Chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ
Chiến thắng Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1972 của liên quân Việt-Lào, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn có ý nghĩa chiến lược, tiêu diệt lớn bộ phận sinh lực quan trọng của địch, đập tan âm mưu đánh chiếm bàn đạp chiến lược Cánh Đồng Chum, bảo vệ thành công vùng giải phóng, phối hợp kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả với các chiến trường miền Nam Việt Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, góp phần đánh bại thêm một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và làm phá sản “học thuyết Nixon”.
Chiến thắng Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng đã khẳng định chiến dịch phòng ngự là một hình thức tất yếu trong chiến tranh giải phóng, làm phong phú thêm sự phát triển lý luận và thực tiễn nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngay từ tháng 2-1972, Quân ủy Trung ương của ta và bạn Lào đã thông báo cho Bộ tư lệnh (BTL) Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Mường Sủi về chủ trương: Ngay sau khi kết thúc Chiến dịch tiến công Cánh Đồng Chum-Mường Sủi, lực lượng ta sẽ chuyển vào phòng ngự chiến dịch. Đầu tháng 4-1972, BTL chiến dịch nhận nhiệm vụ nhanh chóng chuyển vào phòng ngự, sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công lớn của địch.
Khẩu đội cối 82mm trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1972.Ảnh tư liệu. |
Sau một thời gian nỗ lực tiến hành công tác chuẩn bị, đến ngày 20-5-1972, ta đã xây dựng thế trận phòng ngự chiến dịch liên hoàn, vững chắc và hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng bước vào tác chiến giành thắng lợi. Trải qua gần 6 tháng kiên cường phòng ngự và tổ chức phản kích, phản đột kích có hiệu quả, ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn của địch, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng Cánh Đồng Chum.
Theo “Từ điển bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam” (trang 250, quyển 1: Lịch sử quân sự, NXB Quân đội nhân dân, năm 2015), trong toàn chiến dịch, ta và quân đội Pathet Lào đã đánh 244 trận (ta đánh 170 trận, Lào đánh 74 trận), loại khỏi vòng chiến đấu 5.759 tên địch; đánh thiệt hại nặng 3GM (binh đoàn cơ động) số 21, 23, 26; 3 tiểu đoàn quân Thái Lan và đánh thiệt hại 5GM khác; bắn rơi 38 máy bay, thu nhiều vũ khí trang bị. Đây là chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng nhân dân cách mạng Lào với cách đánh sáng tạo, hiệu quả; đánh dấu bước phát triển cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu:
Một là, lần đầu tiên trong chiến tranh giải phóng, ta thực hiện hoàn chỉnh loại hình chiến dịch phòng ngự.
Về lý luận, tư tưởng chiến lược nhất quán của chiến tranh cách mạng bao giờ cũng là tư tưởng tiến công. Trong thực tiễn tác chiến, tư tưởng cách mạng đó đã phát huy tính chủ động, kiên quyết, linh hoạt và khôn khéo, bảo đảm đánh thắng địch trong mọi điều kiện. Song, xem xét trong một loại hình tác chiến chiến dịch, hành động tác chiến không chỉ bao hàm hành động tiến công, phản công mà có cả hành động phòng ngự và các hoạt động đấu tranh khác…
Tùy từng loại hình tác chiến mà hoạt động tác chiến nào là hoạt động phổ biến; bên cạnh hoạt động tác chiến phổ biến còn có các hoạt động đấu tranh khác. Mỗi loại hình chiến dịch đều có vị trí, vai trò và nội dung, cách thức tiến hành khác nhau, từ công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu đến thực hành và kết thúc chiến dịch. Nên trong tác chiến, không được xem nhẹ hay tuyệt đối hóa bất kỳ loại hình tác chiến nào…
Tuy nhiên, do nhận thức không đúng nên trong một thời gian dài, một số cán bộ cho rằng trong chiến tranh chỉ có đường lối tiến công, coi nhẹ phòng ngự, phủ nhận phòng ngự, thậm chí coi phòng ngự là điều cấm kỵ. Vì vậy mà trong một số trận đánh, bộ đội bị thương vong. Việc phản đối hoặc phủ nhận vai trò của tác chiến phòng ngự là một nhận thức sai lầm cả về lý luận cũng như trong thực tiễn chiến tranh.
