Chính phủ Canada sẽ tiếp tục ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam
Chính phủ đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau được cho là sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại tương tác với Đông Nam Á và Việt Nam sẽ là một trong những đối tác chiến lược của Canada ở khu vực này.
Giới chức Canada đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Canada, được xây dựng trên nền tảng quan hệ đối tác kinh tế gắn bó và giao lưu nhân dân mạnh mẽ.
Thêm một nhiệm kỳ nữa dưới sự lãnh đạo của đảng Tự do và Thủ tướng Justin Trudeau, giới học giả Canada nhận định mối quan hệ với Việt Nam sẽ tiếp tục là một ưu tiên của Ottawa và sẽ được tăng cường trong những năm tới.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Ottawa, bà Sophia Leong, thành viên Ban cố vấn, Sáng kiến Canada-ASEAN (Canada-ASEAN Initiatives), khẳng định Việt Nam vẫn tiếp tục là một ưu tiên của Canada khi sở hữu 3 điểm mạnh.
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi tốt. Thế giới đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đạt 2,91% trong năm 2020. Đây là một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong đại dịch COVID -19 – một giai đoạn kinh tế đầy thách thức.
Thứ hai, sự lớn mạnh nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tiếp tục mang lại sự ổn định về kinh tế-thương mại rất cần thiết vì cả hai nền kinh tế (Việt Nam và Canada) phải điều chỉnh để thích ứng với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Điểm cuối cùng là đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và cả hai nền kinh tế của Việt Nam và Canada đang tích cực điều chỉnh sang giai đoạn bình thường mới.
Việt Nam được cho là sẵn sàng đón nhận nền kinh tế kỹ thuật số nhanh hơn các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam đang tích cực xây dựng các trụ cột quan trọng cần thiết cho nền kinh tế kỹ thuật số, gồm kết nối, logistics, thanh toán kỹ thuật số và đội ngũ nhân lực tài năng.
Ưu điểm của lực lượng dân số trẻ ở Việt Nam là khát vọng khởi nghiệp mạnh mẽ, có năng lực học hỏi, tiếp thu và đổi mới. Đây là những lĩnh vực mà Canada có thể giữ vai trò quan trọng và có tác động lớn.
Chuyên gia J. Berkshire Miller, Viện Macdonald Laurier, cho rằng với chiến thắng của đảng Tự do trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 44 vừa qua, Chính phủ Canada sẽ tiếp tục tăng cường quan tâm đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Xây dựng một chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng là ưu tiên chung của cả hai chính đảng lớn nhất ở Canada là đảng Tự do và đảng Bảo thủ. Trong bối cảnh Việt Nam là đối tác quan trọng trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây cũng là cơ hội để Canada xây dựng các mối quan hệ an ninh với Việt Nam và với khu vực trên phạm vi rộng hơn.
Chia sẻ quan điểm này, Phó Giáo sư Ian Lee, Đại học Carleton, nhấn mạnh cả hai đảng chính trị lớn của Canada (đảng Tự do và đảng Bảo thủ) đều muốn đa dạng các mối quan hệ thương mại.
Hơn nữa, do Canada và Việt Nam đã ký kết CPTPP, nên hiệp định này sẽ ngày càng trở thành một phương tiện để Canada tăng cường thương mại với Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ năm 2015.
Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) từng gợi mở khi đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng tăng nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ ở châu Á và phát triển một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương toàn diện và rõ ràng, Canada có thể đẩy mạnh mối quan hệ với Việt Nam vì các nhà xuất khẩu và nhập khẩu hiện được tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và hưởng mức thuế quan được cắt giảm trong môi trường thương mại này.
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại với các nước ở châu Á-Thái Bình Dương và kim ngạch trao đổi thương mại giữa Canada và Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi CPTPP có hiệu lực.
Ngay cả trong thời gian đại dịch, hợp tác song phương vẫn không ngừng phát triển. Năm 2020, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước tăng 12,8% so với năm 2019 và trong nửa đầu năm 2021, mức tăng là 38,5%.
Việt Nam hiện là một địa chỉ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Canada. Ngoài lĩnh vực thương mại hàng hóa, nhiều cơ hội hợp tác đã nổi lên trong các lĩnh vực khác như đầu tư, dịch vụ tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.
Canada và Việt Nam đã có mối quan hệ bền chặt từ đầu những năm 1970 của thế kỷ trước. Chiều sâu của mối quan hệ này được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác và hiệp định thương mại.
Kể từ năm 1990, Canada đã đóng góp 1,7 tỷ CAD (785 triệu USD) hỗ trợ Việt Nam thực hiện các ưu tiên chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội.
Chính phủ đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau được cho là sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại tương tác với Đông Nam Á và Việt Nam sẽ là một trong những đối tác chiến lược của Canada ở khu vực này./.
Ý kiến ()