Cà-phê Chiềng Ban từ lâu đã trở nên cái tên quen thuộc trên bản đồ quy hoạch của Hiệp hội cà-phê ca-cao Việt Nam. Đây là vùng trồng cà-phê chè (cà-phê Arabica) chuyên canh lớn nhất tỉnh Sơn La, với diện tích gần 1.000 ha, sản lượng 100 nghìn tấn, doanh thu 150 tỷ đồng. Sau những con số ấn tượng ấy, là mồ hôi, công sức của nhiều nông dân. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo nơi đây ví tựa một bài ca về tình yêu lao động, khao khát làm giàu...Xát vỏ cà-phê tại lò sấy tiểu khu 6-1, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La). Cà-phê vào đất Chiềng BanĐứng trên mỏm đồi cao nhất, phóng tầm mắt ra xa vẫn không thể bao quát hết cả vùng cà-phê rộng lớn của xã Chiềng Ban. Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Khánh, là người có nhiều năm lăn lộn với mảnh đất này dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cà-phê đang mùa thu hoạch rộ. Dường như đi đến đâu, gặp ai cũng dễ thấy những nụ cười rạng rỡ, như người ta thường nói: "nụ cười thu hoạch". Có thể bởi giá cà-phê tươi...
Cà-phê Chiềng Ban từ lâu đã trở nên cái tên quen thuộc trên bản đồ quy hoạch của Hiệp hội cà-phê ca-cao Việt Nam. Đây là vùng trồng cà-phê chè (cà-phê Arabica) chuyên canh lớn nhất tỉnh Sơn La, với diện tích gần 1.000 ha, sản lượng 100 nghìn tấn, doanh thu 150 tỷ đồng. Sau những con số ấn tượng ấy, là mồ hôi, công sức của nhiều nông dân. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo nơi đây ví tựa một bài ca về tình yêu lao động, khao khát làm giàu…
Xát vỏ cà-phê tại lò sấy tiểu khu 6-1, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La).
Cà-phê vào đất Chiềng Ban
Đứng trên mỏm đồi cao nhất, phóng tầm mắt ra xa vẫn không thể bao quát hết cả vùng cà-phê rộng lớn của xã Chiềng Ban. Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Khánh, là người có nhiều năm lăn lộn với mảnh đất này dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cà-phê đang mùa thu hoạch rộ. Dường như đi đến đâu, gặp ai cũng dễ thấy những nụ cười rạng rỡ, như người ta thường nói: “nụ cười thu hoạch”. Có thể bởi giá cà-phê tươi năm nay bình quân đạt 14-15 nghìn đồng/kg, nhẩm tính mỗi ha thu 15-20 tấn quả, doanh thu có thể đạt 250 triệu đồng. Nhiều gia đình ở Chiềng Ban cách đây chục năm nghèo đói, phải ăn sắn, ngô thay cơm, nay dư dật vài ba trăm triệu đồng, nhiều hộ còn xây nhà tầng, mua ô-tô.
Nhớ lại chuyện cũ, đồng chí Khánh kể: Chiềng Ban là một xã nghèo, khó khăn của huyện Mai Sơn, với diện tích 3.612 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.419 ha. Toàn xã có 26 bản, 1.401 hộ, 6.322 nhân khẩu, gồm hai dân tộc Thái và Kinh sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái, chiếm gần 80%. Những năm đầu đổi mới, nơi đây vốn là vùng đồi bát úp, đất rộng cho nên được huyện Mai Sơn và tỉnh Sơn La chọn làm điểm mô hình “san hộ, giãn bản” phát triển kinh tế. Ban đầu vận động bà con trồng cây hương nhu lấy tinh dầu, rồi cây dâu tằm, cây mía, nhưng đều thất bại. Nay chỉ còn cây cà-phê trụ lại. Tròn hai mươi năm được trồng ở đất này, cây cà-phê đang ngày càng phát triển, hình thành nên một vùng cà-phê chuyên canh rộng lớn xấp xỉ 1.000 ha. Chục năm trở lại đây, năm nào cây cà-phê cũng cho thu hoạch. Vì thế đến mùa cà-phê chín, ở đây bao giờ cũng vui như ngày hội.