Về thực tiễn, trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, do sự tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên loại hình chủ yếu thường vận dụng vẫn là chiến dịch tiến công, chưa tổ chức trận địa phòng ngự lớn ở cấp chiến dịch. Tính đến năm 1972 đã diễn ra một số trận phòng ngự cấp trung, sư đoàn như: Sư đoàn 3 (Quân khu 5) phòng ngự ở bắc Bình Định; Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) phòng ngự trên Đường số 13 ở khu vực Tàu Ô-Xóm Ruộng… Tính đến năm 1972, đây là lần đầu tiên xuất hiện loại hình phòng ngự cấp chiến dịch trong chiến tranh giải phóng. Thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng đã khẳng định phòng ngự là loại hình tác chiến chiến dịch không thể thiếu trong chiến tranh giải phóng, nhất là trước yêu cầu chiến lược phải giữ vững địa bàn chiến lược và thành quả cách mạng vừa giành được, khi mà lực lượng cách mạng đã đủ sức đảm đương được nhiệm vụ.
Đây là sự phát triển biện chứng của tư duy quân sự về tư tưởng chiến lược cách mạng tiến công không ngừng trong tác chiến chiến dịch-chiến lược và đánh dấu bước phát triển mới của nhận thức luận đúng đắn, đầy đủ về tư tưởng chỉ đạo chiến dịch phòng ngự. Là sự bổ sung hợp lý và đầy đủ các loại hình tác chiến chiến dịch, phản ánh sự phát triển tất yếu nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi khách quan của thực tiễn chiến trường, đánh dấu sự phát triển đầy đủ và cao nhất về loại hình chiến dịch Việt Nam tính đến thời điểm năm 1972.
Hai là, tạo lập thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc nhằm đánh bại các đợt tiến công của địch, giữ vững thế trận phòng ngự chiến dịch.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, nhất là tình hình địch, BTL chiến dịch đã phán đoán và dự kiến chính xác hướng địch tiến công từ Loong Chẹng đi Cánh Đồng Chum nên ta đã chọn hướng phòng ngự chủ yếu là hướng nam-tây nam; hướng phòng ngự thứ yếu là tây-tây bắc. Từ đó, ta đã tạo lập thế trận phòng ngự như sau: Chọn khu trung tâm Cánh Đồng Chum là khu vực phòng ngự chủ yếu, khu Noọng Pẹt là khu vực phòng ngự thứ yếu; khu Hin Tặng (còn gọi là khu trung gian) là khu phòng ngự cơ bản phía trước. Lựa chọn khu vực Mường Sủi và thị xã Xiêng Khoảng là khu vực tác chiến phối hợp, đánh địch từ xa.
Thành lập 4 cụm chốt trong khu trung tâm Cánh Đồng Chum: 2 cụm chốt ở Phu Tâng, Phu Tôn trong khu vực phòng ngự chủ yếu; cụm chốt Phu Seo-Phu Hua Sang trên hướng phòng ngự chủ yếu; cụm chốt Phu Keng-Phu Thông trên hướng phòng ngự thứ yếu và cụm chốt Phu Khê (2125) bảo đảm hành lang bên sườn phía tây của chiến dịch. Ngoài ra, trên các khu trung gian Hin Tặng (tổ chức 3 cụm chốt), khu Noọng Pẹt (tổ chức 2 cụm chốt), khu Mường Sủi và thị xã Xiêng Khoảng (tổ chức 2 cụm chốt) để bảo đảm đánh địch trên nhiều hướng tiến công vào khu trung tâm Cánh Đồng Chum.
Từ cách xác định khoa học, hợp lý, BTL chiến dịch đã đưa ra phương pháp sử dụng lực lượng hợp lý, phù hợp với khả năng, sở trường của từng đơn vị. Xây dựng phương án tác chiến phòng ngự phù hợp, chủ động lập thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc, kiên cường bám giữ các chốt trọng yếu; vận dụng linh hoạt các hình thức tiến công, liên tục bám đánh địch; nắm vững thời cơ, sử dụng lực lượng cơ động phản kích quân địch bằng những trận then chốt, tiêu diệt địch ngoài công sự, bẻ gãy từng mũi, đợt tiến công của địch, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch. Quá trình tác chiến, tích cực cơ động lực lượng, phương tiện, nhanh chóng chuyển hóa thế trận chiến dịch nhằm tạo ra thế mới, lực mới, sẵn sàng đánh bại các hướng tiến công mới của địch. Kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng ngự được giao.
