Chiến thắng của ông Macron tại Pháp nói lên điều gì?
Ngày 7/5 vừa qua, trong vòng quyết định của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Emmanuel Macron thuộc phong trào “Tiến bước” theo đường lối trung dung đã chiến thắng áp đảo trước đối thủ đáng gờm là bà Marine Le Pen.
Thắng lợi của ông Macron đã đi vào lịch sử nền Cộng hòa thứ 5 của nước Pháp, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thống trị của các chính đảng truyền thống ở Pháp trong nhiều thập kỷ vừa qua.
Từ sự thất bại của các đảng truyền thống…
Để trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp, ông Macron chỉ phải mất thời gian 3 năm. Giải mã về điều này, giới quan sát có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa số đều cho rằng: sự khao khát đổi mới của cử tri Pháp và sự mất niềm tin vào chính khách của các chính đảng truyền thống, vì họ đã để cho vị thế của nước Pháp bị sa sút trên chính trường quốc tế.
Nhà văn Michel Houllebecq nhận xét, sự suy sụp bất ngờ của đối thủ đến từ các chính đảng lâu năm chắc chắn có một vai trò trong chiến thắng của ông Macron, nhưng bản thân ông cũng có những những chiến thuật và kỹ năng thương thuyết để nắm bắt cơ hội chính trị.
Với kinh nghiệm sau 2 năm là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, ông Macron đã nhận ra tâm lý khao khát muốn thay đổi người lãnh đạo từ các chính đảng kỳ cựu sang nhà lãnh đạo mới mẻ, trẻ trung hơn của đông đảo cử tri Pháp.
Với chiến thắng của mình, ông Macron còn chặn đứng làn sóng dân tộc chủ nghĩa cả về kinh tế và chính trị, đánh đúng vào tâm lý của đa số người dân Pháp đang lo sợ làn sóng dân túy có thể dẫn tới sự kiện giống “Brexit” ở Anh và “Donald Trump” ở Mỹ.
Trong quá trình tranh cử, ông Macron đã tiết lộ bí mật cho cử tri Pháp biết rằng: “Nước Pháp bị cản trở bởi chính khuynh hướng tư lợi của giới tinh hoa”. Mặt khác, với thông điệp hội nhập sâu hơn nữa vào một EU (đổi mới), ông Macron còn được các nhà lãnh đạo EU ủng hộ nhiệt tình ở vòng hai.
Những vụ tai tiếng về “tạo việc làm ảo”, “lạm quyền” liên quan tới một số ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế Tổng thống đã trở thành cơ hội “ghi điểm” cho ông Macron, nhất là hệ thống chính trị truyền thống đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp cho sự phát triển, hội nhập sâu hơn của nước Pháp.
Đến thắng lợi của tư duy “Thay đổi”…
Ngay từ khi là thành viên Chính phủ, ông Macron đã có ý tưởng phá bỏ một số nét chính của “mô hình xã hội” Pháp như: làm việc 35 giờ mỗi tuần, chế độ bảo vệ việc làm cho người lao động và văn hóa công việc trọn đời của công chức… những thông điệp nêu trên của ông Macron đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Pháp.
Bà Laurent Bigorgne, một chuyên gia tại viện nghiên cứu Institut Montaigne nhận xét: “Điều ông ấy làm với chính trường Pháp giống như điều Uber làm với taxi truyền thống”, “Ngay từ đầu, có thể thấy rõ Uber sẽ khiến cho taxi trở nên lỗi thời. Chỉ có điều là taxi không nhận ra điều đó”.
Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình, ứng cử viên cực hữu, bà Marine Le Pen đã gọi ông Macron là một “nhà ngân hàng giả tạo”, một “người điên rồ ủng hộ toàn cầu hóa và Uber hóa”. Ông Macron chỉ đáp lại rằng: “Bà cứ ở lại trên TV nhé. Tôi muốn thành Tổng thống của nước Pháp”.
Với quan điểm cấp tiến từ chủ trương phát triển kinh tế tự do, hội nhập sâu hơn, sát cánh cùng EU, chấp nhận người nhập cư để mang lại sự sáng tạo, đa dạng của đa số cử tri và dư luận Pháp, khiến ông Macron nổi trội trong cả 2 vòng bầu cử.
Với “luồng gió mới”, ông Macron được hy vọng đem đến cơ hội đổi mới nền chính trị và đồng thời chấn hưng nền kinh tế Pháp – nền kinh tế lớn thứ 2 EU nhiều năm qua luôn tăng trưởng chậm chạp, thâm hụt ngân sách ở mức cao, thất nghiệp đã đạt con số 10% (gấp đôi so với Đức và Anh).
Nợ chính phủ cũng đã gần 90% GDP (10 năm trước đó là 58%). Bên cạnh đó, Pháp trở thành mục tiêu hàng đầu của các phần tử Hồi giáo cực đoan khi quốc gia này đang sống trong nỗi ám ảnh thường trực của hàng loạt vụ tấn công đẫm máu trong mấy năm qua, nhất là các vụ gần đây. Bỏ phiếu cho ông Macron, cử tri Pháp đã kỳ vọng ở ông có thể tháo gỡ những khó khăn của nước Pháp và giúp cho EU không bị tan vỡ.
Và tương lai vẫn đang ở phía trước…
Theo giới phân tích, ông Macron thuộc phong trào “Tiến bước” do chính ông sáng lập cách đây một năm, chưa từng tham gia bầu cử nên cũng chưa có ghế nào trong Nghị viện. Vì thế, muốn điều hành có hiệu quả chính phủ mới, ông Macron buộc phải tìm cách liên minh với các đảng phái chính trị khác.
Theo đó, ông Macron sẽ phải tận dụng thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống để có được đa số ghế tại Quốc hội. Tuy nhiên, rất có thể cánh hữu bảo thủ, với gần 20% số phiếu ủng hộ ở vòng một sẽ tìm cách gỡ lại sau thất bại của ứng viên François Fillon, bằng cách buộc ông Macron phải rơi vào tình thế Tổng thống và phe đa số tại Quốc hội không cùng chính đảng.
Điều quan trọng hơn là gần 25% cử tri Pháp không đi bầu cử, và 12% trong số đi bầu bỏ phiếu trắng, đã gửi đi một thông điệp rõ ràng đến ông Macron rằng, sẽ cần phải tiếp tục nỗ lực hành động để đoàn kết người dân Pháp, vốn đã bị chia rẽ sâu sắc sau cuộc bầu cử vừa qua. Đây thực sự là bài toán khó đối với tân Tổng thống Pháp.
Cương lĩnh của ông Macron về một lộ trình 5 năm xây dựng một ngân sách thực sự cho Eurozone với một EU đổi mới, vấn đề môi trường, nền công nghiệp và chính sách nhập cư… cũng là những thách thức không nhỏ đối với ông Macron và chính quyền mới do ông lãnh đạo.
Như vậy, sự trẻ trung, năng động, nhiệt huyết, với khẩu hiệu “Thay đổi” nước Pháp của ông Macron đã khiến cho đa số cử tri Pháp đặt niềm tin vào tân Tổng thống của mình. Tuy nhiên, sự mới mẻ, ít kinh nghiệm chính trường, cùng với những thách thức của nước Pháp và một EU chưa thoát khỏi khủng hoảng… khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, tương lai và hiệu quả “Thay đổi” nước Pháp vẫn còn đang ở phía trước./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()