Chính phủ giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn
Sáng 26-4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (NTBD). Tham dự, có đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể T.Ư có liên quan; đại biểu QH các tỉnh, thành phố trong cả nước. Giáo sư, Viện sĩ Ðào Trọng Thi, Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chủ trì phiên giải trình.
Sáng 26-4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (NTBD). Tham dự, có đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể T.Ư có liên quan; đại biểu QH các tỉnh, thành phố trong cả nước. Giáo sư, Viện sĩ Ðào Trọng Thi, Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chủ trì phiên giải trình.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Ðào Trọng Thi nhấn mạnh, Phiên giải trình được tổ chức nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan hoạt động NTBD; trên cơ sở đó, đề xuất những kiến nghị, giải pháp giúp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong quản lý hoạt động NTBD. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan đã giải trình chất vấn của đại biểu QH, xoay quanh các nội dung chính: Xử lý sai phạm trong nghệ thuật biểu diễn; chính sách về lương, phụ cấp, tuổi nghề với các diễn viên, nghệ sĩ; chính sách phong tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ; vấn đề đào tạo, giáo dục lực lượng biểu diễn nghệ thuật.
Trả lời chất vấn về thực trạng những vi phạm Chỉ thị 65/CT-BVHTTDL và Nghị định 79/2012/NÐ-CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, một phần nguyên nhân của những sai phạm trên là do một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các địa phương có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý nhà nước, trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý còn yếu, kém… Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh công tác quản lý, xử phạt thật nghiêm minh những trường hợp vi phạm này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp Thanh tra các sở để xử lý nghiêm các vi phạm; nỗ lực lập đề án để xây dựng khung chi trả tiền tác quyền, đồng thời cũng cân nhắc có nên bắt buộc đưa việc chứng minh đã thực hiện quyền tác giả vào hồ sơ cấp phép biểu diễn cho các chương trình hay không.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, chính sách về lương, phụ cấp đối với diễn viên, nghệ sĩ và chính sách phong tặng danh hiệu nghệ nhân còn chưa thỏa đáng, chưa sát với tình hình thực tế, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Một số nghị định, quy định của chính phủ về chế độ lương, phụ cấp với lao động biểu diễn nghệ thuật từ lâu đã không còn phù hợp, dẫn đến bậc lương của ngạch diễn viên so với mặt bằng chung còn thấp, chính sách thi nâng ngạch bậc là không khả thi. Tuổi nghề diễn viên chỉ kéo dài từ 15 đến 20 năm, nhưng tuổi nghỉ hưu lại được thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội là không phù hợp. Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo để tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc và tạo cơ chế, chính sách đặc thù với người hoạt động trong lĩnh vực NTBD; hoàn thiện Nghị định quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, có xét đến các trường hợp đặc cách.
Giải trình về công tác đào tạo lực lượng biểu diễn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Ðội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo về NTBD còn rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Chất lượng đào tạo còn chưa đồng đều, đội ngũ có trình độ học vị cao làm công tác giảng dạy càng khan hiếm, việc đầu tư cơ sở vật chất tại các cơ sở đào tạo NTBD còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc thực hiện các đề án đã được Thủ tướng phê duyệt về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên có trình độ cao giảng dạy về NTBD; đồng thời cũng nên có chính sách chuyên biệt với các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật ở các vùng kinh tế khó khăn, con em người dân tộc thiểu số…
Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ðào Trọng Thi đã tổng kết và đưa ra một số kiến nghị đối với Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về NTBD, trong đó cần cụ thể hóa và đẩy mạnh chính sách xã hội hóa hoạt động NTBD; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nghiêm cấm bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các thiết chế văn hóa. Các bộ, ngành cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, chế độ phù hợp đặc thù của ngành NTBD về chế độ lương, phụ cấp, nâng ngạch cho nghệ sĩ; bảo đảm quyền lợi tác giả, quyền liên quan, có cơ chế tuyển sinh phù hợp đặc thù ngành văn hóa nghệ thuật, sửa đổi tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu nghệ sĩ, nghệ nhân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về trách nhiệm, quyền hạn, quan hệ công tác cũng như cơ chế phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trung ương và địa phương; kiện toàn tổ chức, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong lĩnh vực NTBD.
Nhandan
Ý kiến ()