Chiến lược phù hợp cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử
Thời gian tới, khi có nhiều nguồn vaccine phòng Covid-19, chiến lược tiêm chủng theo hướng tăng cường tối đa khả năng tiếp cận với vaccine, từ đó tạo miễn dịch cộng đồng một cách thông minh để phục hồi kinh tế, bảo đảm quyền bình đẳng vaccine đang được Việt Nam thực hiện.
Trong chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam cần chuẩn bị cho những kịch bản khác nhau do nguồn cung lệ thuộc vào các đối tác. Sẽ có những lúc vaccine về dồn dập, phải tiêm quy mô rộng và nhanh và cũng sẽ có lúc vaccine về ít, không kịp tiến độ tiêm, do vậy cần có công cụ để tối ưu hóa chiến dịch.
Mặt khác, vaccine lại có nhiều loại khác nhau, nhu cầu các nhóm tiêm khác nhau; vaccine là loại dược phẩm đặc biệt, bảo quản đặc biệt, phân phối đặc biệt và sử dụng cũng đặc biệt. Việc ngay lập tức tổ chức các điểm tiêm không khó nhưng công tác theo dõi, xử trí phản ứng bất lợi sau tiêm và bảo đảm an toàn tiêm chủng phải do đội ngũ được đào tạo bài bản và không thể có ngay lập tức với số lượng lớn.
Thực tế triển khai tiêm vaccine tại Việt Nam cho thấy, hiệu quả của vaccine đạt được rất cao, trong dự phòng các thể nặng và nhập viện lên đến hơn 90%. Hiện tại chưa có trường hợp nào tiêm đủ hai mũi vaccine tại Việt Nam mắc bệnh nặng, nhưng không có vaccine nào bảo đảm việc không bị lây nhiễm bệnh.
Đây chính là điểm mà cộng đồng hiện đang tranh cãi do có quá nhiều lo ngại đối với việc: Liệu người đã được tiêm đầy đủ, không mắc bệnh lại thành người lành mang virus đi lây một cách âm thầm cho người khác hay không? Một số trường hợp hiếm gặp tại Việt Nam đã cho thấy vấn đề này, nhưng về cơ bản vaccine đã thể hiện được giá trị bảo vệ, phòng cả thể nặng cũng như hạn chế lây nhiễm thứ phát. Đó chính là cơ sở cho việc mở cửa sau này khi cộng đồng đạt độ bao phủ cao với vaccine.
Việt Nam tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế. Để điều này khả thi thì “vũ khí” vaccine là không thể thiếu, nhất là để bảo vệ các nhóm yếm thế, nhóm lao động, dân nghèo trong khi nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội còn hạn chế.
Trong phòng, chống dịch, chúng ta sử dụng nguyên tắc bốn tại chỗ: lực lượng; chỉ huy; phương tiện; hậu cần. Bốn nguyên tắc này cần tiếp tục áp dụng trong chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19. Với kinh nghiệm và hệ thống tiêm chủng đã có sẵn và kiện toàn trong suốt hơn 30 năm qua, với sự tham gia của hàng trăm nghìn cán bộ y tế tại 18 nghìn điểm tiêm chủng; cùng với đó là hệ thống tiêm chủng ngoài công lập thì mỗi ngày có thể tiêm tới 3,6 triệu liều vaccine. Như vậy, tốc độ không phải vấn đề lớn nhất đối với công tác triển khai chiến dịch sắp tới.
Khi triển khai chiến dịch, điểm quan trọng hàng đầu là tối ưu hóa hiệu quả bảo vệ của vaccine. Cần giải phóng vaccine nhanh nhất thông qua việc triển khai tiêm phòng qua cả kênh công lập và tư nhân với nhiều phương thức triển khai như tiêm tại trạm, tiêm ngoài trạm. Tuy nhiên vấn đề bảo đảm an toàn tiêm chủng cũng như phân luồng đối tượng hiện nay đặt các cơ quan chuyên môn và quản lý vào một bài toán khó.
Cần sớm áp dụng các bộ tiêu chí về điểm tiêm an toàn cũng như mạng lưới cấp cứu chuyên môn cao tới tận tuyến huyện cũng như xe cấp cứu hỗ trợ các cụm tiêm chủng mới có thể triển khai tiêm chủng đến tận cấp xã, phường ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, cần tăng cường áp dụng tele-medicine trong hỗ trợ cấp cứu từ xa.