Chuyện về anh Hoàng Văn Chất, 51 tuổi, dân tộc Thái ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban đi tù vì thất thoát tiền đầu tư trồng cà-phê có lẽ là câu chuyện cười ra nước mắt, nhưng kết có hậu. Chúng tôi đến thăm anh, chung quanh ngôi nhà cấp 4 cũ là 4,5 ha cà-phê trĩu quả đang chín. Chỉ vào vườn cà-phê, anh bảo: “Vụ trước thu hoạch được hơn 600 triệu, cả nhà dồn cho thằng út lấy vợ ra ở riêng, vụ này mới lo sửa sang nhà cửa”. Rồi anh mời mọi người vào nhà uống nước. Câu chuyện riêng tư bấy giờ mới có dịp bộc bạch. Anh kể, hồi ấy cảnh nghèo khó, đất nhiều lại chịu khổ, chịu đói thì vô lý quá. Năm 1993, gia đình anh được khuyến khích vay 13 triệu đồng vốn của ngân hàng để trồng mía. Được hai vụ đầu, năm thứ ba gặp sương muối mía chết sạch. Sau này, được vận động chuyển sang trồng
cà-phê, vay tiếp 30 triệu, rồi 50 triệu. Về sau, ngân hàng không cho vay thì lại vay anh em họ hàng, vay ngoài với lãi suất cao. Không may, đợt rét hại năm 1998, gần 14 ha cà-phê của anh bị sương muối cháy trụi, số nợ lên tới hàng trăm triệu đồng. Sau khi bán tài sản, bán một nửa số đất cũng chỉ trang trải phần nào số nợ khổng lồ. Tiền không trả được, lãi ngân hàng vẫn tính, lãi năm nọ đẻ sang năm kia, nợ hơn ba trăm triệu, sau mấy năm lên gần một tỷ đồng. Anh Chất trở thành con nợ lớn nhất ở xã Chiềng Ban, rồi bị cho là “lừa đảo”. Ngày 13-10-2003, anh Chất đã phải ra tòa, chịu mức án tám năm tù giam về tội lừa đảo, làm thất thoát tiền của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Sau gần năm năm cải tạo tiến bộ, ngày 31-8-2008, anh được giảm án ra tù. Anh không trách ai, chỉ trách mình phần do nóng vội, ham làm giàu, nhưng vào lúc thời tiết không nắng thuận mưa hòa, cuối cùng phải chịu tội. “Cú ngã” của anh đã thức tỉnh bao gia đình khác ở Chiềng Ban đầu tư làm ăn chắc hơn, không nóng vội, từng bước lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi. Những năm anh Chất vắng nhà đi cải tạo, vợ con anh vẫn kiên trì bám đất, trồng cà-phê. Cơ chế thay đổi, có đất, có sức chăm chỉ làm ăn cho nên cây cà-phê trong vườn nhà anh bao giờ cũng xanh tươi, trĩu quả, giúp anh và gia đình vực dậy, làm giàu chính đáng.
Ấm no trên mảnh đất quê hương
Trong số 1.400 hộ ở xã Chiềng Ban, phần lớn đều trồng cây cà-phê, trong đó 70% số hộ có từ một ha trở lên, 300 hộ có từ 2 đến 5 ha. Ngoài ra, một số hộ nuôi nhím, trồng su-su, trồng rau cũng cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/ha. Số hộ nghèo ở Chiềng Ban nay giảm xuống dưới 10%. Đây là một trong rất ít đơn vị cấp xã của tỉnh Sơn La đạt tiêu chí này. Vì vậy, đến Chiềng Ban hôm nay, trong ánh mắt, nụ cười, lời nói của mọi người, đều cảm nhận rõ sự sung sướng, no đủ, tự tin.
