Chiều 6/6: Quốc hội xem xét 2 dự án luật
Theo chương trình kỳ họp, chiều 6/6, Quốc hội sẽ nghe báo cáo và xem xét về 2 dự án luật là dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Cảnh vệ.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Cảnh vệ trong lễ xuất quân bảo vệ IPU132 |
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ.
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh vệ. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Cảnh vệ.
Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2005. Qua tổng kết 12 năm thực hiện, bên cạnh những tác động tích cực, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung.
Sau khi tiếp thu chỉnh lý, dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) gồm 12 chương, 97 điều. Các vấn đề của dự thảo Luật cần Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận tại kỳ họp này bao gồm: Tên gọi của dự thảo Luật (đổi từ Luật bảo vệ và phát triển rừng thành Luật Lâm nghiệp, Luật Tài nguyên rừng); việc sắp xếp lại bố cục của dự thảo Luật để bảo đảm tính logic, tính khoa học; làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật, đối tượng quản lý, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phân loại rừng; quản lý rừng; việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Cảnh vệ trình Quốc hội thông qua gồm 6 chương, 36 điều. Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm các nội dung sau: Về đối tượng cảnh vệ (Điều 10) được giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình, về lực lượng cảnh vệ (Điều 16), về quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh quân đội, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ (Điều 20), về quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ (Điều 21), về huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ (Điều 22).
Luật Cảnh vệ còn có một số nội dung khác, như: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đối tượng áp dụng (Điều 2), giải thích từ ngữ (Điều 3), về vị trí, chức năng của lực lượng cảnh vệ (Điều 4), về nguyên tắc công tác cảnh vệ (Điều 5), chính sách đối với lực lượng cảnh vệ và công tác cảnh vệ (Điều 6), hợp tác quốc tế trong công tác cảnh vệ (Điều 8), các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), các biện pháp và chế độ cảnh vệ (Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14), về quyền và trách nhiệm của người là đối tượng cảnh vệ (Điều 15), điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng cảnh vệ (Điều 17), về nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ (Điều 18), nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ (Điều 19), về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ (Điều 23), trách nhiệm của Chính phủ (Điều 24), trách nhiệm của Bộ Công an (Điều 25), trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (Điều 26), trách nhiệm của công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác cảnh vệ (Điều 29).
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()