Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo tóm tắt về một số dự án Luật. Cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng bảo hiểm là thị trường nhạy cảm; cơ bản nhất trí về nguyên tắc với các nội dung do Bộ Tài chính đề nghị, thống nhất thông qua đề nghị xây dựng dự án luật; yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo đúng quy định.
Về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng, ma túy là vấn đề lớn toàn cầu, trong đó có Việt Nam; cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Công an, yêu cầu Bộ Công an tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2020.
Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Thủ tướng nhất trí với các đề xuất của Thanh tra Chính phủ, nhấn mạnh việc đổi mới hoạt động thanh tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo; nâng cao trách nhiệm của Đoàn thanh tra và chất lượng của Kết luận thanh tra. Đổi mới cơ chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong hoạt động thanh tra, tránh lạm quyền gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân được thanh tra. Bảo đảm hiệu lực thực hiện các Kết luận thanh tra; chú trọng việc thu hồi tiền, tài sản vi phạm pháp luật. Phân biệt rõ tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước với tổ chức và hoạt động giám sát của nhân dân.
Tại phiên họp, Thủ tướng đã nhất trí, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 theo trình tự, thủ tục rút gọn, phù hợp với Luật Đầu tư công (sửa đổi)…
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12, chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng thể chế, pháp luật.
* Trước đó, sáng cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) năm 2020 tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta phải mở rộng thông điệp: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”, thành “Không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”. Đó mới là một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đích thực ở Việt Nam. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Cấp ủy chính quyền, đoàn thể mặt trận cần quan tâm hơn môi trường sống, môi trường văn hóa và văn minh xã hội, cùng phát triển văn minh.
Theo Thủ tướng, kinh tế phát triển nhưng phải đi liền với đạo đức xã hội tốt đẹp, truyền thống, bản sắc dân tộc được gìn giữ, hành vi ứng xử của mọi công dân phải văn minh và nhân văn. Ngoài ra, kinh tế thị trường định hướng XHCN phải là môi trường tốt của việc hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn, tuân thủ pháp luật, hòa ý chí của mình vào khát vọng dân tộc về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Do đó, Thủ tướng nêu rõ, “ý Đảng – lòng dân” và “Tinh thần doanh nghiệp” cùng “KTXH và môi trường” đều là công thức “3 trong 1” của sự phát triển thịnh vượng, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cần tiếp thu bốn bài học, năm nhiệm vụ mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài phát biểu tại hội nghị sáng 30-12.
Theo đó, thứ nhất, phải phải kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử hơn 30 năm đổi mới và kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Nếu dừng lại, “thỏa mãn non” thì không bao giờ thành công.
Thứ hai, tăng cường đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Từ đồng lòng, đoàn kết ấy mà quyết tâm với tinh thần “tiến công” vào công việc được Đảng, Nhà nước giao.
Thứ ba, tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin báo chí để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thứ tư, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh. Đó là khoa học và công nghệ (KHCN), là kinh tế số, phủ sóng 5G, đặc biệt phải có chủ trương, chính sách giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển.
Về một số định hướng chỉ đạo, điều hành năm 2020, Thủ tướng gợi ý, không ngừng đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Phải chỉ rõ điểm nào trong văn bản, chính sách còn vướng mắc, kìm hãm sự phát triển chứ không nói chung là thể chế pháp luật tồn tại bất cập. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng mọi năng lực sản xuất, tận dụng tốt các tiềm năng thế mạnh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng.
Có cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng KHCN, ĐMST và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.
Các bộ, ngành, địa phương (BNĐP) thiết kế cụ thể, triển khai đồng bộ trong phạm vi trách nhiệm mà pháp luật giao để làm rõ những nội dung định hướng phát triển BNĐP mình. Áp dụng phương pháp một luật sửa nhiều Luật, một Nghị định sửa nhiều Nghị định, một Thông tư sửa nhiều Thông tư; tinh giản biên chế, tiết kiệm chi.
Sắp đến Tết Nguyên đán, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành chức năng và các địa phương bảo đảm không để thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết; kể cả thịt lợn, không được để đẩy giá, làm ảnh hưởng lạm phát quý I. Bảo đảm cho mọi nhà, mọi người đều có Tết, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn cho người dân trong dịp Tết.
Thủ tướng cũng lưu ý việc thực hiện nghiêm chủ trương của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ: không tranh thủ dịp Tết để cấp dưới biếu quà cấp trên.
Ý kiến ()