Chiến lược mới của các nhà phân phối
LSO-Sau 5 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức doanh nghiệp, doanh nhân, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đến hết tháng 7/2014, toàn tỉnh đã tổ chức được 31.760 cuộc tuyên truyền, thu hút khoảng 1,6 triệu lượt người tham gia. Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, tạo một bước chuyển biến từ nhận thức tới hành động của cán bộ, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng được thói quen tiêu dùng hàng Việt. Qua đó, thương hiệu Việt từng bước khẳng định được vị trí trên thị trường và đã tác động đến chiến lược kinh doanh, phân phối hàng hóa của nhiều doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại Hội chợ thương mại Việt- Trung |
Đến thời điểm hiện tại, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ, ý thức của người dân về mua sắm, sử dụng hàng Việt được nâng cao, đại đa số người dân đã tin tưởng dùng hàng Việt trong đời sống sinh hoạt. Khi mua sắm luôn ưu tiên lựa chọn sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước.
Ông Lê Xuân Lô, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương cho biết: từ việc theo dõi xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và khảo sát, đánh giá của cán bộ ngành công thương, đến nay có thể khẳng định nhận thức của người dân trong việc tiêu dùng đã được nâng cao rõ rệt. Khi tham gia mua sắm, người dân rất chú ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hàng hóa, tẩy chay những loại mặt hàng không rõ nguồn gốc, nhất là các loại hàng hóa có bao bì in, dập chữ nước ngoài. Các mặt hàng sản xuất trong nước luôn được người tiêu dùng lựa chọn, nhất các sản phẩm như máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng, phân bón, các mặt hàng thiết yếu, đồ gia dụng và thực phẩm. Tại các cơ quan, việc mua sắm tài sản công luôn ưu tiên các sản phẩm được sản xuất trong nước có chất lượng cao tương đương hàng nhập khẩu, giá cả hợp lý. Đặc biệt, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hơn trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và xây dựng giá thành phù hợp với người tiêu dùng.
Chị Lương Thu Thảo, cán bộ Công ty Viễn thông Lạng Sơn cho biết: hiện nay gia đình chỉ mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Không chỉ riêng gia đình chị, mà qua tìm hiểu thì hầu hết các gia đình trong cơ quan khi đi mua sắm cũng ưu tiên lựa chọn hàng nội địa. Bởi hiện nay, tại các siêu thị hay đại lý phân phối hàng hóa lớn đã có đẩy đủ các mặt hàng tiêu dùng thương hiệu Việt. Trong đó có cả các mặt hàng cao cấp, chất lượng tương đương với hàng nhập ngoại mà giá cả lại hợp lý. Sự thay đổi nhận thức, thói quen mua sắm của người dân đã kéo theo sự thay đổi chiến lược kinh doanh của các đơn vị đang thực hiện kinh doanh, phấn phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngọc Trường Chinh, Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương cho biết: trước đây doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng có nhiều mặt hàng nước ngoài, mặc dù đều là các mặt hàng có đầy đủ tem, nhãn mác nhưng số lượng tiêu thụ ngày một giảm. Đến năm 2013, sau khi đã tham gia một số Hội chợ thương mại và Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức trên địa bàn tỉnh, Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã nhận ra tâm lý ưa chuộng tiêu dùng hàng Việt của người dân. Đến nay, toàn bộ hàng hóa do doanh nghiệp phân phối (khoảng 50.000 mặt hàng) đều được sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp đang chú trọng đến việc phát triển mạng lưới phân phối tại các vùng nông thôn, đã có hơn 600 điểm bán lẻ được mở tại 11 huyện, thành phố. Cũng tương tự như doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương, hiện nay Công ty Cổ phẩn Thành Đô với chức năng phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, 95% mặt hàng do Công ty phân phối được sản xuất trong nước, với hệ thống đại lý, kho bãi tại 11/11 huyện, thành phố.
Nhờ sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người tiêu dùng mà hàng hóa thương hiệu Việt đã dần chiếm ưu thế trên thị trường, ngày càng khẳng định được giá trị thương hiệu. Điều này thể hiện qua sự thành công của nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, từ những doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị cho đến những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Như thương hiệu máy bơm và thiết bị điện công nghiệp của Công ty TNHH Bảo Long, thước cuộn bằng kim loại nhãn hiệu HIBO của Công ty TNHH Tuấn Anh, bánh quy Cracke Coconut của Công ty TNHH Thành Long… Ông Bùi Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Sở Công thương cho biết: từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhiều thương hiệu Việt đã được khẳng định tên tuổi. Tới đây, để tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung có cơ hội quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường, khách hàng, Sở Công thương đã giao cho Trung tâm tổ chức 5 Hội chợ thương mại kết hợp với Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại 5 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cùng với hoạt động hội chợ là kết hợp với công tác tuyên truyền để nâng cao hơn nữa từ nhận thức của người dân trong việc tham gia lựa chọn, mua sắm hàng hóa. Từ đó, vừa góp phần đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng vừa đưa thương hiệu Việt lên một tầm cao mới.
ANH DŨNG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()