Chiến thắng Đống Đa - Thăng Long đầu Xuân Kỷ Dậu (1789)
Cách đây 235 năm-đầu Xuân Kỷ Dậu 1789), quân Tây Sơn tiến công đồn Đống Đa-Thăng Long là trận then chốt quyết định diễn ra bất ngờ, thần tốc và mãnh liệt làm đảo lộn và sụp đổ hoàn toàn thế trận của quân Thanh. Chiến thắng Đống Đa-Thăng Long là một trong những chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Sau khi chiếm Thăng Long (16-12-1788), Tôn Sĩ Nghị, tổng chỉ huy quân Thanh đặt đại bản doanh tại cung Tây Long (gần Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày nay) và chia quân đóng giữ các đồn ở xung quanh thành Thăng Long. Ở trại Khương Thượng (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội), tri phủ Sầm Nghi Đống lập đồn Đống Đa để bảo vệ cửa ô Thịnh Quang (Ô Chợ Dừa) và đặt sở chỉ huy trên núi Cây Cờ (tức Loa Sơn). Ngoài ra còn có đồn tiền tiêu Yên Quyết (Yên Hòa-Cầu Giấy), đồn Nam Đồng (Đống Đa) để canh phòng và bảo vệ đại bản doanh từ xa.
Sau khi nắm tình hình địch, Quang Trung quyết định: “Tung toàn bộ lực lượng mở cuộc tiến công chớp nhoáng, đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch ở Thăng Long” và khẳng định: “Chỉ có đánh thẳng vào sào huyệt trung tâm, đập nát thế trận phòng ngự, tiêu diệt những lực lượng chủ lực tinh nhuệ của quân Thanh mới tranh thủ được thời cơ, phát huy cao độ yếu tố bất ngờ, giành thắng lợi quyết định nhanh gọn nhất” (Theo Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2019). Mục tiêu đầu tiên là đánh đồn Đống Đa, bởi đồn Đống Đa là vị trí hiểm yếu, án ngữ mặt Tây Nam Thăng Long, Ô Chợ Dừa và được coi là cánh cửa để bảo vệ cho mặt Tây của thành. Đập tan được cánh cửa đó, quân Tây Sơn sẽ tạo nên mũi dao sắc nhọn xuyên vào mạng sườn Tôn Sĩ Nghị. Như vậy, trên cơ sở nắm rõ về địch, Quang Trung đã hạ quyết tâm đánh trận Đống Đa-Thăng Long và coi đây là trận then chốt quyết định trong toàn bộ chiến dịch giải phóng Thăng Long.
Sơ đồ diễn biến trận Ngọc Hồi – Đống Đa.
Theo kế hoạch của vua Quang Trung, lực lượng quân Tây Sơn tham gia trận Đống Đa-Thăng Long do Đô đốc Long và Đô đốc Đông (Đặng Tiến Đông) chỉ huy hơn 10.000 quân gồm cả bộ binh, kỵ binh, tượng binh tinh nhuệ có nhiệm vụ vu hồi ở hướng Tây Nam, đánh đồn Đống Đa, sau đó nhanh chóng phát triển tiến công thọc sâu vào thành Thăng Long, uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị, làm rối loạn toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Thanh. Để động viên tướng sĩ trước giờ xuất quân, tại Tam Điệp (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), Quang Trung mở tiệc khao quân, bảo kín với các tướng rằng: “Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước đã. Đến tối 30 Tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào Thăng Long lại mở yến tiệc ăn mừng. Các người nhớ lấy, đừng cho là ta nói khoác” (Hoàng Lê nhất thống chí, tập II, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1984, tr.182).
