Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp
LSO-Sáng nay (17/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với doanh nghiệp cả nước để tổng kết Nghị quyết 35 với chủ đề “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo trung ương; các bộ, ban, ngành; các tỉnh, thành và hơn 7.000 doanh nghiệp cả nước. Tại điểm cầu Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ban, ngành và một số doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn |
Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được triển khai thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực trong hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Chuyển biến mạnh mẽ nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính, một số thủ tục vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19/NQ-CP và cam kết đã ký với VCCI. Tất cả các địa phương đều triển khai cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp đã được lãnh đạo các địa phương quan tâm thực hiện.
Đối với Lạng Sơn, để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa liên thông giữa các sở, ngành để kịp thời cung cấp dịch vụ công. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại cấp tỉnh, cấp huyện được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Tỉnh đang triển khai để nâng dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, độ 4. Riêng đăng ký thành lập doanh nghiệp đã đạt mức độ 4; lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp; ban hành giá đền bù đất sát với thực tế; đầu tư hạ tầng khu vực kinh tế cửa khẩu; thực hiện quy hoạch, định hướng phát triển lâm nghiệp…
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, trong đó nhiều ý kiến trực tiếp đến lĩnh vực kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp như: các cơ chế đặc thù hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chăn nuôi; thời gian thu phí cho dự án BOT; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự; giá bất động sản vùng biên các thành phố lớn; việc tiêu cực, chi phí không chính thức của doanh nghiệp khi cần tiếp cận dịch vụ công; thành lập tập đoàn bán lẻ quy mô quốc gia… Trong đó, nổi lên là các vấn đề liên quan đến đất đai, vốn; việc thanh, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp; thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Từ kết quả sơ kết Nghị quyết 35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Vẫn còn những quy định, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, làm phát sinh những thủ tục không cần thiết, không hợp lý, tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương phải xây dựng môi trường tự do kinh doanh, tự do sáng tạo, tôn trọng nhà đầu tư; tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của nhà nước; tiếp tục hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh chân chính, nghiêm túc; từng bước giảm thiểu các khoản chi phí cho doanh nghiệp, nhất là các khoản phí liên quan đến dịch vụ công.
Thủ tướng cũng yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp cần kinh doanh chân chính, phải luôn tự chủ động học hỏi để không ngừng đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước đi lên.
ANH DŨNG
Ý kiến ()