Chiến khu Bắc Sơn - những kỷ niệm không thể nào quên*
LSO-Đầu tháng 8/1986, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã về thăm Bắc Sơn. Đại tướng nguyên là chiến sỹ du kích Bắc Sơn, sau đó là Đội cứu quốc quân I đã sống và chiến đấu ở căn cứ đại Bắc Sơn, sau đó là chiến khu Bắc Sơn - Võ Nhai, những năm 1940 - 1941. Đại tướng đã kể lại một vài kỷ niệm không thể nào quên.
Đình Nông Lục, huyện Bắc Sơn – Ảnh: THANH SƠN |
Con suối Nọi, tiếng Tày là Khuổi Nọi phát nguồn từ khu rừng nguyên sinh Tam Tấu thuộc xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn chảy theo hướng Tây Nam ra sông Trung, huyện Hữu Lũng, gặp sông Thương tại Na Hoa, huyện Hữu Lũng rồi về xuôi.
Tại đầu nguồn Khuổi Nọi có bãi đất bằng phẳng rộng vài ba héc ta, từ những năm cuối thập kỷ 30 thế kỷ trước đã có hai anh em tên là Lô và Liêu khai phá để làm ruộng nhưng do thú rừng phá hoại nhiều nên phải bỏ hoang. Vào đầu năm 1940 thế kỷ XX, Đội Du kích Bắc Sơn được thành lập ở Sa Khao, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương). Sau đó đại bộ phận Đội Du kích Bắc Sơn rút về đây và lấy nơi này làm căn cứ địa do vị trí này rất kín đáo, thuận tiện cho các hoạt động quân sự. Nơi đây, khi bình thường nhân dân dễ dàng tiếp tế, giúp đỡ cách mạng, nhưng khi có biến, anh em đội viên lại có thể mau chóng rút sang Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) và về xuôi.
Tại trung tâm huấn luyện Khuổi Nọi, khu ngoài chỉ cách đường quốc lộ 1B khoảng 3 km, cách đồn Quang Thái của địch khoảng 4 km. Khu ngoài là một bãi đất rộng chừng 1 héc ta, đây là nơi các đội viên du kích Bắc Sơn dựng lán trại để sinh hoạt và luyện tập quân sự. Khu trong tại đầu nguồn Khuổi Nọi, cách khu ngoài khoảng 1 km là trụ sở của Ban chỉ huy.
Vào tháng 2/1941, đoàn đại biểu gồm các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh… đi dự Hội nghị Trung ương Đảng ở Pác Bó (Cao Bằng) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập đã dừng chân ở Bắc Sơn một thời gian. Ở đây, các đồng chí trung ương đã họp với Ban Chỉ đạo Đội Du kích và anh em đội viên để nắm tình hình và chỉ thị những chủ trương, biện pháp công tác cần kíp.
Chính thời gian ở Khuổi Nọi, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã phổ biến cho toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Bắc Sơn quyết định của Trung ương, đổi tên Đội Du kích Bắc Sơn thành Cứu quốc quân. Ngày 14/2/1941, Trung đội Cứu quốc quân I làm lễ chính thức thành lập ở đầu nguồn Khuổi Nọi trong khu rừng Tam Tấu thuộc xã Vũ Lễ gồm 37 chiến sỹ, do đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm Trung đội trưởng, đồng chí Chu Văn Tấm làm Trung đội phó.
Trước khi lên đường đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập, đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương giao nhiệm vụ cho đồng chí Lương Văn Tri phải chú ý phát triển mạnh mẽ các tổ chức quần chúng và lực lượng tự vệ mở rộng địa bàn hoạt động của cứu quốc quân, chuẩn bị để đến ngày 1/5/1941, khi Trung ương trở về sẽ làm lễ ra mắt đội Cứu quốc quân trước đông đảo quần chúng cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ còn dặn thêm: nếu Trung ương chưa về thì đến ngày đó vẫn tổ chức lễ ra mắt Đội Cứu quốc quân.
Ngày 1/5/1941, theo kế hoạch đã định, nhằm phát huy khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân, Đảng bộ Bắc Sơn và các đồng chí lãnh đạo cứu quốc quân quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn nhân ngày Quốc tế Lao động. Đồng thời làm lễ ra mắt đội cứu quốc quân, cuộc mít tinh đã được tổ chức trọng thể ở Khuổi Nọi trong khu rừng Tam Tấu, xã Vũ Lễ, nơi cách đây gần 3 tháng đã chứng kiến ngày ra đời của đội Cứu quốc quân I. Cuộc mít tinh có đông đảo quần chúng cách mạng các dân tộc tới dự.
