Chiến lược vaccine quyết định sự phục hồi kinh tế
Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm.
Cả nước đang bước vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với 150 triệu liều vaccine Covid-19 tiêm cho 70% dân số, nhằm hướng đến mục tiêu cuối năm 2021 đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Quá trình này nảy sinh nhiều khó khăn, từ vấn đề tiếp cận mua, phân phối vaccine đến tổ chức tiêm chủng cho người dân ở quy mô lớn và quan trọng hơn là tầm nhìn dài hạn về chiến lược vaccine phòng, chống Covid-19.
Nhận diện vấn đề vaccine và kinh tế
Trong cuộc làm việc với Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo, bên cạnh nỗ lực thúc đẩy các động lực tăng trưởng, một trong những ứng phó khẩn cấp nhất hiện nay đối với Việt Nam là vaccine, làm sao để có nguồn vốn, giải ngân nhanh mua vaccine tiêm cho người dân. Mới đây, Nhà nước đã mở ra cho doanh nghiệp (DN), tổ chức được quyền mua, nhập khẩu vaccine, đồng thời công bố những loại vaccine nào DN được nhập vào Việt Nam, giao Bộ Y tế có trách nhiệm tư vấn tổ chức tiêm cho các DN và cử cán bộ có chuyên môn hỗ trợ DN nhằm bảo đảm quy trình tiêm chủng.
Để thực hiện chiến lược vaccine, Chính phủ yêu cầu các ngành đẩy mạnh giải pháp mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Trong đó, lưu ý phải thống nhất tại một đầu mối, phối hợp tốt để bảo đảm cấp phép, quản lý, bảo đảm chất lượng vaccine, chống cạnh tranh giữa tư nhân và Nhà nước.
Trong thực tế, người dân và DN sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ để mua đủ số lượng vaccine tiêm hai mũi cho người dân. Sự đóng góp vào Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 đã thể hiện rõ điều này.
Nhưng để mua sớm được vaccine với số lượng lớn đang là một khó khăn. Nhiều chuyên gia khuyến nghị: Trong bối cảnh nguồn cung vaccine trên toàn cầu chưa đủ cung cấp cho nhu cầu của các chính phủ và có sự cạnh tranh lớn trong việc mua vaccine, Việt Nam cần đàm phán với các hãng dược để mua theo giá thị trường.
Ngoài vaccine AstraZeneca, cần mở rộng đàm phán với các hãng Pfizer, Moderna…, đồng thời tranh thủ quan hệ với các quốc gia tìm nguồn vaccine họ chưa dùng tới. Các chuyên gia nêu hai khuyến nghị lớn: Đối với tiếp cận vaccine, cần phát đi thông điệp mới là Việt Nam có nguồn lực tài chính và sẵn sàng trả theo giá thị trường. Đây là bài học được rút ra từ các quốc gia đã tiêm chủng thành công ở diện rộng và do cho phép các tổ chức, DN đứng ra mua, Nhà nước cần có cơ chế giám sát và quản lý rủi ro, nắm vai trò điều tiết dẫn dắt để tránh nguy cơ mua phải vaccine giả, kém chất lượng hoặc hết hạn sử dụng.
Theo các chuyên gia kinh tế, với cách tiếp cận sức khỏe người dân là trên hết, chìa khóa tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đến từ việc ngăn chặn dịch lây lan và đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Chính phủ đang có các giải pháp mạnh mẽ thể hiện quan điểm này.
Khi chưa có đợt dịch bùng phát lần thứ tư, tăng trưởng GDP cả năm 2021 đặt ra ở mức 6,5% đã là một mục tiêu cao và nhiều thách thức. Với tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48% thì quý II phải đạt 7,11%, các quý còn lại phải đạt 6,73% và 7,04%. Những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến sản xuất công nghiệp diễn ra từ cuối tháng 4 khiến kết quả tăng trưởng quý II tiếp tục thấp hơn mục tiêu đề ra.
Nội lực là quyết định
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định: Cạnh tranh vaccine toàn cầu diễn ra mạnh mẽ khiến vaccine Covid-19 trở thành một vấn đề chính trị, không đơn thuần là vấn đề kinh tế.
“Muốn vaccine không trở thành câu chuyện chính trị, phải quay trở lại định hướng của Đảng từ cách đây 15 năm rằng, ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định. Điều này có nghĩa là chúng ta phải vừa tăng cường năng lực sản xuất vaccine, vừa cố gắng đàm phán mua vaccine về tiêm cho người dân và mở cửa lại nền kinh tế. Rất nhiều phân tích trên thế giới dự đoán, vaccine Covid-19 không miễn dịch cả đời mà cần nhắc lại hằng năm. Do đó, nếu không tự sản xuất được vaccine, phải đi mua và trông vào viện trợ sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả phòng, chống dịch của đất nước. Cần phải đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất và tiêm chủng vaccine trong nước sản xuất, đáp ứng yêu cầu cấp bách vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế”, TS Nguyễn Đức Kiên nói.
Từ nhận thức quy trình sản xuất vaccine trong nước cần có bước đi nhanh hơn, phù hợp hơn với tình hình mới, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo nhanh trình Thủ tướng Chính phủ về kinh nghiệm quốc tế áp dụng luật cho thời chiến trong vấn đề sản xuất, cung ứng vaccine. Trong đó nhận định các quốc gia như Nga, Mỹ đều áp dụng luật thời chiến để sản xuất vaccine Covid-19.
Cụ thể, Luật thời chiến sản xuất vaccine của cựu Tổng thống Donald Trump ký tháng 4-2020 có hai điểm quan trọng: Một là, tất cả DN sản xuất vaccine phải dừng các hoạt động sản xuất khác để tập trung sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước, nếu không làm, sẽ bị trưng thu DN. Hai là, cho phép các công ty dược chỉ thực hiện thử nghiệm đến giai đoạn hai đã có thể đưa sản phẩm ra thị trường, tức là cho phép vừa ứng dụng, vừa nghiên cứu khắc phục.
Vaccine phòng Covid-19 đã được các quốc gia trên thế giới thực hiện theo tình trạng khẩn cấp để trao quyền mạnh hơn cho người đứng đầu và các cơ quan hành pháp có đủ thẩm quyền quyết định những chính sách cấp bách đáp ứng yêu cầu thực tiễn chống dịch.
Tại Việt Nam, kết quả phòng, chống dịch Covid-19 đã có những thành công. Song để đáp ứng yêu cầu mới, cần đẩy mạnh chiến lược nghiên cứu, sản xuất vaccine thông qua chương trình đầu tư công lớn và khuyến khích khối tư nhân tham gia.
Ý kiến ()