Chiến dịch Biên giới năm 1950 - những khoảnh khắc lịch sử hào hùng
LSO- Trong hai năm 1993-1994, chúng tôi vinh dự được gặp một số tướng lĩnh trong quân đội đã từng tham gia chiến dịch giải phóng biên giới năm 1950 để xin ý kiến về những khoảnh khắc lịch sử ở giai đoạn cuối chiến dịch tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Những ý kiến quý báu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân, Thiếu tướng Cao Pha, Trung tướng Phạm Hồng Sơn… đã giúp chúng tôi hiểu rõ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ và Bộ Chỉ huy chiến dịch, dù cuộc chiến đấu gay go quyết liệt đến đâu khi chúng ta biết kết hợp chặt chẽ giữa việc vận dụng sáng tạo chiến thuật quân sự với sức mạnh của đồng bào các dân tộc Việt Bắc và quân dân biên giới nhất định giành được thắng lợi vẻ vang.
Chiến dịch giải phóng biên giới (Việt – Trung) năm 1950 diễn ra 9 ngày đêm chiến đấu anh dũng. Mở đầu là cuộc chiến đấu ác liệt trong trận mở màn có tính đột phá đánh đồn Đông Khê ngày và đêm 17/9 đến sáng 18/9/1950. Bộ đội ta đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm quan trọng tại địa bàn trọng yếu trên đường số 4, cách Thất Khê 25 cây số. Chiến thắng mở màn này khẳng định chủ trương đúng đắn của Bác Hồ và Bộ chỉ huy chiến dịch là không đánh mở màn vào thị xã Cao Bằng – nơi lực lượng của địch tập trung mạnh. Bộ chỉ huy nhận định, địch bị thất thủ ở mặt trận Đông Khê, ta có khả năng điều động được lực lượng của binh đoàn Sắc – tông buộc phải rời khỏi Cao Bằng theo đường 4, hòng thực hiện âm mưu có cơ hội gặp cánh quân cứu viện thuộc binh đoàn Lơ – pa – giơ từ Lạng Sơn lên giải nguy, sau đó cùng rút về tập trung tại Thất Khê, mở đường cùng tháo chạy về thị xã Lạng Sơn.
Đúng như nhận định, binh đoàn Sắc – tông rút khỏi Cao Bằng về cách Đông Khê khoảng 24 cây số, chúng bỏ lại hết xe pháo hạng nặng, cho quân lính chạy tán loạn theo đường rừng. Trong lúc binh đoàn Lơ – pa – giơ từ Lạng Sơn lên, được quân nhảy dù xuống cánh đồng Thất Khê giúp sức – chúng định chiếm lại Đông Khê, trước tiên gặp binh đoàn Sắc – tông tại cây số 22, cách Đông Khê khoảng 3 cây số. Ý đồ mạo hiểm đó bị quân ta chủ động đánh mạnh, bao vây, chia cắt nên chúng không thể thực hiện được.
Lợi dụng quân địch xa lạ với địa bàn rừng núi hiểm trở ở Đông Khê, Bông Lau, Lũng Phầy, chỉ huy các đơn vị đánh địch ngoài công sự và kiên trì chờ đợi cánh quân của binh đoàn Lơ – pa – giơ từ Lạng Sơn lên, đồng thời tập trung lực lượng triển khai kế hoạch tác chiến mạnh mẽ với quyết tâm tiêu diệt binh đoàn Sắc – tông, phải bắt được 2 tên quan Sắc – tông và Lơ – pa – giơ.
Đêm 5/10/1950, bộ đội ta gặp địch, triển khai thực hiện lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch vừa tiến hành bao vây chia cắt, tấn công; vừa đánh, vừa làm binh vận gọi hàng, quyết không để 2 binh đoàn của địch nối được với nhau, nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lệnh cho các đơn vị bắt sống bằng được 2 tên Lơ – pa – giơ và Sắc – tông, không được bắn chết!”. Với tài chỉ huy thông minh, sáng tạo, chiến đấu kiên cường kết hợp với công tác dân vận, tập hợp được mọi lực lượng trong nhân dân các dân tộc vùng biên giới Việt – Trung. Vào lúc 18 giờ ngày 7/10/1950, bộ đội ta đã bắt được Sắc – tông cùng toàn bộ tham mưu của binh đoàn ở địa bàn xã Chí Minh (huyện Tràng Định); ngay chiều hôm sau, vào lúc 16 giờ ngày 8/10/1950, bộ đội ta lại bắt được tên quan năm La – pa – giơ cùng cơ quan tham mưu của chúng ở Nà Cạo, xã Chí Minh huyện Tràng Định, giáp ranh với xã Trọng Con, tỉnh Cao Bằng. Lúc này, các binh đoàn của địch như “rắn mất đầu”, hoang mang, mất sức chiến đấu chống lại lực lượng của ta.
Những ngày tiếp theo từ mồng 8, 9 và 10/10/1950 vào thời khắc sắp kết thúc chiến dịch, Bộ chỉ huy nhận định, tinh thần quân địch hoang mang trước thất bại vừa qua, chúng chạy trốn vào các khu rừng, thung lũng không có nhà dân để cướp bóc, không có lương ăn, nước uống, thiếu thuốc chữa bệnh, chắc chắn chúng rất đói khát, chỉ cầu mong có cơ hội đầu hàng để được sống trở về với gia đình, vợ con. Các chiến sỹ ta ở các đơn vị, gồm cả lực lượng hậu cần, anh nuôi (cấp dưỡng nấu cơm) đã nắm nhiều cơm nắm chỉ bằng nắm tay, phân công nhau với sự chỉ đường của nhân dân địa phương vào các khu rừng có khả năng có địch chạy trốn, dùng nắm cơm giơ cao gọi hàng. Kết quả “tay không bắt giặc” đã cứu được nhiều tù binh, những người con của nhân dân lao động nước Pháp bị bắt ép vào đội quân viễn chinh đi xâm lược thực hiện điều phi nghĩa xâm phạm quyền độc lập tự do của Việt Nam.
Ngày 10/10/1950, địch bỏ chạy khỏi Thất Khê theo đường số 4 về Lạng Sơn. Trên đường rút chạy, chúng đã bị quân dân ta truy kích, chặn đánh gây cho địch nhiều thiệt hại ở Bản Trại, Bản Nằm, Bó Củng, Lũng Vài… Ngày 17/10/1950, địch tháo chạy theo đường 4B sang Tiên Yên (Quảng Ninh). Lạng Sơn hoàn toàn được giải phóng. Ngày nay, các thế hệ nhân dân các dân tộc Cao – Bắc – Lạng nói chung, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn nói riêng mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của Bác Hồ – người cha thân yêu, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước ta; năm ấy, dù đã ở tuổi 60, lần đầu tiên Người cũng ra trận cùng Bộ chỉ huy chiến dịch lãnh đạo trực tiếp bộ đội và quân dân ta anh dũng chiến đấu giành thắng lợi vẻ vang, giải phóng một vùng biên giới rộng lớn, mở cửa thông thương giữa nước ta với các nước XHCN anh em, kịp thời tranh thủ sự giúp đỡ để tiếp tục viết nên trang sử huy hoàng sau này.
ĐINH ÍCH TOÀN
Ý kiến ()