Với thế trận liên hoàn, vững chắc và hiểm hóc đã bày sẵn, BTL chiến dịch đã chỉ huy các lực lượng bẻ gãy các đợt tiến công lớn của địch vào Cánh Đồng Chum, thực hiện thắng lợi 3 trận then chốt: Trận then chốt 1 ở Phu Keng, trận then chốt 2 ở phía tây Cánh Đồng Chum và trận then chốt quyết định trên cánh đồng Căng Xẻng (phía nam Cánh Đồng Chum), hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phòng ngự chiến dịch, giữ vững thế liên hoàn, vững chắc giữa các vùng căn cứ địa cách mạng của ta và bạn Lào, kịp thời phối hợp với các hoạt động khác trên toàn chiến trường Đông Dương.
Ba là, lựa chọn hình thức phòng ngự cơ động, lấy hành động tiến công làm chủ yếu.
Loại hình chiến dịch phòng ngự có hai hình thức: Phòng ngự khu vực (phòng ngự trận địa) và phòng ngự cơ động. Dù lựa chọn hình thức phòng ngự nào cũng phải bảo đảm yêu cầu cơ bản của tác chiến phòng ngự, đó là: Tích cực, vững chắc, kiên cường. Xây dựng hệ thống công sự, trận địa, vật cản liên hoàn, vững chắc, bảo đảm đánh địch từ xa đến gần, sát thương địch khi chúng vận động tiếp cận, triển khai đội hình chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công, khi địch công kích trước tiền duyên phòng ngự; giữ vững các trận địa, các khu vực phòng ngự; kiên quyết tiêu diệt địch đột nhập vào các khu vực phòng ngự; tiêu diệt quân địch đổ bộ đường không, vu hồi, luồn sâu… đánh bại các thủ đoạn tiến công của chúng, giữ vững trận địa, bảo toàn lực lượng ta, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phòng ngự.
Trong Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, ta đã chủ động lựa chọn hình thức phòng ngự cơ động. Vận dụng sáng tạo nguyên tắc sử dụng lực lượng trong tác chiến phòng ngự cơ động để tạo điều kiện thuận lợi ưu tiên lực lượng cho nhiệm vụ phòng ngự cơ động, lấy tiến công làm hoạt động chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng ngự chiến dịch. Trong phòng ngự cơ động, nguyên tắc sử dụng lực lượng thường là: Sử dụng 2/3 lực lượng làm nhiệm vụ phòng ngự trên các hướng, 1/3 lực lượng làm nhiệm vụ cơ động đánh địch đột nhập, phản đột kích đánh địch trên các hướng.
Trong thực tiễn Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, do phạm vi không gian chiến dịch rộng nên để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đánh địch tiến công trên các hướng, ta đã chủ động sử dụng 2 trung đoàn (174 và 866) làm nhiệm vụ phòng ngự tại chỗ và 2 trung đoàn (148 và 335) làm nhiệm vụ phòng ngự cơ động nhằm bảo đảm đánh địch tiến công vào khu vực phòng ngự cơ bản phía trước ở Hin Tặng, giữ vững 2 cụm phòng ngự then chốt trong khu phòng ngự chủ yếu và các cụm chốt trên các hướng phòng ngự.
Đồng thời đẩy mạnh tác chiến phối hợp ở Mường Sủi và thị xã Xiêng Khoảng nhằm tiêu diệt từng bộ phận quân địch, ngăn chặn địch từng bước và làm thất bại các cuộc tiến công vào trận địa phòng ngự, đánh bại các đợt tiến công của địch, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch, bảo vệ thành công địa bàn chiến lược. Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt nguyên tắc tác chiến chiến dịch vào điều kiện thực tiễn của chiến dịch một cách phù hợp, nâng cao khả năng và hiệu suất chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng ngự chiến dịch.
Bốn là, sử dụng lực lượng linh hoạt, hợp lý giữa nhiệm vụ phòng ngự trên các hướng (khu vực) và nhiệm vụ phòng ngự cơ động.
Trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, ta sử dụng lực lượng gồm 5 trung đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn súng máy phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh. Lực lượng của bạn Lào có 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo binh, 2 đại đội súng máy phòng không, 1 đại đội công binh và 4 đại đội bộ đội địa phương. Như vậy, tính đến thời điểm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng diễn ra, lực lượng sử dụng trong tác chiến đã phát triển đến quy mô cao nhất của một chiến dịch phòng ngự… Để bảo đảm sức mạnh chiến đấu liên tục, dài ngày trong từng giai đoạn, chiến dịch đã tổ chức lực lượng thành hai phần: Lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động.
