Chính phủ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật
Ngày 20-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3-2014 nhằm tập trung đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ, các bộ, ngành và cho ý kiến vào bảy dự án luật nằm trong kế hoạch quý I-2014.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong quý I-2014, các bộ, cơ quan ngang bộ phải trình Chính phủ 10 dự án luật. Bộ trưởng kiến nghị: Bộ Nội vụ sớm xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành mà không sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh trong năm 2014. Đối với các dự án luật có nội dung liên quan chặt chẽ với nhau, bên cạnh các nội dung cụ thể, đề nghị Chính phủ tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ giữa các dự án. Đồng thời các bộ chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý để bảo đảm sự đồng bộ giữa các dự án. Sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực thi hành, yêu cầu đặt ra đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó có dự thảo luật, pháp lệnh cần phải phù hợp tinh thần và quy định của Hiến pháp sửa đổi. Bộ Tư pháp cũng trình bày tờ trình về các định hướng lớn xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL. Dự án này sẽ hợp nhất hai Luật Ban hành VBQPPL hiện hành, không chỉ quy định về việc ban hành mà quy định cả về thi hành VBQPPL; góp phần giảm hình thức các loại văn bản, tăng cường công tác kiểm soát, tính dân chủ, công khai và phát huy trách nhiệm công dân trong xây dựng và thi hành pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thi hành hơn. Các thành viên Chính phủ nhất trí các định hướng lớn trên, đồng thời đề nghị cần nghiên cứu làm rõ tiêu chí của quy phạm pháp luật và các loại văn bản, từ đó xác định được nhu cầu, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành của từng loại. Đồng thời, thống nhất việc đề nghị Quốc hội không ban hành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ mà chỉ ban hành nghị quyết về định hướng xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ.
Phát biểu ý kiến về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng luật, pháp lệnh. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng tập trung chỉ đạo làm tốt công tác này để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ ban hành các VBQPPL chi tiết thi hành luật, pháp lệnh để các luật sau khi có hiệu lực thật sự đi vào cuộc sống. Về vấn đề chất lượng của các dự án luật, Thủ tướng lưu ý chỉ nên quy định chi tiết trong dự án luật về các vấn đề đã được xác minh cụ thể từ thực tiễn, còn những vấn đề chưa rõ nên giao Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, đây là một trong những yếu tố để kéo dài thời gian có hiệu lực của các luật.
Về tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, Thủ tướng cho rằng, mặc dù đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn 70/90 văn bản của các bộ và Chính phủ còn nợ đọng, cần sớm khắc phục và phải có chuyển biến tốt hơn trong công tác này ngay từ quý II tới. Liên quan các định hướng lớn xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL, Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ làm cơ sở để xây dựng dự án luật này. Trong đó, cần làm rõ thẩm quyền của cơ quan, cá nhân ban hành văn bản theo hướng giao quyền đi liền với giám sát thực thi và chịu trách nhiệm đến cùng đối với các quy định trong văn bản được ban hành.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và cho ý kiến vào Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; việc đưa nội dung tham gia bảo hiểm y tế của lực lượng quân đội, công an vào dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và định hướng cơ bản xây dựng dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
* Sáng 21-3, theo chương trình, phiên họp Chính phủ tiếp tục đóng góp ý kiến cho một số dự án luật.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()