Chiết Giang như thơ, như nhạc
Người Trung Quốc tự hào cho rằng: “Trên có thiên đàng/ Dưới có Tô Hàng” (Hàng Châu, Tô Châu) để ca ngợi cảnh đẹp của đất nước. Người Chiết Giang tự hào rằng họ không chỉ có Hàng Châu mà còn rất nhiều cảnh đẹp, với nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác nữa. Trong số ấy, chỉ tính riêng văn hóa gắn liền với sông nước cũng rất đỗi thi vị.
Gói gọn trong một buổi, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Chiết Giang đã giới thiệu được vẻ đẹp như thơ, như nhạc ấy. Bên chén trà Long Tỉnh được pha công phu và hương trầm phảng phất, tiếng nhạc dặt dìu, mưa (xuân) ở Nam sông Dương Tử vừa bắt đầu, vẳng nghe tiếng cười trong gió. Mỹ nữ yểu điệu, vui đùa trong nước trước mặt quan khách. Bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành quốc tế Kim Liên giải thích: “Đây là vẻ đẹp của cơn mưa sương mù ở phía Nam sông Dương Tử”. Thưởng lãm tiết mục múa “Mưa sương mù” do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa Chiết Giang biểu diễn, chúng tôi cảm nhận được phần nào vẻ đẹp vi diệu của cơn mưa sương mù. Quả thật, vẻ đẹp sông nước ở Chiết Giang đã đi vào thơ ca, nhạc họa của biết bao thế hệ. Lý Bạch, Đỗ Phủ đều có thơ về nơi này. Nhà thơ Tế Hanh khi đến Chiết Giang đã tức cảnh sinh tình, để lại cho hậu thế “Bài thơ tình ở Hàng Châu” khi đến Tây Hồ.
Tiết mục múa “Mưa sương mù” giúp người xem thêm hiểu về văn hóa, con người Chiết Giang. |
Vốn nổi tiếng với sông hồ nên thơ nhưng người Chiết Giang còn có tài giới thiệu vẻ đẹp ấy với du khách. Nói đến Chiết Giang không thể không nhắc tới cổ cầm. Nghệ nhân truyền thừa Zheng Yiqin với bài cầm ca “Trôi theo dòng nước” như thủ thỉ với du khách tiếng lòng về dòng sông quê hương mang vẻ đẹp khi hiền hòa, lúc uy vũ. Là giảng viên của nhạc viện thuộc thành phố Hàng Châu (Chiết Giang), Zheng Yiqin học cổ cầm không từ sách vở mà được truyền miệng trong gia đình theo dạng thức “cha truyền con nối”, một thầy dạy một trò. Mẹ bà cũng là một nghệ nhân truyền thừa cổ cầm. Bà Zheng Yiqin cho biết: “Tôi chọn bài “Trôi theo dòng nước” cũng bởi cổ cầm là nhạc cụ lâu đời của người Hán. Tiếng đàn không chỉ nói được nỗi lòng của người chơi mà còn thể hiện nguồn lực nội sinh. Tiếng đàn biến hóa giúp con người dưỡng thần, dưỡng tâm”.
Bà Trịnh Ni, Trưởng phòng Công nghệ giáo dục (Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Chiết Giang) giới thiệu rất khéo qua một truyền thuyết: “Hà Nội và Chiết Giang đã có mối quan hệ thân thiết hài hòa từ xưa, từ nghệ thuật trà đạo đến thư pháp, hội họa. Người Chiết Giang yêu thích nền văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam. Người Việt Nam thích thưởng thức thơ, tranh Chiết Giang. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia có hai tiên nữ hạ phàm. Khi về trời, hai tiên nữ đánh rơi 2 chiếc gương, 1 chiếc rơi xuống Hàng Châu, chiếc còn lại rơi xuống vùng đất nay là Hà Nội, hóa thành hai Hồ Tây nên thơ. Câu chuyện này khiến người ta hiểu hơn về nhân duyên sâu nặng giữa Chiết Giang và Hà Nội”.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/chiet-giang-nhu-tho-nhu-nhac-738679
Ý kiến ()