Đúng vào thời điểm Giao thừa, 30 Tết Kỷ Dậu (25-1-1789), các đạo quân Tây Sơn được lệnh đồng loạt xuất phát tiến công. Trong khi Quang Trung chỉ huy đạo quân chủ lực tiến công Ngọc Hồi-Đầm Mực thì đạo quân do Đô đốc Long và Đô đốc Đông chỉ huy từ Tam Điệp, theo đường Thiên Quan (Nho Quan, Ninh Bình) vượt qua huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội), đến đêm mồng 4 Tết (29-1), tới làng Nhân Mục (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), rồi vượt sông Tô Lịch vào Khương Thượng, bí mật áp sát đồn Đống Đa, tổ chức thế trận bao vây, sẵn sàng đánh địch.
Theo kế hoạch, đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5 tháng Giêng Tết Kỷ Dậu (đêm 29 rạng sáng 30-1), khoảng cuối canh tư, lúc trời còn tối, quân Tây Sơn bất ngờ tiến công đồn Đống Đa. Với thế trận và khí thế áp đảo quân thù, quân Tây Sơn xông thẳng vào đồn, đốt phá các doanh trại vòng ngoài, rồi nhanh chóng tiến thẳng tới sở chỉ huy của Sầm Nghi Đống. Cùng lúc, nhân dân 9 làng, xã xung quanh Khương Thượng kéo đến dùng rơm bện thành các bó dài gọi là “con rồng”, tẩm dầu và nhựa dễ cháy, tạo thành lưới lửa bao vây và phối hợp với quân Tây Sơn đánh đồn giặc. Trước sức tiến công dồn dập của bộ binh, tượng binh, kỵ binh Tây Sơn, quân Thanh hoảng loạn. Sầm Nghi Đống đốc thúc quân sĩ ra chống trả, nhưng không thể ngăn được đà tiến công mạnh mẽ của quân Tây Sơn. Trong chốc lát, quân Thanh tan vỡ, bị bắt, bị giết rất nhiều. Trước tình thế nguy cấp, Sầm Nghi Đống buộc phải rời bỏ các doanh trại vòng ngoài, rút về sở chỉ huy ở Loa Sơn cố thủ, chờ quân cứu viện, sau đó tự sát. Cùng thời gian này, quân Tây Sơn tiến công địch ở các đồn Yên Quyết, Nam Đồng, buộc chúng tháo chạy về phía thành Thăng Long.
Phát huy thắng lợi, Đô đốc Long chỉ huy đội quân thiện chiến, cùng đại quân do vua Quang Trung chỉ huy, tiến đánh đại bản doanh Tôn Sĩ Nghị tại cung Tây Long (Thăng Long). Quá bất ngờ trước thế trận áp đảo của quân Tây Sơn, Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị vội vã cùng tùy tùng thuộc tướng kéo theo hàng vạn quân Thanh vỡ trận chen nhau trên cầu phao bắc qua sông Nhị Hà (sông Hồng) chạy lên phía Bắc. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30-1), Quang Trung dẫn đại quân tiến vào thành Thăng Long hoàn toàn giải phóng được đông đảo nhân dân chào đón nồng nhiệt, sau đó sai yết bảng an dân và ngày mồng 7 Tết (1-2-1789) tổ chức lễ mừng chiến thắng ở kinh thành Thăng Long đúng như lời tuyên bố đã hứa với quân sĩ trước khi ra trận.
Trận Đống Đa-Thăng Long là trận quyết định trong cuộc tiến công giải phóng Thăng Long đầu Xuân Kỷ Dậu (1789). Quân Tây Sơn đã thực hiện cách đánh vu hồi, thọc sâu bất ngờ vào chỗ sơ hở, hiểm yếu nhất của địch, tiêu diệt một cụm quân quan trọng bảo vệ cửa ô Tây Nam thành Thăng Long rồi tiến thẳng vào cơ quan đầu não, làm tê liệt và tan rã hoàn toàn đạo quân xâm lược. Chiến thắng Đống Đa-Thăng Long khẳng định tài năng chỉ huy của Quang Trung-Nguyễn Huệ cùng các tướng và tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của quân đội Tây Sơn mãi là dấu ấn kỳ diệu.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()