Chiến lược đồng bộ và dài hơi trong hồi hương cổ vật
Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của chính quyền các cấp và những tổ chức, cá nhân yêu di sản trong nước và ngoài nước, một số cổ vật quý bị mất hoặc vì những lý do lịch sử bị mang ra khỏi nước ta, đã được đưa về Việt Nam. Gần đây nhất, khi ấn “Hoàng đế chi bảo” của vương triều Nguyễn xuất hiện trong danh sách phiên đấu giá tại Pháp, vấn đề đưa cổ vật lưu lạc về cố hương để bảo quản, phát huy giá trị mới thật sự được cộng đồng quan tâm. Câu chuyện này cũng gióng lên hồi chuông về việc cần thiết phải có một chiến lược tổng thể để hồi hương cổ vật.
Lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp về Việt Nam. (Ảnh Cục Di sản văn hóa cung cấp) |
Gian nan tìm đường về cố quốc
Trong hai năm 2022 và 2023, việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” liên tiếp lọt danh sách đề cử 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu. Có lẽ không chỉ bởi giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, chính trị gắn liền bảo vật, mà còn bởi việc hồi hương thành công ấn vàng sau suốt hơn một năm đàm phán là kết quả của cả quá trình nỗ lực, chủ động, quyết tâm đưa di sản về nước bằng con đường ngoại giao văn hóa chưa từng có tiền lệ, với sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Qua đó, khẳng định với thế giới về quyết tâm của Việt Nam trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản dân tộc, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên cơ sở bảo đảm tính toàn vẹn của di sản văn hóa.
Thăng trầm cổ vật
Trước ấn “Hoàng đế chi bảo”, cũng đã có một số cổ vật may mắn được hồi hương theo nhiều con đường khác nhau. Tiêu biểu như chuông chùa Ngũ Hộ được luật sư người Nhật và một số người dân Nhật Bản yêu mến Việt Nam quyên góp tiền chuộc, đưa từ Tokyo về Bắc Ninh năm 1978; chiếc xe kéo của Hoàng Thái Hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái) được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đấu giá thành công tại Pháp, đưa về trưng bày tại Khu Di tích Đại Nội Huế năm 2015; gần đây là mũ quan triều Nguyễn cùng áo Nhật Bình được một đơn vị tư nhân đấu giá thành công tại Tây Ban Nha và hiến tặng lại Huế năm 2022…
Bên cạnh đó, còn có một số cổ vật thu từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép được chính phủ các nước tự nguyện trao trả cho Việt Nam, như trường hợp 18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, cổ vật Đông Sơn nhận từ Mỹ năm 2022.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, những gì được đưa về chỉ như muối bỏ biển nếu so với lượng cổ vật từ xưa đến nay của Việt Nam bị lưu lạc. Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, một lượng lớn cổ vật của nước ta đã bị thất thoát, cướp bóc trong các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đầu thế kỷ XX, các học giả khi đến Việt Nam nghiên cứu về khảo cổ học, dân tộc học đã mang về nước họ nhiều cổ vật đặc trưng. Và một phần cổ vật được chính những người Việt khi đi định cư ở nước ngoài đem theo.
Bên cạnh đó là nguồn thất thoát thông qua con đường thương mại. Có giai đoạn, nạn buôn bán cổ vật từ Việt Nam ra nước ngoài trở nên sôi động mặc dù việc làm này là bất hợp pháp. Cổ vật trở thành một loại hàng hóa mang lại lợi nhuận kinh tế lớn cho nên tình trạng làm nhái, làm giả cổ diễn ra khá phổ biến và ngày càng tinh vi.
Do những hạn chế về phương tiện bảo vệ, cộng thêm tính thiêng của nhiều cổ vật bị giải thiêng, một lượng không nhỏ cổ vật ở các đình, chùa, di tích các cấp bị đánh cắp, từ những cổ vật chất liệu gốm, sứ, cho tới cổ vật chất liệu giấy như sắc phong, tư liệu sách Hán Nôm, tác phẩm nghệ thuật, tranh của các họa sĩ đầu thế kỷ XX…
Sự đa dạng của những nguồn thất thoát cùng sự dàn trải của thời gian khiến việc thống kê chính xác lượng cổ vật quý bị lưu lạc ở nước ngoài là cả thách thức.
Những trở ngại, thách thức khi hồi hương
Một lượng lớn cổ vật Việt Nam đã “đội nón ra đi”, việc tìm đường đưa chúng về nước là vô cùng cấp thiết. Theo các chuyên gia, điều này không những có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn, phát huy toàn diện giá trị di sản văn hóa truyền thống, mà còn góp phần khẳng định vị thế, chủ quyền đất nước, cũng như nhân lên niềm tự hào dân tộc.
