Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền
Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền, không xa rời mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. |
Tại phiên thảo luận kinh tế- xã hội tập trung tại Hội trường ngày 27/10, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng “trong khi lạc quan về tăng trưởng, thì Chính phủ lại có vẻ như còn thiếu tự tin đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát”.
Đại biểu cho rằng trong 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2018, chúng ta vẫn luôn giữ được lạm phát ở mức dưới 4% bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, giá thực phẩm và tỷ giá diễn ra đồng thời. Đó là một trong những thành tựu quan trọng bậc nhất, thể hiện bản lĩnh và năng lực điều hành kinh tế của Chính phủ. Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn.
“Với việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát “khoảng 4%” thay cho “dưới 4%” trong năm 2019, thì tôi cũng không rõ, tới đây Quốc hội sẽ đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào? Nếu lạm phát là 4,1 – 4,2%, thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu là 4,3 – 4,4 – 4,5% thì có còn gọi là hoàn thành nhiệm vụ được không?”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ băn khoăn.
Tham gia giải trình với Quốc hội vào chiều nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Chính phủ không hề có động thái nào về nới lỏng kiểm soát lạm phát. Chính phủ phải đẩy mạnh xã hội hoá việc cung cấp các dịch vụ công nên việc đặt ra kiểm soát lạm phát khoảng 4% là cần thiết”.
Kiểm soát lạm phát cũng là một trong các giải pháp để tiếp tục kiên định chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô mà Đảng, Quốc hội đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh ổn định vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, bảo đảm các cân đối lớn về thu chi ngân sách, cung cấp điện, thanh toán vãng lãi, dự trữ ngoại hối hiện đang ở mức 60 tỷ USD, giữ mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở những lĩnh vực ưu tiên, điều hành tỷ giá thận trọng, theo tín hiệu thị trường, phối hợp tốt các giải pháp điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ và ngoại thương.
“Đặc biệt, Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Để hỗ trợ cho xuất khẩu, Chính phủ không bao giờ, chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Việc ổn định kinh tế vĩ mô sẽ giúp Chính phủ củng cố hơn nữa nền tảng tăng trưởng, tăng cường sự chống chịu của hệ thống ngân hàng trước sức ép của căng thẳng thương mại, sức ép gia tăng lãi suất của các nền kinh tế thế giới, đồng thời cơ cấu lại các lĩnh vực, ngành còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Ngoài ra, Chính phủ đang tính toán các động lực cho tăng trưởng từ nay tới năm 2020, trước khi xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2030.
Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội về chất lượng tăng trưởng kinh tế của quốc gia, Phó Thủ tướng nêu rõ mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là phải tăng trưởng kinh tế nhanh, rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước nhưng phải bảo đảm tăng trưởng bền vững theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bền vững mà Liên Hợp Quốc đã quyết nghị.
Để thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 24 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhất là trong 3 năm qua với chuyển biến tích cực, rõ rệt và quan trọng là đi đúng hướng.
Theo Phó Thủ tướng tăng trưởng của kinh tế toàn diện ở 3 khu vực nông nghiệp- công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Ngay trong khu vực nông nghiệp, tăng trưởng đều ở tất cả các khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ hải sản, lâm nghiệp, trồng trọt thể hiện rõ kết quả của cơ cấu lại ngành này.
Tăng trưởng của khu vực công nghiệp giảm dần phục thuộc vào lĩnh vực khai khoáng, dựa nhiều vào vai trò động lực của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Du lịch- dịch vụ phát triển với nhiều ấn tượng về số lượng khách quốc tế.
Ngoài ra, tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư xuất khẩu mà còn dựa vào thị trường trong nước với mức tăng 2 con số. Năm nay tăng trưởng của thị trường nội địa tương đương với mức tăng của xuất khẩu ở mức 11- 12%. Tăng năng suất lao động hiện nay đang ở mức cao nhất trong khu vực, trung bình 3 năm tăng 5,62%, vượt xa mức 4,35% của 5 năm trước và chỉ tiêu 5%. TFP tăng lên, bình quân đạt 42,1% so với 33,5% và hơn cả mục tiêu đặt ra từ 30-35%. Chỉ số ICOR đã tốt hơn, giảm từ mức 6,91 xuống 6,32 và sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên, 3 năm vừa rồi có thứ hạng cao về xếp hạng môi trường cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thẳng thắn: “Chất lượng tăng trưởng nhanh nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, không cố gắng thì nguy cơ tụt hậu vẫn còn hiệu hữu”.
Đó là chất lượng thể chế, hạ tầng còn nhiều hạn chế. Chỉ số đổi mới khoa học công nghệ còn thấp, năng suất lao động tuy tăng nhanh nhưng so với các nước trong khu vực còn thấp. Chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp- dịch vụ còn chậm, không tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năng suất lao động tăng do vốn, đầu tư và một phần phụ thuộc đầu tư nước ngoài.
Để bảo đảm tăng trưởng bền vững theo Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình quốc gia tăng năng suất lao động, tăng cường cơ cấu lại kinh tế, chuyên đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng cả thị trường quốc tế và trong nước, tăng cường đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân để khối này trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, thu hút FDI chọn lọc có liên kết với doanh nghiệp trong nước…
Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm Chính phủ quan tâm chỉ đạo ổn định và phát triển thị trường tài chính, giúp các chỉ tiêu “đi trước” kế hoạch 5 năm. Cụ thể, quy mô thị trường chứng khoán hiện nay đã chiếm tới 80% GDP, vượt xa chỉ tiêu 70% GDP vào năm 2020, hỗ trợ cho ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Nợ xấu trong bảng cân đối khoảng 2% so với mức 2,56% vào đầu năm nay. Tính chung nợ xấu của toàn hệ thống hiện chỉ khoảng 6% và tiếp tục thực hiện Đề án số 1058 về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại thu chi ngân sách và bảo đảm an toàn nợ công, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp đưa các chỉ tiêu nợ công quay trở lại các chỉ số an toàn. Riêng với nợ nước ngoài của quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết trong cơ cấu này, nợ của Chính phủ đã giảm xuống 40% và 60% còn lại là nợ của khối tư nhân. Chính phủ đã có phương án để kiểm soát tốt nợ nước ngoài của quốc gia trong thời gian tới.
Ý kiến ()