Lực lượng phòng ngự: Sử dụng Trung đoàn 174, Trung đoàn 866, 1 đại đội tăng, thiết giáp và pháo binh chiến dịch (Trung đoàn 866 và đại đội tăng, thiết giáp phòng ngự khu trung tâm Cánh Đồng Chum và Noọng Pẹt; Trung đoàn 174 phòng ngự ở khu trung gian). Lực lượng pháo binh, ngoài bộ phận tăng cường cho nhiệm vụ phòng ngự trận địa, lực lượng pháo mặt đất thành lập 3 cụm pháo binh chiến dịch; lực lượng pháo tầm xa bố trí trên khu vực của Trung đoàn 174, đảm nhiệm bắn phá các mục tiêu ở Loong Chẹng, Sảm Thông; lực lượng pháo cao xạ và súng máy phòng không phối hợp với hỏa khí bộ binh hình thành lưới lửa phòng không tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ đội hình chiến đấu mặt đất. Lực lượng đặc công, tổ chức các tổ, đội luân phiên luồn sâu đánh phá các mục tiêu trong chiều sâu đội hình địch, sử dụng một phần lực lượng chốt giữ các chốt ở bắc thị xã Xiêng Khoảng. Lực lượng tăng, thiết giáp ngoài tăng cường cho nhiệm vụ phòng ngự trên các hướng, lực lượng còn lại tập trung tại Bản Phạt, Bản Nong làm nhiệm vụ cơ động đánh địch, sẵn sàng chi viện lực lượng tham gia các trận đánh then chốt tiêu diệt địch trên các hướng.
Lực lượng cơ động: Sử dụng Trung đoàn 148 và Trung đoàn 335, đứng chân ở phía bắc của Noọng Tai và phía nam của Phu Keng Luông (tháng 10-1972, được bộ tăng cường thêm Trung đoàn 88)… Với cách sử dụng lực lượng linh hoạt, hợp lý, ta đã ưu tiên lực lượng cho nhiệm vụ cơ động đánh địch tiến công từ xa, lấy hành động tiến công làm chủ yếu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng ngự chiến dịch. Mặc dù ta không vận dụng hình thức phòng ngự khu vực mà chọn hình thức phòng ngự cơ động nhưng ta lại tổ chức lực lượng ở các cụm chốt trên khu vực phòng ngự chủ yếu và trên các hướng phòng ngự. Tổ chức lực lượng tác chiến phối hợp ở Mường Sủi và thị xã Xiêng Khoảng. Với phương án sử dụng lực lượng sáng tạo, linh hoạt như vậy, BTL chiến dịch vừa bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng ngự trên các hướng (khu vực), vừa có điều kiện để ưu tiên lực lượng cho nhiệm vụ phòng ngự cơ động, chủ động đánh địch tiến công từ xa.
Trong Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, nhờ sử dụng lực lượng sáng tạo, linh hoạt, hợp lý, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ phòng ngự trận địa và phòng ngự cơ động, ta đã phát huy khả năng, sở trường của các lực lượng tham gia chiến dịch, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy chiến dịch đi đến thắng lợi, đánh dấu sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam với nét nghệ thuật độc đáo về sử dụng lực lượng trong tác chiến phòng ngự cấp chiến dịch.
Bằng phương pháp tác chiến chiến dịch chủ động, tích cực, phát huy sức mạnh tổng hợp tiến hành phòng ngự toàn diện, có trọng điểm, sử dụng lực lượng cơ động, linh hoạt, đúng thời cơ đánh bại tiến công, phản kích của địch trên các hướng, lần đầu tiên ta và bạn Lào đã tổ chức hoàn chỉnh chiến dịch phòng ngự, đánh bại hoàn toàn quân địch tiến công quy mô lớn, dài ngày. Chiến thắng Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 đã bảo vệ thành công vùng giải phóng, giữ vững địa bàn chiến lược, phối hợp có hiệu quả với các hướng tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn chiến trường Đông Dương, góp phần làm thất bại ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ và đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Lào hóa chiến tranh”. Chiến thắng Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng cùng với những thắng lợi trong năm 1972, tiêu biểu là Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 đã góp phần quan trọng buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973), rút quân về nước, đưa sự nghiệp cách mạng miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới-giai đoạn giành thế chủ động chiến lược tiến lên Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 giành thắng lợi quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1972 là thắng lợi của loại hình chiến dịch mới, hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành của một chiến dịch phòng ngự. Sự xuất hiện của Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng đã khẳng định sự tồn tại khách quan của loại hình tác chiến rất quan trọng của chiến tranh nhân dân Việt Nam, một hình thức tác chiến của bộ đội chủ lực trong thời khắc quyết định của lịch sử, khi mà cuộc đấu tranh ngoại giao đã bước sang năm thứ tư và đang đi đến quyết định cho một giải pháp chính trị ở Việt Nam, Lào và toàn Đông Dương. Ta phải đối chọi với một đội quân đông, được trang bị mạnh, được Mỹ hậu thuẫn tối đa để tìm kiếm một thắng lợi quân sự mang tính biểu tượng trên chiến trường làm điều kiện cho đàm phán ngoại giao trên thế mạnh.
