Chính phủ Ấn Độ cử các nhóm chuyên gia hỗ trợ các bang dập dịch
Các nhóm chuyên gia hai thành viên gồm một bác sỹ và một chuyên gia y tế cộng đồng được cử tới năm bang Kerala, Tripura, Odisha, Chhattisgarh và Manipur.
Ngày 2/7, Bộ Y tế Ấn Độ ra tuyên bố nêu rõ chính phủ nước này đã cử các nhóm chuyên gia cấp cao tới các bang đang ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng, nhằm giúp nâng cao năng lực ứng phó và kiểm soát dịch bệnh.
Cụ thể, các nhóm chuyên gia hai thành viên gồm một bác sỹ và một chuyên gia y tế cộng đồng được cử tới năm bang Kerala, Tripura, Odisha, Chhattisgarh và Manipur.
Các nhóm chuyên gia sẽ làm việc với chính quyền các bang, nắm bắt các thách thức và các vấn đề mà những địa phương này đang phải đối mặt để từ đó đưa ra phương án hợp lý thúc đẩy thực hiện các nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 và loại bỏ bất kỳ vướng mắc nào nếu có, đặc biệt trong khâu xét nghiệm, nâng cao năng lực tiếp nhận của các bệnh viện và đảm bảo cung ứng đầy đủ trang thiết bị, phương tiện y tế… cũng như thúc đẩy tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Tính đến trưa 2/7, tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã lên mức 30,5 triệu ca, trong đó có 400.312 ca tử vong.
Ngày 2/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố thỏa thuận về nguyên tắc của lãnh đạo chính phủ liên bang và địa phương về kế hoạch bốn giai đoạn đưa đất nước vượt qua đại dịch COVID-19 song song với việc đẩy nhanh chương trình tiêm chủng tại quốc gia lớn nhất Châu Đại Dương.
Theo kế hoạch trên, trong giai đoạn đầu hiện nay, Australia tập trung vào các hoạt động tiêm chủng, chuẩn bị và thí điểm nhằm kiểm soát bệnh dịch với mục tiêu mọi người dân được tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Lượng khách nhập cảnh bằng các chuyến bay thương mại tới các sân bay lớn tạm thời sẽ được cắt giảm 50% so với mức giới hạn hiện nay để ứng phó với biến thể Delta có khả năng lây lan rất nhanh. Bên cạnh đó, chính phủ liên bang sẽ gia tăng các chuyến đưa công dân hồi hương về thành phố Darwin, miền Bắc Australia.
Ngoài ra, chính quyền các bang sẽ bắt đầu thử nghiệm các phương án cách ly thay thế, bao gồm cả cách ly tại nhà đối với những người nhập cảnh đã được tiêm chủng. Việc xác thực tiêm chủng trực tuyến sẽ bắt đầu được thực hiện tại các sân bay quốc tế.
Giai đoạn hai, giai đoạn sau tiêm chủng, nhằm mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng, nhập viện và tử vong. Ở giai đoạn này, mức giới hạn số lượng người nhập cảnh sẽ được điều chỉnh tăng về mức cũ, với hai mức riêng áp dụng cho những người chưa được tiêm và đã được tiêm phòng.
Chính phủ cũng sẽ cho phép một số lượng nhất định sinh viên và người lao động quốc tế nhập cảnh và phải cách ly. Thời gian cách ly ngắn hơn sẽ được áp dụng cho công dân hồi hương đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và một chương trình tiêm chủng tăng cường sẽ được thực hiện.
Sang giai đoạn thứ ba, giai đoạn củng cố, dịch bệnh sẽ được kiểm soát tương tự như các bệnh truyền nhiễm khác. Trong giai đoạn này, Australia sẽ dỡ bỏ phong tỏa và nới lỏng các biện pháp hạn chế số người nhập cảnh đã tiêm phòng.
Những công dân Australia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được miễn tất cả các hạn chế trong nước và tất cả các hạn chế đi ra nước ngoài cũng sẽ được dỡ bỏ. Chính phủ cũng sẽ tăng số lượng thị thực nhập cảnh cho sinh viên, người lao động quốc tế và cho mục đích nhân đạo.
Ngoài ra, việc đi lại không hạn chế và không cần cách ly sẽ được mở rộng sang các quốc gia đủ điều kiện, bắt đầu với Singapore và các nước Thái Bình Dương.
Trong giai đoạn cuối cùng, Australia sẽ không giới hạn số lượng người đã được tiêm chủng nhập cảnh mà không bị cách ly. Những khách du lịch chưa được tiêm chủng cũng sẽ được vào Australia, với điều kiện phải qua xét nghiệm trước chuyến bay và khi nhập cảnh.
Thủ tướng Morrison cho biết việc chuyển tiếp giữa các giai đoạn trong kế hoạch trên sẽ được thực hiện căn cứ vào các mốc tiêm chủng quan trọng. Nhóm Đặc trách ứng phó và phân tích rủi ro COVID-19 của Australia sẽ xác định các mốc tiêm chủng này dựa trên các cơ sở khoa học và công bố trong thời gian tới.
Nhà lãnh đạo Australia bày tỏ tin tưởng lộ trình trên sẽ giúp tăng tốc chương trình tiêm chủng của nước này và tất cả người dân Australia đủ điều kiện sẽ được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay. Tính đến nay, hơn 8 triệu liều vaccine đã được tiêm cho tổng số 20 triệu người trưởng thành ở Australia./.
Ý kiến ()