Chiến tranh đã làm thay đổi cách đối xử với tù binh tại Liên Xô như thế nào?
Khi đất nước đứng trước mối đe dọa hiện hữu và chất chứa lòng căm thù, thì mọi quy định về cách đối xử với tù binh đều thay đổi. Những quy tắc có từ năm 1931 cùng những chuẩn mực sau đó cũng bị bỏ quên.
Những quy định về cách đối xử với tù binh đã được Bộ tư lệnh Hồng quân Liên Xô bắt đầu xây dựng ngay từ những ngày đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945). Xác thực cho điều này là bức điện mật ngày 23-6-1941 có chữ ký của Tổng tham mưu trưởng Georgy Zhukov và Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần Andrei Khrulev. Bức điện nêu rõ những điều kiện giam giữ và đối xử với tù binh phát xít. Văn bản này được gửi đến các ban tham mưu trên tất cả mặt trận từ Bắc đến Nam của đất nước Xô viết.
Không được bỏ đói
Bức điện của Tổng tham mưu trưởng Georgy Zhukov đưa ra hàng loạt điều cấm, trong đó quy định việc đối xử nhân đạo đối với tù binh của kẻ xâm lược. Lệnh cấm đầu tiên được đề cập đến là chế độ ăn uống. Theo đó, Ban lãnh đạo nghiêm cấm binh sĩ Hồng quân Liên Xô bỏ đói lính phát xít. Việc tước đoạt khẩu phần ăn của tù binh được coi là hành vi độc hại về tư tưởng, làm ô uế thanh danh của người lính Hồng quân Liên Xô.
Tù binh Đức tại vùng Gomel của Cộng hòa XHCN Xô viết Belarus. Ảnh: Sputnik/Ivan Shagin |
Không được nhục mạ
Lệnh cấm quan trọng thứ hai đề cập đến những biện pháp đối xử và tác động đến quân lính phát xít bị bắt. Lệnh này được quy định trong Nghị định của Chính phủ Liên Xô phê chuẩn Quy chế về tù binh số 1798-800с. Chương đầu tiên của Nghị định này quy định rõ việc nghiêm cấm nhục mạ dưới mọi hình thức.
Binh sĩ Hồng quân Liên Xô bị cấm đặt biệt danh xấu và lăng nhục tù binh phát xít bằng những cách thức khác, cấm tra tấn để lấy cung (đe dọa và dùng vũ lực). Không những danh dự và nhân phẩm, mà còn giày dép, quần áo và giấy tờ tùy thân của tù binh là bất khả xâm phạm. Tất cả những điều này đều bị nghiêm cấm tước đoạt của họ.
Đáng chú ý, những đồ vật có giá trị của quân phát xít thì có thể lấy đi để cất giữ, nhưng bắt buộc phải có giấy biên nhận. Không được lôi kéo quan chức cấp cao của quân đội Đức Quốc xã vào những công việc cưỡng bức, nếu bản thân họ không mong muốn làm việc đó. Quy định này không đề cập đến binh lính. Dĩ nhiên, tất cả những quan chức của quân đội phát xít đều có tiêu chuẩn được cấp phát lương thực. Những tiêu chuẩn này phải được nghiêm túc thực hiện.
Những quy định về cách đối xử với tù binh như vậy là vô cùng nhân văn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đây là những binh lính của quân đội tấn công đánh chiếm Liên Xô và cướp phá hàng triệu gia đình của đất nước này. Tất cả những lệnh cấm chỉ có hiệu lực trên văn bản giấy tờ. Còn thực tế, các binh sĩ Hồng quân không chấp hành dù chỉ một phần trăm những quy định do Ban lãnh đạo đưa ra.
Chiến tranh làm thay đổi tất cả
Những quy tắc đối xử với tù binh được Ban lãnh đạo Hồng quân Liên Xô bắt đầu soạn thảo từ rất lâu trước khi nổ ra Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại vào năm 1941. Văn bản đầu tiên đã xuất hiện vào tháng 3-1931. Trong Quy chế về tù binh có thể tìm thấy danh sách dài những điều cấm liên quan đến việc đối xử vô nhân đạo với tù binh của bất kỳ quân giặc nào.
Trong đó không những quy định cấm hạn chế trong ăn uống, nhục mạ và tra tấn để lấy cung, mà thậm chí còn không được tước đoạt mũ sắt hoặc mặt nạ phòng hơi độc của kẻ thù bị bắt, vì đây là phương tiện bảo vệ cá nhân. Những quy tắc này cần phải được thực hiện mọi nơi, bao gồm cả trong các trại tù binh.
Đương nhiên, khi đất nước đứng trước mối đe dọa hiện hữu và chất chứa lòng căm thù, thì mọi chuyện đều thay đổi. Những quy tắc có từ năm 1931 cùng những chuẩn mực ra đời sau đó cũng bị bỏ quên. Quân phát xít đã không được đối đãi nồng hậu như cách mà chúng “được hưởng” trên văn bản giấy tờ quy định.
Ý kiến ()