Ưu tiên tiêm phòng cho các nhóm dân số có nguy cơ nhiễm hoặc lây cao. Đây là những nhóm người mà đặc điểm nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều người và có thể bị lây nhiễm cũng như là nguồn lây nhiễm nguy hiểm. Việc xét nghiệm thường xuyên cho họ không phải giải pháp căn cơ mà phải cho họ miễn dịch đủ mạnh để không nhiễm virus và từ đó tạo ra lá chắn cho cộng đồng. Các khu vực có dịch cũng là nơi cần ưu tiên tiêm phòng.
Tuy nhiên, chiến lược thông minh là tiêm chủng bao vây khu vực đang dịch thay vì tiêm tại nơi đang xác định dịch bùng phát bởi vaccine không có tác dụng điều trị, nếu một người đã nhiễm virus thì dù tiêm chủng vẫn không ngăn được bệnh. Ngoài ra, tại vùng đang bùng phát dịch, việc tập trung ở điểm tiêm cũng là một dạng nguy cơ lây nhiễm.
Do đó, tốt nhất là làm tốt công tác phân cụm, chia cụm nguy cơ đến mức nhỏ nhất và thực hiện công tác chống dịch như trước tại cụm nguy cơ cho đến khi dịch kết thúc mới nên tổ chức tiêm chủng tại các điểm nóng này. Như vậy, việc xác định vùng đặc biệt nguy cơ, vùng đệm, vùng an toàn là rất quan trọng trước khi lập kế hoạch tiêm chủng tại vùng dịch.
Đồng thời ưu tiên tiêm phòng cho các nhóm dễ bị tử vong và diễn biến nặng nếu mắc Covid-19. Ngoài ra, các nhóm lao động thiết yếu, người lao động chính, các nhóm dân số hoặc khu vực có đóng góp kinh tế lớn cũng cần được ưu tiên tiêm phòng nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh trong khu vực nhà máy, hạn chế sự đứt gãy của các chuỗi sản xuất. Nhà máy sẽ chỉ an toàn khi toàn thể công nhân được tiêm chủng và có sự quản lý đối tượng đến từ các cộng đồng nguy cơ.
Với những nỗ lực như hiện tại, chiến lược tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam sẽ dần bảo đảm số liều tiêm, bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, chúng ta cần sự linh hoạt để điều chỉnh các quyết định kịp thời dựa trên bằng chứng. Chẳng hạn, phân nhóm, phân cụm đối tượng, tiêm phối hợp các vaccine thế nào để bảo đảm tiến độ và độ bao phủ cao nhất.
Những vướng mắc trong thời gian qua của hệ thống cần chấn chỉnh sớm và cần sự cam kết mạnh mẽ hơn từ phía chính quyền địa phương trong công tác triển khai. Cần có một kế hoạch tiêm chủng tổng thể để mỗi đợt vaccine về chỉ việc tổ chức tiêm chứ không cần làm lại các kế hoạch.
Hiện tại, hệ thống dây chuyền lạnh của tiêm chủng mở rộng cũng đã cũ, khá nhiều tủ lạnh đã dùng hơn 10 năm. Nhiều tỉnh vẫn có tâm lý lệ thuộc vào sự cung cấp của chương trình quốc gia dẫn tới sự thiếu chủ động trong hệ thống bảo quản vaccine. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ tiêm chủng khi số lượng vaccine chuyển về tỉnh còn bao gồm cả vaccine dùng trong tiêm chủng thông thường.
Tuy nhiên, không phải vì tập trung quá mức vào tiêm vaccine Covid-19 mà quên đi hoạt động tiêm chủng thường xuyên để bảo vệ đối tượng trẻ em trước những bệnh lý nguy hiểm khác. Những bệnh lý nguy hiểm khác nếu thiếu vaccine phòng bệnh sẽ tạo ra dịch chồng dịch, dẫn tới rối loạn hệ thống y tế.
Cuối cùng, để chiến dịch tiêm chủng thành công, sự đồng thuận và ủng hộ từ toàn thể người dân là điều kiện tiên quyết. Ngoài việc vẫn phải bảo đảm thực hiện 5K, việc cung cấp thông tin chuẩn xác về tình trạng sức khỏe và đối tượng tiêm chủng giúp cho các cơ quan chức năng tính toán và lập kế hoạch sát nhất cho chiến dịch. Khi đến lượt đi tiêm, tuân thủ đúng các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch và thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà theo đúng hướng dẫn cũng là những đóng góp cho sự thành công chung của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử này.
Ý kiến ()