Do vậy, mức độ bom đạn mà không quân, hải quân và pháo hạm Mỹ sử dụng trên chiến trường và những nỗ lực của quân ngụy Sài Gòn là không thể xem thường. Trong điều kiện đó, ta phải bảo vệ vùng giải phóng với không gian rộng lớn và giữ gìn thành quả cách mạng vừa giành được. Chủ động và kiên quyết chuyển vào phòng ngự trên quy mô chiến dịch để củng cố và giữ vững địa bàn chiến lược là việc làm cần thiết, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn chiến trường và là biểu hiện của tư duy quân sự nhạy bén, đúng đắn, khách quan và khoa học. Bài học sâu sắc đó từ Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng còn có giá trị hiện thực lịch sử trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thời gian tới (nếu xảy ra) tiến hành trong thế phòng thủ chung của đất nước, thế trận của khu vực phòng thủ các cấp được chuẩn bị trước một phần từ thời bình, chủ động chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao trong thời chiến. Chiến dịch phòng ngự diễn ra ngay từ thời kỳ đầu và trong quá trình chiến tranh, trên phạm vi cả nước hoặc trên một số hướng, địa bàn chiến lược trọng yếu.
Phòng ngự chiến dịch nhằm ngăn chặn, làm chậm tốc độ và phá thế tiến công của địch, giữ vững thế trận của ta, tạo điều kiện và thời cơ cho phản công, tiến công chiến dịch. Tác chiến phòng ngự phải phòng tránh, đánh trả có hiệu quả địch tiến công hỏa lực; sát thương lớn, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận quân địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường không và đổ bộ đường biển; bảo vệ tiềm lực quốc phòng, tiềm lực quân sự, các mục tiêu trọng yếu quốc gia, mục tiêu và địa bàn chiến dịch, chiến lược; làm cho địch thất bại trên từng hướng tiến công, buộc địch sa lầy, suy yếu, tạo điều kiện, thời cơ chuyển sang phản công, tiến công tiêu diệt lớn quân địch.
Hiện nay, môi trường quốc tế, nhất là quan hệ giữa các nước lớn trên thế giới và khu vực đã có những thay đổi, khác nhiều so với kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây và biến đổi rất nhanh chóng, mau lẹ, có sự chi phối lợi ích chiến lược và lợi ích riêng của mỗi quốc gia, dân tộc cùng xu thế chung trong khu vực và trên thế giới… Chiến dịch phòng ngự của ta có thể diễn ra đồng thời trên nhiều địa hình, song chủ yếu ở đồng bằng và vùng ven biển, trung du, tập trung chủ yếu ở các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, quân khu.
Tiến hành chiến dịch phòng ngự trong điều kiện đối phương tiến hành chiến tranh công nghệ cao, tác chiến điện tử rộng rãi, trực tiếp tiến công vào lãnh thổ nước ta. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho tác chiến có sử dụng vũ khí công nghệ cao còn hạn chế, khả năng cơ động của lực lượng chiến lược chưa cao; khả năng vũ khí, trang bị, trình độ và kinh nghiệm tác chiến chiến tranh hiện đại so với địch còn có mặt hạn chế…
Do đó, tiến hành tác chiến phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là một tất yếu khách quan, là một hoạt động tác chiến chủ đạo và diễn ra ngay từ đầu của tác chiến khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, phòng thủ quân khu và trong suốt quá trình chiến tranh, tạo điều kiện và thời cơ chuyển sang tác chiến phản công, tiến công địch hoặc chốt giữ và bảo vệ các địa bàn, khu vực (hướng) chiến lược trọng yếu theo yêu cầu của cấp chiến lược. Từ bài học kinh nghiệm lịch sử Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng trong chiến tranh giải phóng, tiếp tục nghiên cứu, phát triển và vận dụng vào trong điều kiện tác chiến của chiến tranh hiện đại là việc làm thiết thực góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới.
Ý kiến ()