Chiến dịch Hồ Chí Minh trong ký ức người lính Cụ Hồ
- Đã 50 năm trôi qua, nhưng khoảnh khắc cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập năm 1975 đã trở thành một phần ký ức đầy tự hào trong trái tim người lính Dương Thành Tuế.

Được sự giới thiệu của cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, chúng tôi có dịp được gặp và trò chuyện với Trung tá Dương Thành Tuế, sinh năm 1949, thôn Nội Hoà, xã Bắc Quỳnh - người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975. Khi được hỏi về những ngày chiến đấu quên mình để bảo vệ Tổ quốc, ông Tuế không khỏi bồi hồi...
Tháng 1/1966, ông Tuế xung phong lên đường nhập ngũ và đóng quân tại tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh). Sau hơn 5 tháng huấn luyện, ông cùng đồng đội hành quân hơn 3 tháng, băng rừng vượt núi để tiến vào mặt trận Khe Sanh (Quảng Trị). Tham gia một số trận đánh ở Khe Sanh, ông Tuế được lệnh hành quân đến Thừa Thiên Huế và tham gia Chiến dịch tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Tại đây, ông Tuế bị đạn bắn xuyên qua lòng bàn chân và phải trở lại miền Bắc để điều trị.
Ông hồi tưởng: Năm ấy, tôi là lính đặc công nên phải chui, luồn đánh và đánh chiến thuật trong lòng địch. Khi cố bám trụ lại khu vực của địch, tôi không may bị bắn xuyên lòng bàn chân nhưng không còn ai để nhờ hỗ trợ. Lúc này, do mất máu nhiều và kiệt sức nên tôi không thể phân biệt được phương hướng. Với đôi chân ướt đẫm máu, được băng bó tạm bợ từ mảnh áo, tôi lê bàn chân bị thương nặng đi theo tiếng súng, tiếng pháo nổ để tìm đồng đội nhờ trợ giúp. Ròng rã 2 ngày, 2 đêm, đuối sức nên tôi lịm đi bên bờ suối. Rất may sau đó tôi được lực lượng đang trên đường đi tiếp tế đạn cho quân ta phát hiện và đưa về điều trị tại bệnh viện 68 của Lào.
Điều trị tại viện 68 của Lào được 1 tháng, ông Tuế được đưa về miền Bắc để tiếp tục dưỡng thương. Tại đây, ông được lãnh đạo động viên nên phục viên xuất ngũ. Song, những ngày chiến đấu trực tiếp với quân giặc, chứng kiến đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống, ông quyết tâm quay lại chiến trường để tiếp tục chiến đấu vì Tổ quốc.
Tháng 1/1970, ông Tuế quay lại miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lúc này ông là lính bộ binh thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 148, Sư đoàn bộ binh 316. Ngày 10/3/1975, ông Tuế tham gia trận đánh vào Buôn Mê Thuột, đây là trận mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên và đã tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Thời điểm này, ông Tuế là Tiểu đoàn phó của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148.
Nhớ về hình ảnh những đồng đội hy sinh, ông Tuế rưng rưng: Tiểu đoàn khi đó có 4 đại đội, mỗi đại đội có khoảng 150 đồng chí, ấy thế mà sau trận đánh ở Buôn Mê Thuột, đồng đội hy sinh hơn một nửa, kết thúc Chiến dịch Tây Nguyên, mỗi đại đội chỉ còn khoảng 40 đến 50 đồng chí.
Sau khi giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, ngày 24/3, đơn vị ông Tuế chuyển về Đông Nam Bộ, đến ngày 26/4 thì nhận lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông cùng đồng đội đánh bại cuộc phản kích lớn của địch ở phía Nam chi khu Trảng Bàng. Ngày 29/4, ông tham gia tiến đánh vào căn cứ Đồng Dù.
Trưa ngày 30/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, khoảnh khắc chứng kiến cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập là ký ức vô cùng tự hào đối với ông Tuế mỗi khi nhắc lại. Ông kể: Tôi không thể nào quên được thời khắc lịch sử ấy, khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, quân ta giành thắng lợi hoàn toàn, tất cả chúng tôi đều vỡ oà trong hạnh phúc. Quân và dân ai nấy đều vui mừng khôn siết, ôm chầm lấy nhau nhảy múa. Trưa hôm đó, đường phố Sài Gòn rợp đỏ cờ hoa, biển người hò reo ăn mừng chiến thắng.
Sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Tuế được cử đi xây dựng địa phương 2 năm tại huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương). Tháng 2/1979, ông tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và bị thương gãy cánh tay. Sau khi điều trị vết thương, ông tiếp tục công tác trong quân đội và đến năm 1989 thì phục viên.
Anh dũng tham gia chiến đấu, ông Tuế nhận được nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Giải phóng hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Xala lượt của Lào.
Trở về cuộc sống đời thường với nhiều vết thương trên cơ thể, là thương binh 4/4, tỷ lệ thương tật 38%, nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia giữ các chức vụ như: Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, Trưởng Công an xã Bắc Sơn (nay là xã Bắc Quỳnh); Bí thư Chi bộ thôn Mỏ Hao (nay là thôn Nội Hoà); hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn. Dù ở cương vị nào ông Tuế cũng luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần sáng tạo trên mặt trận mới.
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, khó có thể phác họa hết hành trình chiến đấu đầy gian khó và sự hy sinh to lớn của những người lính trực tiếp cầm súng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” như ông Tuế. Ở thời bình, ông Tuế lại tiếp tục trở thành tấm gương sáng về ý chí, nghị lực cho lớp lớp thế hệ học tập, noi theo. Ông Tuế hy vọng thế hệ đi sau luôn giữ mãi hào khí dân tộc, ghi nhớ những trang sử hào hùng của đất nước và thế hệ đi trước để ra sức học tập, thi đua, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Tổ quốc ngày càng đổi mới, vươn mình lớn mạnh.
Ý kiến ()