Chiến lược phát triển in-tơ-nét băng thông rộng ở Trung Quốc
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố chiến lược và phương án phát triển in-tơ-nét ở nước này với tên gọi "Trung Quốc băng thông rộng". Kế hoạch này đánh dấu chiến lược phát triển in-tơ-nét băng thông rộng của Trung Quốc chính thức được nâng lên cấp quốc gia.
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố chiến lược và phương án phát triển in-tơ-nét ở nước này với tên gọi “Trung Quốc băng thông rộng”. Kế hoạch này đánh dấu chiến lược phát triển in-tơ-nét băng thông rộng của Trung Quốc chính thức được nâng lên cấp quốc gia.
Chiến lược và phương án thực hiện kế hoạch “Trung Quốc băng thông rộng” với mục tiêu phát triển là phấn đấu đến năm 2015, ở Trung Quốc bước đầu xây dựng xong cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia thế hệ mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Tốc độ truyền dẫn dữ liệu của dịch vụ in-tơ-nét băng thông rộng cho các gia đình ở thành phố cơ bản đạt hơn 20 megabit/giây (Mbps); gia đình ở nông thôn có thể đạt hơn bốn megabit/giây. Trong đó, một số thành phố phát triển ở Trung Quốc có thể đạt tới 100 megabit/giây. Theo quy hoạch, đến năm 2020, khoảng cách về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng in-tơ-nét băng thông rộng giữa Trung Quốc với các nước phát triển sẽ thu hẹp rất nhiều, người dân Trung Quốc sẽ được chia sẻ thành quả kinh tế tăng trưởng, dịch vụ tiện lợi và cơ hội phát triển do dịch vụ in-tơ-nét băng thông rộng mang lại. Ðến lúc đó, dịch vụ in-tơ nét băng thông rộng sẽ che phủ cả khu vực thành thị lẫn nông thôn. Tỷ lệ gia đình phổ cập in-tơ-nét băng thông rộng cố định đạt 70%. Tỷ lệ gia đình phổ cập mạng 3G/LTE (hệ thống mạng truyền thông không dây tốc độ dữ liệu cao) đạt 85%. Tỷ lệ sử dụng băng thông rộng ở các khu vực đô thị hóa vượt 98%.
Theo Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Miêu Khư, cùng với tốc độ truyền dẫn dữ liệu mạng in-tơ-nét tăng cao, giá thành cáp quang giảm xuống, cước phí dịch vụ mạng in-tơ-nét sẽ rẻ hơn. Ðiều này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự sáng tạo mô hình ứng dụng dịch vụ in-tơ-nét băng thông rộng, xây dựng mô hình thị trường mới và nghiệp vụ mới, đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại như: thương mại điện tử, phân phối lưu thông hàng hóa hiện đại, tài chính mạng, v.v…, nhằm phát triển mạnh công nghệ thông tin thế hệ mới, gồm điện toán đám mây, mạng in-tơ-nét kết nối cố định, mạng in-tơ-nét di động, hệ thống kết nối in-tơ-nét đầu cuối thông minh, v.v… Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ trở thành những người chia sẻ lợi ích của chiến lược “Trung Quốc băng thông rộng”. Mạng in-tơ-nét sẽ hội nhập hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước sẽ hỗ trợ mặt bằng thương mại điện tử bên thứ ba hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoạt động tiêu thụ, mua sắm và quản lý quan hệ khách hàng trên mạng in-tơ-nét của doanh nghiệp sẽ trở nên nhanh hơn, tiện ích hơn và đạt hiệu suất cao hơn.
Trong chiến lược và phương án thực hiện chiến lược phát triển in-tơ-nét băng thông rộng được công bố lần này, Quốc vụ viện Trung Quốc lần đầu đề xuất việc hoàn thiện cơ chế bù trừ cho dịch vụ thông tin truyền thống, hình thành cơ chế lâu dài hiệu quả nhằm hỗ trợ sự phát triển của dịch vụ in-tơ-nét băng thông rộng khu vực nông thôn cũng như khu vực miền trung và miền tây của Trung Quốc. Việc thực thi chiến lược phát triển in-tơ-nét với tên gọi “Trung Quốc băng thông rộng” sẽ góp phần đắc lực thu hẹp khoảng cách số hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường sự hỗ trợ tài chính cho công cuộc phát triển in-tơ-nét băng thông rộng, huy động đầy đủ các nguồn vốn riêng của trung ương, khuyến khích nguồn vốn đồng bộ của địa phương đầu tư vào việc nghiên cứu, phát triển công nghệ hóa dịch vụ in-tơ-nét băng thông rộng cũng như phát triển in-tơ-nét băng thông rộng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện để việc ứng dụng công nghệ thông tin đi vào cuộc sống của người dân lao động một cách suôn sẻ và hoàn thiện.
Theo Nhandan
Ý kiến ()