Đồng chí Lương Văn Tri, Chỉ huy trưởng cứu quốc quân đã phát biểu trước cuột mít tinh, tuyên bố thành lập đội Cứu quốc quân của Trung ương Đảng. Quần chúng cách mạng dự mít tinh hân hoan chào đón sự ra đời của lực lượng vũ trang nhân dân gồm con em các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao trưởng thành và chiến đấu ngay ở quê hương của mình. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tiền đồ tươi sáng của cứu quốc quân, quần chúng cách mạng Bắc Sơn – Võ Nhai và nhiều nơi khác đã gửi đến cho cứu quốc quân nhiều vật phẩm thắm tình quân dân ruột thịt. Đồng chí Lương Văn Tri thay mặt cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ cứu quốc quân hứa sẽ quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng mà Đảng và nhân dân giao phó.
Sau khi tổ chức thành công buổi lễ ra mắt Đội Cứu quốc quân, Đảng bộ Bắc Sơn và chỉ huy cứu quốc quân nhanh chóng bàn kế hoạch chuẩn bị đón tiếp và bảo vệ các đồng chí Trung ương đi dự Hội nghị Trung ương 8 trở về.
Do sự phản bội của tên Công, một thành viên họp Hội nghị Trung ương lần thứ 8 bằng con đường không khai về Hà Nội, đã cung cấp tin tức cho địch nên chúng biết được cuộc hành trình của đoàn Trung ương. Khi đoàn về đến Bình Gia đã thấy dấu hiệu của một cuộc khủng bố lớn, khắp các ngả đường từ Bình Gia vào Bắc Sơn đều thấy có lính dõng, mật thám đi tuần và canh gác.
Ngay từ đầu tháng 6/1941, Sở Mật thám Bắc Kỳ đã đưa một chi nhánh lên Đình Cả, châu Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên để đón đường các đồng chí Thường vụ Trung ương về xuôi. Sở Mật thám Bắc Kỳ còn chỉ thị cho các chi nhánh mật thám Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang tăng cường mạng lưới mật thám, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhau để chặn đường hòng bắt gọn các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng ta. Tên trùm mật thám tỉnh Lạng Sơn, Đăng Uých (Đonkwick) tức tốc lên Bắc Sơn đóng chốt ở xã Vũ Lễ để trực tiếp chỉ huy cuộc vây bắt này.
Tối 23/6/1941, đoàn Trung ương gồm các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên và một số cán bộ đi bảo vệ như: Chu Văn Tấn, Lương Như Ý, Mã Thành Kính, Bế Sơn Cương, Thành Lâm Sơn về tới Lân Pán ở lại nhà ông Dương Văn Vân, xã Hữu Vĩnh an toàn.
Ngày 25/7/1941, thực dân Pháp mở đầu cuộc khủng bố lớn vào căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai. Địch tập trung khoảng 10 trung đội, lính khố xanh có sự phối hợp của chi nhánh mật thám Đình Cả, Châu Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên dưới sự chỉ huy của những tên thực dân khét tiếng gian ác như Ba-rôn, Bút-kê, Bê-ra-đa… tiến công căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai từ ba hướng. Một hướng từ Bắc Giang, một hướng từ Thái Nguyên, một hướng từ Lạng Sơn tiến vào Bắc Sơn.
Ngoài ra, thực dân Pháp còn tăng cường lực lượng đàn áp, khủng bố tại chỗ. Đó là bọn lính dõng và mật thám ở các làng, xã. Với lực lượng như vậy, thực dân Pháp hy vọng sẽ làm gọn hai việc cùng trong một lúc, đó là lùng bắt các cán bộ lãnh đạo cơ quan đầu não của Đảng ta để làm tan rã phong trào cộng sản Đông Dương. Hai là tiêu diệt hoàn toàn cứu quốc quân và dập tắt phong trào cách mạng ở Bắc Sơn – Võ Nhai.
Trọng tâm cuộc khủng bố của địch lúc đầu là Bắc Sơn, sau đó chuyển xuống Võ Nhai, nhưng mục đích của chúng thì không thay đổi. Từ đây, cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng của nhân dân các dân tộc Bắc Sơn – Võ Nhai bước vào một thời kỳ vô cùng khó khăn. Cuộc đấu trí, đấu lực giữa ta và địch diễn ra quyết liệt hơn trước. Địch tiến tới đâu đóng đồn bốt tới đó, chia từng khu rừng, từng làng xã để càn quét. Chúng đi tới đâu bắt người, cướp của, đốt phá nhà cửa ruộng vườn của đồng bào tới đó để uy hiếp tinh thần nhân dân.
