Chính phủ Bồ Đào Nha vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ngày 3/4, Chính phủ Bồ Đào Nha đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, do đảng Xã hội đối lập đề xuất để phản đối đường hướng "thắt lưng buộc bụng" mà liên minh cầm quyền đang áp dụng. Đây là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ tư đối với liên minh cầm quyền của Thủ tướng Pêđrô Pasốt (Pedro Passos) trong vòng 9 tháng qua.
Ngày 3/4, Chính phủ Bồ Đào Nha đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, do đảng Xã hội đối lập đề xuất để phản đối đường hướng “thắt lưng buộc bụng” mà liên minh cầm quyền đang áp dụng. Đây là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ tư đối với liên minh cầm quyền của Thủ tướng Pêđrô Pasốt (Pedro Passos) trong vòng 9 tháng qua.
Thủ tướng Bồ Đào NhaPedro Passos. |
Đề xuất bất tín nhiệm Chính phủ chỉ giành được 97 phiếu ủng hộ từ 3 đảng đối lập, và vấp phải sự phản đối của 131 phiếu từ 2 đảng trong liên minh cầm quyền.
Phát biểu trước Quốc hội, Tổng Thư ký đảng Xã hội Antôniô Giôdê Xêgurô (Antonio Jose Seguro) chỉ trích Chính phủ dưới quyền ông Pasốt không đáp ứng tất cả các mục tiêu đề ra như thâm hụt ngân sách, nợ công, tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp. Theo nhà lãnh đạo này, đã đến lúc cần “giải phóng” người Bồ Đào Nha ra khỏi 2 năm cầm quyền tiếp theo của chính phủ hiện nay và cần thương lượng lại về các điều kiện cứu trợ với nhóm “Bộ ba” – gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đáp lại, Thủ tướng Pêsốt cho rằng chính phủ tiền nhiệm của đảng Xã hội đã đẩy Bồ Đào Nha đến tình trạng khốn đốn về tài chính để phải xin cứu trợ, đồng thời cảnh báo cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tạo cảm giác bất ổn chính trị tại thời điểm Bồ Đào Nha cần giành lại lòng tin từ các nhà đầu tư trên thị trường vốn. Ông Pêsốt khẳng định trong 2 năm qua, nhóm “Bộ ba” luôn đánh giá tích cực về tiến trình thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của Bồ Đào Nha, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đường hướng “thắt lưng buộc bụng” trong hai năm tới. Ông nhấn mạnh nếu không vượt qua tình trạng khẩn cấp hiện nay và không hoàn tất chương trình “thắt lưng buộc bụng” thì Bồ Đào Nha sẽ không còn quyền tự chủ và không thể tiếp cận thị trường tài chính, đồng nghĩa kéo dài tình trạng bất ổn xã hội.
Theo các nhà quan sát, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ tuy chỉ mang tính tượng trưng vì liên minh cầm quyền hiện giữ đa số an toàn trong Quốc hội Bồ Đào Nha, nhưng bộc lộ sự bất bình ngày càng tăng đối với các biện pháp khắc khổ mà Lixbon áp dụng để đổi lấy gói cứu trợ 78 tỷ ơrô (101 tỷ USD). Cuộc bỏ phiếu cũng làm dấy lên quan ngại về khả năng Tòa án Tối cao Bồ Đào Nha có thể “nói không” khi xem xét tính hợp hiến của chương trình “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ.
Các số liệu dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha có thể giảm 2,3% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp hiện là 16,9% sẽ leo lên mức 18,2%.
Dangcongsan
Ý kiến ()