Tuy nhiên, trên thực tế, hành trình hồi hương cổ vật phải đối mặt nhiều khó khăn. Thời gian qua, nước ta đã có nhiều nỗ lực trong hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan di sản văn hóa, nhưng riêng với lĩnh vực hồi hương cổ vật vẫn còn nhiều khoảng trống, cũng chưa có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa cổ vật là di sản văn hóa Việt Nam về nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Luật Di sản văn hóa của Việt Nam hiện vẫn chưa có một điều luật hay văn bản dưới luật nào quy định, hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật về nước. Do vậy, các tổ chức, cá nhân khi đưa cổ vật Việt Nam hồi hương phải đối diện nhiều thủ tục hành chính, cùng những vướng mắc về thuế, hải quan…
Nhằm quản lý tốt hơn sự biến động của các cổ vật, trong Luật Di sản văn hóa, Nhà nước ta khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.
Tuy nhiên, việc đăng ký cổ vật thuộc sở hữu tư nhân thời gian qua mới chỉ diễn ra lẻ tẻ. Nguyên nhân được chỉ ra là do không nhiều nhà sưu tầm chứng minh được nguồn gốc cổ vật, hơn nữa giới chơi cổ vật thường mua bán, trao đổi liên tục, chưa kể quy trình kiểm định, đăng ký mất nhiều thời gian, chi phí…
Và việc phần lớn cổ vật thuộc sở hữu tư nhân chưa được đăng ký cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó quản lý thị trường cổ vật, gây khó khăn cho việc hồi hương. Trên thực tế, phần nhiều cổ vật Việt Nam bị lưu lạc ở nước ngoài thuộc các bộ sưu tập tư nhân, nên hồi hương cổ vật bằng hình thức đấu giá theo thông lệ quốc tế vẫn là con đường ngắn nhất.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho hay, khoảng mấy chục năm trở lại đây, trên những sàn đấu giá quốc tế, nhiều cổ vật Việt Nam và tác phẩm mỹ thuật Đông Dương có giá tăng chóng mặt. Việc này nói lên nhiều điều về giá trị, vị thế, uy tín của nền văn hóa, văn hiến Việt Nam, nhưng cũng là thách thức lớn cho hồi hương cổ vật Việt thông qua con đường đấu giá.
Bởi người Việt khó lòng đối đầu về tiềm lực tài chính với những đại gia tầm cỡ thế giới, nhất là khi giá bán cuối cùng sau những nhát gõ búa bao giờ cũng cách biệt rất xa so với giá khởi điểm, chưa kể người mua còn phải trả thêm phí cho các nhà đấu giá, thuế, chi phí đóng gói, vận chuyển…
Có thể thấy, khoảng trống về hành lang pháp lý, sự khuyết thiếu về cơ chế, chính sách cũng như sự hạn chế về tiềm lực tài chính… đang là những điểm nghẽn gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hồi hương cổ vật của Việt Nam. Nước ta cũng vẫn còn bị động trong việc đưa cổ vật về cố hương, thậm chí bị động ngay từ khâu tiếp nhận thông tin. Có những cổ vật khi xuất hiện tại phiên đấu giá nước ngoài mới được Việt Nam hay biết, dẫn đến chậm chân sở hữu.
Trong khi đó, nhiều bảo tàng ở các nước phát triển thường tiếp nhận được thông tin đấu giá cổ vật từ các hãng đấu giá trước cả vài tháng sự kiện diễn ra, nên có điều kiện tìm hiểu trước về các cổ vật và huy động tài chính. Để không lỡ nhịp hồi hương di sản, rõ ràng, Việt Nam cần có một chiến lược đồng bộ, dài hơi, với những giải pháp khả thi nhằm khắc phục những rào cản, huy động sức mạnh của toàn xã hội vào công cuộc đưa các cổ vật giá trị về nước.
Nhiều chuyên gia cũng lưu ý, việc lựa chọn, quyết định đưa cổ vật nào về nước phải dựa trên đánh giá, kiểm định mức độ giá trị về mặt lịch sử, văn hóa của hiện vật. Không phải cổ vật nào ở nước ngoài cũng cần hồi hương, bởi có rất nhiều cổ vật cùng chủng loại tương tự như những thứ Việt Nam đang lưu giữ. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, sự xuất hiện của cổ vật Việt tại các bảo tàng, sưu tập ngoài nước cũng chính là con đường hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá, khẳng định và lan tỏa dấu ấn văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Nguồn: https://nhandan.vn/chien-luoc-dong-bo-va-dai-hoi-trong-hoi-huong-co-vat-post794050.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()