Chiến dịch ngăn chặn dòng người di cư của hải quân EU không đạt hiệu quả
Các nghị sĩ Anh ngày 12/7 cho biết lực lượng hải quân của Liên minh châu Âu (EU) trên biển Địa Trung Hải, còn gọi là "Chiến dịch Sophia" đã thất bại trong việc ngăn chặn dòng người di cư tới châu Âu qua tuyến đường biển đầy nguy hiểm ngoài khơi Libya, và không nên tiếp tục hoạt động trong bối cảnh hiện nay.
Chiến dịch Sophia được triển khai vào năm 2015 nhằm chống lại hoạt động buôn người ở vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi Libya. Tuy nhiên, theo báo cáo mới được các nghị sĩ ủy ban chuyên trách các vấn đề EU thuộc Hạ viện Anh công bố, hiện nay lực lượng này không thể tới vùng biển Libya mà không có lời mời từ phía chính phủ, trong khi đó, Libya lại đang chìm trong bạo lực và bất ổn chính trị. Báo cáo nhấn mạnh chiến dịch quá tốn kém và không thể ngăn cản người di cư tới châu Âu qua tuyến đường chết chóc này.
Nghị sĩ phe bảo thủ Sandip Verma (San-đíp Véc-ma), Chủ tịch ủy ban trên, nêu rõ: “Hoạt động buôn người khởi nguồn từ bờ biển, do đó một sứ mệnh hải quân là công cụ sai lầm để có thể ngăn chặn các hoạt động nguy hiểm, vô nhân đạo và phi đạo đức này”. Theo nghị sĩ Verma, điều quan trọng là phải xem xét thực trạng nền kinh tế khó khăn tại những nước này, tìm hiểu vì sao người dân tại đây phải rời đi, cũng như có thể ngăn cản ý định thực hiện tuyến đường đầy nguy hiểm này như thế nào.
Cũng theo báo cáo, EU nên tiếp tục các hoạt động cứu trợ nhân đạo trên biển bằng tàu phi quân sự, nhưng sẽ không thể ngăn cản được hoạt động buôn người mà không có sự hợp tác của một chính phủ Libya ổn định.
Theo thống kê, kể từ thời điểm triển khai, lực lượng hải quân EU đã bắt giữ khoảng 110 kẻ buôn người, ngăn chặn 463 tàu thuyền chở người di cư và giải cứu hơn 38.000 người di cư trên tuyến đường biển Địa Trung Hải. Hồi tháng 11/2016, Chiến dịch Sophia cũng bắt đầu hoạt động huấn luyện lực lượng bảo vệ bờ biển Libya nhằm tăng cường an ninh vùng biển Libya và hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.
Libya hiện vẫn là điểm đầu mà người di cư thuộc khu vực châu Phi cận Sahara lựa chọn để tìm cách tới được châu Âu trên hành trình vượt biển bằng những con thuyền chật chội, cũ kỹ của những kẻ buôn người. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, từ đầu năm tới nay, khoảng 100.000 người di cư đã tới châu Âu trên những con thuyền như vậy. Tính đến ngày 6/7, gần 2.300 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích khi cố vượt qua tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới trên biển Địa Trung Hải./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()