Chiến lược xuyên suốt phải luôn chú trọng
Quán triệt tư tưởng bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) từ sớm, từ xa vào sự nghiệp xây dựng và BVTQ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển nhanh, bền vững là vấn đề mang tính cấp bách và chiến lược lâu dài. Nội dung hệ trọng này được làm rõ tại Hội thảo khoa học “BVTQ từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy” do Tổng cục Chính trị và Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ đạo Trường Sĩ quan Chính trị phối hợp với Cục Tuyên huấn cùng Tiểu ban Quốc phòng-An ninh-Đối ngoại (Hội đồng Lý luận Trung ương) tổ chức, sáng 10-6. Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dự và chỉ đạo hội thảo.
Giữ nước từ sớm, từ xa – tư tưởng xuyên suốt
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương kiêm Trưởng tiểu ban Quốc phòng-An ninh-Đối ngoại, Trưởng ban tổ chức hội thảo, cho rằng: Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay càng cho thấy sự cần thiết phải BVTQ từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy. Vì vậy, việc tổ chức hội thảo có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Phát biểu chỉ đạo, định hướng nội dung hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết khẳng định: Vấn đề BVTQ từ sớm, từ xa thường xuyên được Đảng ta quan tâm, phát triển trong các văn kiện của Đảng. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết những tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đó là sự cần thiết phải tổ chức phòng thủ, phòng ngừa từ trước với tinh thần “chủ động phòng ngừa là chính” nhằm chuẩn bị kỹ về mọi mặt từ trong thời bình để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 165 tham luận của các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo các cấp trong và ngoài quân đội. Nhiều tham luận đi sâu phân tích, làm rõ nội hàm BVTQ không chỉ bảo vệ sự tấn công từ bên ngoài biên giới quốc gia, mà còn giữ ổn định bên trong; không chỉ bảo vệ khi có kẻ thù xâm lược, mà phải tổ chức phòng thủ, phòng ngừa từ trước, chủ động về mọi mặt ngay trong thời bình; ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh từ bên ngoài; xử lý, giải quyết tốt các vấn đề bên trong, với phương châm “trong ấm, ngoài êm”…
BVTQ từ sớm là sớm về tư duy, nhận thức, sớm có quan điểm chỉ đạo, phương châm hành động, sớm trong nhận diện nguy cơ uy hiếp, sớm có phương án, lực lượng, phương tiện bảo vệ. Quá trình xây dựng, củng cố, phát triển cũng là quá trình triển khai các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, tự bảo vệ từ trước. BVTQ từ xa là chủ động phân tích, dự báo, đấu tranh, làm thất bại cả từ bên ngoài và bên trong mọi âm mưu, hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc; BVTQ, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị khẳng định: “BVTQ từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy” là quan điểm mang tính chiến lược được Đảng xác định trên cơ sở kế thừa bài học kinh nghiệm “lo giữ nước từ khi nước chưa nguy” của ông cha ta. Đồng thời, quan điểm này cũng là sự vận dụng sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về BVTQ XHCN; phù hợp với tình hình thực tiễn thế giới, khu vực và trong nước hiện nay. Qua đó, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tính chủ động, sáng tạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ với quyết tâm không để Tổ quốc bị động, bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.
Các đại biểu dự hội thảo tham quan trưng bày sách của Trường Sĩ quan Chính trị. |
Nhiều giải pháp sát thực tiễn
Trình bày tham luận tại hội thảo, các đại biểu: PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương); Trung tướng, PGS, TS Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an); Thiếu tướng, TS Phạm Việt Trung, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh 86; TS Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; Thiếu tướng Trương Mạnh Dũng, Tư lệnh Quân đoàn 1… đã phân tích rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và bài học kinh nghiệm về BVTQ từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy. Đặc biệt, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp hiệu quả, khả thi để phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng, các ban, bộ, ngành trong thực hiện chủ trương chiến lược này.
Một số giải pháp chủ yếu mà các đại biểu nêu ra là: Trước hết, cấp ủy, người đứng đầu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cần đề cao trách nhiệm trong quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương “BVTQ từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy” trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Quán triệt và thực hiện chủ trương trên là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị; trong đó, cần tập trung thực hiện những vấn đề cốt yếu có tính nguyên tắc, như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp BVTQ, luôn nhất quán đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; luôn quan tâm xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc; đẩy mạnh đấu tranh phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao năng lực dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh, bảo đảm không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; phát huy nguồn lực con người gắn với khai thác, ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Quang cảnh hội thảo. |
Dưới góc độ ngoại giao Nhà nước góp phần “BVTQ từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy”, PGS, TS Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao (Học viện Ngoại giao) khẳng định: Ngoại giao chính là “tuyến phòng thủ đầu tiên”, bởi vậy phải chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng; đầu tư thực chất hơn nữa cho việc khai phá những “không gian chiến lược mới”, bổ sung, mở rộng không gian chiến lược quốc gia trong “không gian mạng”, thiết lập các “đường biên giới mềm” ra ngoài giới hạn của đường biên giới cứng thông qua quá trình hội nhập quốc tế, ngoại giao song phương và đa phương, tạo thế trận phòng thủ từ xa và theo chiều sâu một cách vững chắc.
Trên cơ sở thống nhất rất cao với quan điểm và các biện pháp để thực hiện “BVTQ từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy”, các đại biểu dự hội thảo khẳng định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi quan điểm, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về BVTQ trong tình hình mới với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn; góp phần bảo đảm cho đất nước luôn chủ động thực hiện tốt phương châm “BVTQ từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy”, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển thực sự bền vững và không bị bất ngờ trong mọi tình huống.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh: “Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tham khảo những cách làm hay, kinh nghiệm tốt và giải pháp sáng tạo được trình bày trong các tham luận để vận dụng vào thực tiễn phù hợp. Phát huy hơn nữa tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp. Tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, đòi “phi chính trị hóa” quân đội và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đáp ứng yêu cầu BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy trong tình hình mới”. |
Ý kiến ()