Gia đình ông bà Hoàng Thị Sỏi, ở bản Củ 2 có 10 người con. Những năm đầu trồng cà-phê hết sức vất vả, có lúc phải ăn sắn thay cơm. Hơn chục năm qua, cây cà-phê đã giúp gia đình ông bà thoát đói nghèo. Nay các con đều trưởng thành, ra ở riêng, không ai mắc tệ nạn xã hội. Hai người con làm giáo viên, bảy người con khác vẫn bám trụ với nghề nông, tiếp tục trồng cà-phê. Mỗi hộ trung bình có từ 1,5 đến 3 ha cà-phê, cộng lại cả gia đình ông bà Sỏi có đến 15 ha. Nhờ cà-phê, con cái ông bà đã xây nhà hai, ba tầng, kho sấy nông sản, sắm ô-tô chở hàng hóa…
Nói đến người có kinh nghiệm thâm canh cà-phê ở Chiềng Ban, ai cũng nhắc đến ông Lò Văn Chiến, ở bản Phiêng Khoài; bà Trần Thị Thơm, hợp tác xã 3. Đáng chú ý, ông Cầm Văn Dua, ở bản Ái có đến bảy ha cà-phê, là người trồng nhiều nhất ở Chiềng Ban hiện nay. Từ tiền bán cà-phê, ông Dua mở doanh nghiệp, mua máy ủi, máy xúc, nhận công trình, tạo việc làm cho con cháu, anh em họ hàng. Những suy nghĩ làm ăn kinh tế như thế trong cộng đồng bà con dân tộc Thái từ trước đến nay chưa hề có. Điều đó chứng tỏ, nhận thức về phát triển kinh tế hàng hóa, tiếp cận với tri thức mới của bà con đã được nâng lên. Với cây cà-phê, người dân Chiềng Ban đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật tỉa cành, bón phân theo chu kỳ, vì thế chất lượng cà-phê chè Chiềng Ban vốn nổi tiếng thơm ngon nhờ khí hậu, chất đất, nay lại càng đậm đà hương vị, mẫu mã đẹp hơn trên thị trường.
Tâm sự với các đồng chí lãnh đạo xã, chúng tôi được biết: Nếu trước kia, bà con Chiềng Ban thường bán cà-phê non cho tư thương, đầu vụ nhận một ít gạo, vật tư giá cao, đến khi thu hoạch phải chấp nhận bán lại sản phẩm giá thấp, nay đã không còn. Hiện nay, một số gia đình ở đây đã biết sử dụng mạng in-tơ-nét để khai thác thông tin giá cả, thị trường. Họ nói vanh vách giá cà-phê tận thị trường Bra-xin. Kinh nghiệm làm ăn đã mách bảo bà con cảnh giác trước việc “làm giá” của một số tư thương tung tin thất thiệt để trục lợi. Bây giờ nhiều hộ đã tự đầu tư mua máy xát vỏ, phơi sấy cà-phê khô, tích trữ đợi giá thị trường hợp lý mới bán. Cây cà-phê đã bám rễ sâu vào đất, gắn bó với người Chiềng Ban, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân nơi đây.
Trước khi chia tay các lãnh đạo xã, chúng tôi gặp đoàn cán bộ Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện Mai Sơn vào công tác. Được biết, tỉnh Sơn La đã quyết định chọn Chiềng Ban là một trong 11 xã của tỉnh để xây dựng mô hình điểm nông thôn mới. Với cơ sở vật chất đang được Nhà nước đầu tư, bộ mặt nông thôn xã Chiềng Ban, như: điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, trường học,… ngày một khang trang. Cùng với thế mạnh làm giàu từ cây cà-phê, chắc chắn Chiềng Ban sẽ nhanh chóng trở thành điểm sáng nông thôn mới không chỉ ở Sơn La mà còn cả vùng Tây Bắc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()