Thực dân pháp huy động một lực lượng lớn càn quét vào Vũ Lễ, nơi nhân dân đã đóng góp nhiều nhất cho sự hình thành và phát triển cơ quan huấn luyện Khuổi Nọi, chúng đã bắt phần lớn quần chúng nhân dân ở các thôn Nà Cái, Bản Ít, Kha Hạ. Đặc biệt là làng Khuôn Khát của đồng bào Dao bị triệt hạ hoàn toàn, 16 nóc nhà chỉ có một em bé trốn thoát. Đây là một tội ác tày trời của thực dân Pháp và bè lũ tai sai. Hành động dã man này của chúng càng khơi sâu thêm lòng căm thù bọn giặc cướp nước và càng thúc đẩy bà con các dân tộc Bắc Sơn siết chặt hàng ngũ dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng.
Vào thời gian địch khủng bố gắt gao, lực lượng giữa ta và địch còn rất chênh lệch. Từ đầu cuộc khủng bố cho đến lúc địch tấn công từ Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, có lúc địch đã dùng một lúc tới 4.000 tên, chúng lùng sục táo tợn hơn, không những trên con đường mòn mà còn thọc sâu vào trong rừng. Cơ quan Khuổi Nọi bị tấn công, nhiều cơ sở quần chúng bị vỡ, phạm vi hoạt động cứu quốc quân bị thu hẹp. Ban chỉ huy cứu quốc quân phải chuyển địa điểm đến hàng chục lần. Những đội tuần tiễu của giặc tăng nhiều hơn, các khe suối, các ngả đường đều được canh gác cẩn mật. Các truyền đơn của chúng tung ra nhan nhản, vừa dọa dẫm mua chuộc lấy đầu cán bộ chỉ huy, vừa dụ dỗ cứu quốc quân bỏ súng đầu hàng, các đơn vị lính khố đỏ, khố xanh mới được điều động tới thay thế lính địa phương.
Công tác binh vận của ta gặp nhiều khó khăn, vì có những toán lính thiểu số từ miền Trung mới tới, họ không hiểu tiếng Kinh, tiếng Tày, Nùng.
Âm mưu tách lìa dân ra khỏi cứu quốc quân là rất thâm độc, chúng dồn dân tập trung để chúng quản lý, ruộng đồng bị bỏ hoang, nhà cửa tan nát, đời sống nhân dân vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn, nơm nớp lo sợ bị tra tấn, bắn giết bất cứ lúc nào.
Các nguồn tiếp tế của nhân dân cho cứu quốc quân ngày càng khan hiếm, lương thực dự trữ của cứu quốc quân cạn dần nên phải vào rừng hái lượm các thứ có thể ăn được để độn cơm. Trước đây, nhân dân tiếp tế cho cứu quốc quân bằng nhiều cách như để lại thóc tại ruộng, tại mương, tại các cối nước; để muối, diêm, thức ăn như: cá mắm, mắm tôm, thuốc lào, giấy, bút, mực, thuốc chữa bệnh tại các hốc đá ven suối, gốc cây kể cả thư bí mật cũng bỏ vào hốc đá ven suối. Nhưng bây giờ ngày càng ít đi vì bị địch dồn dân tập trung để quản lý, ruộng nương bị bỏ hoang hóa, nhân dân cũng bị đói, đời sống vô cùng khó khăn.
Những lúc khó khăn như vậy, đồng bào các làng xung quanh Khuổi Nọi vẫn có những người mẹ, người chị lặn lội vào rừng trong đêm tối đưa thực phẩm tiếp tế cho cứu quốc quân. Thời kỳ đó, khu rừng Tam Tấu có nhiều thú dữ như: hổ, báo, gấu, lợn rừng, hươu, nai, cầy cáo, trăn, rắn khá nhiều. Tại cơ quan Khuổi Nọi, hầu như đêm nào cũng có tiếng thú dữ gầm rú. Đường vào Khuổi Nọi khi đó mùa khô thì lội suối, mùa mưa thì men theo bờ suối là chủ yếu. Các chiến sĩ cứu quốc quân và quần chúng cách mạng đi lại nhiều nhưng không để lại dấu vết. Các chiến sỹ cứu quốc quân cũng như tại nơi làm việc của Ban chỉ huy phải thường xuyên đề phòng với địch, khi màn đên buông xuống thì lại phải đề phòng chống thú dữ. Mãi đến tháng 6/1941, giặc Pháp mới dám mở cuộc càn quét, tiến công Khuổi Nọi nhưng chúng cũng chỉ tiến sát cách khu ngoài khoảng 1 km, chứ không dám lùng sục vào khu trung tâm.
Đèo Tam Canh – Ảnh: BT |
Đại tướng Hoàng Văn Thái kể về hai câu chuyện mà đại tướng không thể nào quên, tuy đã xảy ra từ những năm 1940-1941 cách ngày Đại tướng về thăm Bắc Sơn (8/1986) đã 45 năm.
