Chiến lược đối ngoại đa phương giúp nâng cao vị thế của Việt Nam
Nhân sự kiện Việt Nam tổ chức Hội nghị Ðối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, các chuyên gia, học giả nước ngoài đã đánh giá cao chính sách đối ngoại của Việt Nam và nhận định, những thành tựu đối ngoại quan trọng này góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong trao đổi với TTXVN, Tiến sĩ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ðại học Tổng hợp Charles (CH Séc), khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam đã thể hiện tính đúng đắn, kết hợp giữa đường lối độc lập, tự chủ và yếu tố đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Ðặc biệt, việc triển khai đối ngoại đa phương đã tạo dựng chiến lược ngoại giao ổn định, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo Tiến sĩ Hosoda, Việt Nam đã thành công trong việc duy trì thế cân bằng chiến lược trong quan hệ quốc tế, nhất là mở rộng quan hệ hợp tác không chỉ với các nước trong khu vực, mà còn với các nước lớn. Ðây là điều rất quan trọng trong chiến lược đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Tiến sĩ Hosoda đánh giá cao việc Việt Nam duy trì mối quan hệ cân bằng và ổn định với các nước láng giềng, song không nhượng bộ, kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Ðặc biệt, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của vấn đề an ninh hàng hải. Ðiều đó cho thấy Việt Nam là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Theo Tiến sĩ Hosoda, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong những năm gần đây, nhất là trong phát triển kinh tế và đối ngoại, góp phần tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế cũng như tăng cường tiềm lực quốc gia. Việt Nam đã tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương quan trọng như Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Ðiều này có ý nghĩa quan trọng mang tầm chiến lược cũng như tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế.
Tiến sĩ Hosoda cho rằng, để tiếp tục phát huy vai trò của đối ngoại trong bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia cũng như tăng cường tiềm lực đất nước và nâng cao vị thế trên trường quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng duy trì cân bằng giữa bảo đảm môi trường ổn định khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cùng chung quan điểm đánh giá cao chính sách đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Hội Ðức-Việt, cựu Ðại sứ Ðức tại Việt Nam Rolf Schulze (G.Sun-dơ) cho rằng, Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình và ổn định trên thế giới. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đang chung tay giải quyết những thách thức lớn mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt. Theo cựu Ðại sứ Ðức, trong chính sách đối ngoại, Việt Nam được thúc đẩy và hỗ trợ thành công nhờ một nền ngoại giao xuất sắc và Việt Nam có thể tự hào về những tiến bộ đã đạt được. Ðức và Việt Nam là đối tác cùng cam kết ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại và đầu tư toàn cầu, cũng như bảo vệ môi trường và khí hậu.
Trả lời phỏng vấn của TTXVN, nhà báo Ngụy Vi-Trưởng ban Tiếng Việt, Ðài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đánh giá cao công tác đối ngoại của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh rằng đối ngoại của Việt Nam đã giúp tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ đất nước. Việt Nam ngày càng phát huy vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Nhà báo Trung Quốc nhắc lại lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách. Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam ngày càng rộng mở, hiệu quả, trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua việc ký các hiệp định thương mại tự do, qua đó tạo động lực lớn cho phát triển.
Các chuyên gia, học giả nước ngoài đều bày tỏ tin tưởng rằng với kinh nghiệm và những thành công đạt được trong lĩnh vực đối ngoại thời gian qua, Việt Nam sẽ tích cực tham gia góp phần duy trì bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương.
Ý kiến ()