo gỡ mọi khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách hiện có, đề xuất các cơ chế, chính sách mới nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn hơn để thu hút FDI.
Thủ tướng nhận định, ngay từ đầu năm, kinh tế vĩ mô đã có một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, so mục tiêu đặt ra thì còn phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa. Chính phủ chủ trương giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường, nhưng việc điều chỉnh như thế nào và thời điểm điều chỉnh thì phải cân nhắc dựa trên tình hình thực tế nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, bảo đảm cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, nhất là buôn lậu xăng dầu qua biên giới; tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan như Tài chính, Công thương, Y tế… lập tổ điều hành giá để phối hợp điều hành giá linh hoạt theo cơ chế thị trường nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô.
Thủ tướng chỉ đạo NHNN chịu trách nhiệm trong việc điều hành, kiểm soát tỷ giá; đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu bằng các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ để xử lý dứt điểm tình trạng nợ xấu; quyết liệt chỉ đạo tái cơ cấu ngân hàng, không để có ngân hàng yếu kém làm ảnh hưởng, rối loạn thị trường tài chính tiền tệ, không để xảy ra tình trạng lũng đoạn ngân hàng nhằm trục lợi; bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như đã đề ra đi đôi với việc điều hành mức tăng không để “giật cục”, rải đều trong năm nhằm hỗ trợ tín dụng cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng lưu ý, trong tình hình hiện nay, việc thu ngân sách nhà nước (NSNN) đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, bổ sung kế hoạch nhằm bảo đảm chỉ tiêu thu NSNN.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo công tác an sinh xã hội, nhất là các hộ chính sách, người nghèo, có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các bộ làm tốt công tác đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 trên tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc. Kiên quyết kiểm soát, trấn áp các loại tội phạm; quyết liệt kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là phấn đấu giảm số người chết. Hạn chế việc uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Tăng cường đấu tranh việc các nước ngăn cản hàng hóa Việt Nam vào những thị trường này; tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh…
Thủ tướng biểu dương công tác thông tin tuyên truyền của các cơ quan thông tấn báo chí thời gian qua, nhất là từ đầu năm đến nay, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Thủ tướng mong muốn, báo chí tiếp tục phát huy vai trò tích cực, cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan phải chủ động cung cấp thông tin chính thống, khách quan cho báo chí để dư luận hiểu rõ tình hình và đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.
* Chiều 28-2, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo.
Về vấn đề hiệu quả của dự án bô-xít ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tuy số liệu còn khác nhau nhưng Việt Nam thuộc hàng các nước đứng đầu về trữ lượng, nhưng chưa có kinh nghiệm khai thác, chế biến. Chủ trương của Chính phủ là nhất quán trong công tác thăm dò, khai thác để phục vụ đất nước nói chung và vùng có quặng nói riêng. Đương nhiên, đã là dự án, lại là dự án lớn thì phải bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội cao, bảo đảm tính hiệu quả tổng thể, phải tính toán đủ cả vòng đời của dự án trong khi các yếu tố, điều kiện thực hiện không phải lúc nào cũng đồng nhất. Cho nên, trong từng giai đoạn, công tác điều hành phải phù hợp, nhưng tổng thể phải mang lại lợi ích thì mới thực hiện. Chính phủ thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, vừa làm vừa xem xét tất cả các mặt để có những điều chỉnh phù hợp.
Đối với vấn đề điều hành giá vàng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: Việc điều hành thị trường vàng nằm trong lộ trình công tác điều hành thời gian qua đã góp phần quan trọng trong điều hành tỷ giá và ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Việc quản lý thị trường vàng được phân cấp, phân quyền cụ thể, luôn có sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến của dư luận ở cả cấp Chính phủ và cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý thị trường. Về các thông tin trên thị trường tài chính, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: Trong một xã hội cởi mở, nhu cầu thông tin là chính đáng, nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của Chính phủ là phải thông tin kịp thời cho cộng đồng hiểu đúng, hiểu bản chất của thông tin. Tuy nhiên, người tham gia thị trường cũng phải biết cách chủ động bảo vệ mình. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải có sự trả lời kịp thời để dập tắt những bất lợi do thông tin thất thiệt gây ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()