Câu chuyện thứ nhất là vào một đêm đầu tháng 6 hay tháng 7/1941. Lúc đó trăng đầu tháng mới xuất hiện như cái liềm cắt lúa, các chiến sỹ canh gác ở khu ngoài của căn cứ Khuổi Nọi tức tốc chạy vào khu trong báo cáo Ban chỉ huy là có hai người phụ nữ dân tộc khiêng một bọc gì nặng lắm, hình như được quấn chiếc chiếu cũ và bọc bằng áo tơi lá cọ, hiện hay họ đang ngồi chờ ở vọng gác, chúng tôi hỏi họ không nói là cái gì mà cứ nằng nặc đòi gặp Ban chỉ huy. Đề nghị ban chỉ huy ra gặp họ, lúc đó tôi chỉ là cấp tiểu đội, phụ trách những bài giảng về chính trị và viết bài cho tạp chí Du kích và kiêm ấn loát, nhưng được các đồng chí chỉ huy phân công tôi ra tiếp họ. Đến nơi, tôi chào các chị, họ cười và nói lại bằng tiếng dân tộc mà tôi không nghe được hết, phải hỏi lại các đồng chí ở vọng gác phiên dịch lại là độ này anh em cứu quốc quân chắc là thiếu mỡ ăn nên dân làng thịt lợn đã làm sạch lông, nội tạng bỏ vào trong bụng con lợn gói bằng lá chuối, quấn chiếu cũ và bọc bằng áo tơi đề phòng khi đi đường gặp bọn gian tà thì nói là: “Con tao nó bị bệnh tả chết, sợ dân làng lây bệnh nên tao phải khiêng thi hài vào rừng sâu chôn cất”. Nói xong các chị gỡ các vật gói ngụy trang ra thì đó là một con lợn khoảng 45 kg đem biếu các chiến sỹ. Tôi cảm ơn và hỏi lại các chị ở làng nào, dân tộc nào họ trả lời là “bí mật”, cán bộ cứ biết chúng tôi là những người dân tộc ở các làng của xã Vũ Lễ này, nói xong, cả hai chị nhanh chóng ra về khi còn ánh trăng le lói xuyên tán cây rừng xuống lối mòn.
Câu chuyện thứ hai là sau đó ít ngày, có một chị phụ nữ chửa to lắm chống một cây gậy, khoảng 8-9 giờ đêm cũng đến vọng gác và yêu cầu gặp Ban chỉ huy, các đồng chí nói là Ban chỉ huy bận họp, có việc gì thì chị cứ nói với chúng tôi cũng được. Nhưng chị cứ ngồi ở vạt cỏ cạnh vọng gác và cứ nằng nặc đòi gặp Ban chỉ huy. Lần này các chiến sỹ ở khu ngoài chạy vào báo cáo Ban chỉ huy, lại một lần nữa Ban chỉ huy phân công tôi ra khu ngoài tiếp khách. Đến nơi, các đồng chí đang gác giới thiệu tôi là chỉ huy thì chị rất phấn khởi và nói mấy câu tiếng dân tộc mà các đồng chí chiến sỹ đang gác phiên dịch lại là: “Từ mấy tháng trước, tôi thường xuyên tiếp tế muối, diêm, thuốc lào… bằng cách giấu ở các gốc cây to, hốc đá bên bờ suối. Nhưng thời gian này sợ địch phục kích ở các điểm trước đây tôi đã để hàng nên bây giờ tôi phải đưa vào tận đây giao trực tiếp cho Ban chỉ huy. Nói xong chị bỏ trong áo ra gần một chục gói muối, mỗi gói khoảng 1 kg. Tôi cảm ơn và chưa kịp hỏi thêm thì chị đã rảo bước nhanh lẩn vào bóng đêm ra về. Lúc đó muốn mua muối ăn thì phải đi chợ Đình Cả hay muốn mua nhiều thì phải đi tận chợ thị xã Thái Nguyên cách Vũ Lễ 45 km. Còn ở chợ Đình Cả thì ít khi mua được nhiều gói như thế vì bọn mật thám xét hỏi, dò la, theo dõi nhiều lắm, địch còn treo giải thưởng ai lấy được đầu cộng sản thì được thưởng một tạ muối ăn. Tuy vậy, những người mẹ, người chị vùng phên dậu Khuổi Nọi thời “Máu thắm cây rừng” vẫn tìm mọi cách mua được muối, tiếp tế cho cứu quốc quân hạt muối lúc đó là rất quý.
Những hình ảnh của người mẹ, người chị Vũ Lễ ngày ấy tràn đầy lòng quả cảm, ai cũng khâm phục nên mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của tôi không thể nào quên.
———-
Ghi theo lời kể của Đại tướng Hoàng Văn Thái tháng 8/1986
*Đầu đề do Tòa soạn đặt
HOÀNG QUANG HIỂU
Ý kiến ()