Chiêu trò lan đột biến đang quay lại
Vài năm trước, cơn “bão giá” lan đột biến (lan var) tràn qua các tỉnh, thành phố khiến nhiều người chớp mắt đã thành đại gia trăm tỷ đồng, nhưng cũng không ít người trắng tay, sau đó phải rơi vào cảnh nợ nần. Bẵng đi vài năm, những chậu lan Bảo Duy, Vô Thường, Tuyết Đỉnh Hồng,… từng có giá vài chục tỷ đồng thì nay rớt giá chỉ còn vài trăm nghìn đồng/chậu, giờ lại được dân chơi “thổi giá”cao trong những ngày gần đây. Nhiều người cho rằng, đây là chiêu trò “lùa gà mới” của những chủ vườn lan không có tâm.
Cơn bão lan đột biến đã trôi qua được mấy năm, nhưng vẫn để lại nỗi buồn và sự tiếc nuối cho anh V.M.C ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Bên chén trà đặc sánh vừa đủ ngấm của vùng trà đất Tổ, anh tâm sự: Mấy năm trước phong trào chơi và mua bán lan đột biến phát triển mạnh mẽ tại khắp các địa phương trên cả nước. Mỗi cm hoặc mỗi thân cây (kie) lan var tùy loại, tùy độ độc, lạ, hiếm mà có giá từ vài triệu đến vài chục tỷ đồng. Nhiều người mua một chậu hoặc một kie lan Vĩnh Khang, Ngọc Sơn Cước,… sau vài tuần đã có lãi tiền tỷ.
Lợi nhuận kếch xù đã khiến những nông dân như chúng tôi ở mảnh đất “rừng cọ, đồi chè” chấp nhận bán đất, bán nhà và thậm chí đi vay lãi ngoài để có tiền kinh doanh lan var. Khi đó, tôi quyết định bán lô đất 1.000 m2 của bố mẹ cho với giá 3 tỷ đồng để mua mấy chậu lan Bạch Tuyết nhằm bán kiếm lời, nhưng không ngờ sau đó lan rớt giá chỉ còn vài triệu đồng/chậu. Mấy tuần nay có tin đồn giá lan đột biến tăng cao, khiến nhiều người rất mừng...
Trái ngược với anh V.M.C ở tỉnh Phú Thọ, anh T.T.H, ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Là một chủ trang trại lớn với tổng tài sản hàng chục tỷ đồng, nhưng giờ đây tất cả tài sản của tôi đều nằm hết ở lan đột biến. Thời buổi này không thể bán lan đột biến kiếm tiền tỷ dễ như mua rau ngoài chợ được… Hiện tượng mấy người trên mạng bắt tay nhau giao dịch lan var với giá cao chỉ là chiêu trò tạo cơn sốt ảo”.
Cơn sốt lan var bắt đầu từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022 với những cuộc giao dịch nhỏ thì vài trăm triệu đồng, lớn hơn thì vài chục tỷ đồng. Khi đó, 1 kie lan Bảo Duy có giá khoảng 2-3 tỷ đồng, Bạch Tuyết giá khoảng 100 triệu đồng/cm. Các loại lan var rẻ như HO và 5 cánh trắng Phú Thọ cũng có giá từ 1-5 triệu đồng/cm. Với thủ đoạn này, nhiều người mới chơi đã trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ lừa đảo bán lan đột biến. Thời điểm giữa năm 2022 đến đầu năm 2023, giá những loại lan này giảm mạnh và xuống đáy với giá vài trăm nghìn đồng.
Tuy nhiên, khoảng hai tuần gần đây, trên các mạng xã hội (MXH) xuất hiện một số giao dịch lan đột biến với giá trị hàng trăm triệu đồng. Trong đó, các loại lan Vĩnh Khang, Đại Cát, Ngọc Sơn Cước... được rất nhiều người quan tâm, tìm kiếm. Những thông tin đó phần nào hâm nóng thị trường lan var vốn ảm đạm lâu nay... Trong vai người đi tìm mua lan rừng về chơi, chúng tôi tìm đến những cửa hàng, nhà vườn trồng và bán phong lan uy tín ở xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội; các chợ như: Đền Lừ (quận Hoàng Mai); chợ Vạn Phúc (quận Hà Đông); chợ Bưởi (phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình)…
Tại đây, các chủ cửa hàng, chủ vườn đều tư vấn nhiệt tình về giá cả, phương pháp trồng và cách chăm sóc các loài lan sao cho cây đẹp và sai hoa. Khi được hỏi về thông tin “cơn sốt” lan đột biến có dấu hiệu quay trở lại thì tất cả các chủ cửa hàng, vườn lan đều khẳng định đây là chiêu trò “lùa gà mới” của các nhà vườn không có tâm nhằm đẩy giá lan lên cao, thu hút những người có “máu tham” lao vào đầu tư. Khi đó, người hưởng lợi nhiều nhất chính là những chủ vườn lan này.
Theo GS, TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh hoa lan Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trước đây nguồn cung lan var rất ít, có khi cả nước cũng chỉ có một chậu lan trong khi nhu cầu người chơi rất lớn đã dẫn đến tình trạng “sốt giá ảo”. Hiện nay, cung lại vượt cầu do các cơ sở nghiên cứu khoa học, nhà vườn đã áp dụng nhiều phương pháp nhân giống, giâm kie thành công và tạo ra nhiều loại lan đột biến có chất lượng.
Do vậy, thị trường lan var đang rơi vào trạng thái bão hòa và giá chỉ bằng 1/1.000 so với lúc sốt giá. Đối với một số loài lan đặc biệt quý hiếm như 5 cánh trắng Kinh Bắc phát triển rất chậm thì vẫn có giá trị cao, nhưng cũng không thể cao như thời kỳ “sốt ảo”. Do vậy, trước khi sưu tầm lan đột biến, người mua cần tìm hiểu kỹ giá cả, mặt bông và nên mua của những nhà vườn lớn có uy tín; có ký kết hợp đồng mua bán theo quy định… Không nên mua hoa lan var trên MXH hoặc những nhà vườn không có cam kết bảo hành về chất lượng, giá thành sản phẩm…
Bên cạnh đó, Hội sản xuất và kinh doanh hoa lan Việt Nam cũng sẽ khuyến cáo các hội viên trên toàn quốc kinh doanh có tâm và có tầm, không vì lợi nhuận mà đánh mất uy tín và thương hiệu nhà vườn; phải nỗ lực bảo tồn, lưu giữ các loại lan quý hiếm được thiên nhiên ban tặng, bảo đảm chất lượng, giá cả các loại lan var khi bán ra thị trường, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ pháp lý đối với khách hàng…, nhất là với những khách hàng mới chơi lan. Nếu hội viên nào vi phạm các quy định của pháp luật thì lãnh đạo Hội sẽ xử lý kỷ luật và xóa tư cách hội viên.
Trước những thông tin trên MXH về việc các loại lan đột biến đang sốt giá trở lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với người dân... để ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng nêu trên, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng, đơn vị và các Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến và khuyến cáo nhân dân cảnh giác với hiện tượng này. Không để các đối tượng xấu lợi dụng MXH để dụ dỗ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mua bán lan đột biến. Giao công an huyện tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động các hội, nhóm, chợ lan đột biến trên mạng, nhất là các tài khoản đưa thông tin không đúng sự thật. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật…
NGUYỄN VĂN ĐỨC,
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ
Ý kiến ()