Chiến Thắng: Hòa giải gắn kết xóm làng
(LSO) – Xác định vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, trong những năm qua, UBND xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã quan tâm, thực hiện tốt công tác này, góp phần hạn chế đơn thư, đảm bảo an ninh trật tự, đoàn kết làng xóm.
Với kinh nghiệm gần 20 năm tham gia hoạt động hòa giải, ông Tạ Minh Công, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, tổ viên tổ hòa giải thôn Hồng Phong 2, xã Chiến Thắng cho biết: Toàn thôn có 68 hộ với hơn 270 nhân khẩu. Trung bình mỗi năm thôn xảy ra 2 đến 3 vụ việc mâu thuẫn, chủ yếu là tranh chấp lối đi chung, bạo lực gia đình… Nếu như không có sự can thiệp kịp thời thì “chuyện bé xé ra to”, từ xích mích rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Khi nhận được tin báo, tôi cùng các hòa giải viên đến từng hộ gia đình, xem xét tình hình thực tế và vận dụng các kiến thức về pháp luật, tình làng nghĩa xóm để hòa giải, giúp các bên đạt được thỏa thuận, giữ gìn đoàn kết nội bộ, tỷ lệ hòa giải hằng năm của thôn đạt 100%. Năm 2019, thôn vinh dự được nhận giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2014 – 2018.
Công chức tư pháp – hộ tịch (bên phải) xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơntuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở cho người dân
Không chỉ riêng tổ hòa giải thôn Hồng Phong 2, tổ hòa giải ở các thôn còn lại của xã Chiến Thắng cũng đạt kết quả cao trong công tác. Cụ thể: từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn xã Chiến Thắng đã hòa giải thành 54/62 vụ việc, trong đó một số năm đạt tỷ lệ 100% như các năm: 2014, 2015, 2018; năm 2019 đạt 93%, trong khi tỷ lệ bình quân 5 năm (2014 – 2018) của tỉnh là 71,5%. Để có được kết quả đó, UBND xã Chiến Thắng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Hoàng Quang Phiệt, Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết: Hiểu được ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, hằng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải, dành kinh phí cho hoạt động hòa giải. Quan tâm kiện toàn, tập huấn nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên, đồng thời tuyên truyền sâu rộng Luật Hòa giải ở cơ sở đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Theo đó, UBND xã đã lựa chọn những người có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, khả năng thuyết phục vận động, am hiểu về pháp luật vào tổ hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, xã đang duy trì hoạt động của 12 tổ hòa giải tại 12 thôn, với hơn 100 thành viên. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên đã trực tiếp tuyên truyền các quy định của pháp luật đến công dân như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Hình sự…
Bà Hoàng Thị Chung, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng cho biết: Qua các lớp tập huấn, chúng tôi hiểu hơn về vai trò của hoạt động hòa giải, biết được vụ việc nào được tham gia hòa giải, vụ việc nào không thuộc phạm vi hòa giải, cách thức tiến hành hòa giải. Từ đó vận dụng giải quyết tốt các vụ việc, mâu thuẫn trong thôn.
Đồng thời, UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở đến người dân thông qua các cuộc họp thôn, hội nghị ở xã, tọa đàm, sinh hoạt chi tổ hội, loa truyền thanh… Từ đầu năm 2020 đến nay, UBND xã đã tổ chức được 14 cuộc tuyên truyền lồng ghép nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở đến hơn 600 lượt người nghe.
Việc phát huy tốt vai trò của các hòa giải viên, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở đã góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật, đồng thời hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, ổn định tình hình an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn xã Chiến Thắng.
Ý kiến ()