Chiến công trên mặt trận mới của người lính quân hàm xanh
Năm 1999, Tỉnh ủy Hà Giang, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về xã, thị trấn biên giới công tác. Được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm bám nắm địa bàn, nhất là công tác vận động quần chúng, nên đội ngũ cán bộ xã mang quân hàm xanh nhanh chóng bắt nhịp, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện hiệu quả công tác an ninh quốc phòng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.
Giữ bình yên biên giới
Nhiều năm trước, hệ thống chính trị tại các xã vùng biên ở Hà Giang yếu do đội ngũ cán bộ thiếu, trình độ không đồng đều, dẫn đến việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn, an ninh trật tự phức tạp, nổi lên là tình trạng mua bán phụ nữ, bắt cóc trẻ em, trộm cắp tài sản, tuyên truyền đạo trái pháp luật.
Từ thực tế đó, Tỉnh ủy Hà Giang, BĐBP tỉnh thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về công tác tại các xã biên giới với thời hạn ba năm (từ năm 1999 đến 2001).
Đến 2006, chủ trương trên tiếp tục được thực hiện bài bản, toàn diện hơn. 34 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được xét chọn bảo đảm đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực tham mưu, kỹ năng tuyên truyền, vận động được tăng cường về các xã, thị trấn biên giới. Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện tiếp nhận và chỉ định cán bộ biên phòng tăng cường giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách công tác an ninh – quốc phòng.
BĐBP tỉnh Hà Giang phối hợp các huyện thường xuyên nắm bắt, quản lý, đánh giá từng cán bộ tăng cường để kịp thời thay thế, điều chuyển những đồng chí năng lực yếu, thiếu nghiêm túc, hiệu quả công tác thấp.
“Đánh giá hằng năm, 100% cán bộ biên phòng tăng cường đều phát huy được năng lực chuyên môn trong công tác an ninh – quốc phòng và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở trên nhiều lĩnh vực. Từ năm 2006 đến nay đã chuyển đổi ba và thay thế tám đồng chí tăng cường, nhưng các trường hợp này được chuyển đổi, thay thế là do yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị”, Đại tá Lưu Đức Hùng, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Hà Giang cho biết.
Năm 2011, Đại úy Thào Mý Vư, cán bộ Phòng Trinh sát, BĐBP tỉnh Hà Giang đi tăng cường giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân (Vị Xuyên). Khi đó, đây là địa bàn “nóng” về tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Cấp ủy, chính quyền xã biết, nhưng do nội bộ “lục đục” cho nên không có tiếng nói chung trong việc phối hợp cơ quan chức năng giải quyết. Về cơ sở, Đại úy Vư tham mưu giúp Ban Thường vụ
Huyện ủy Vị Xuyên củng cố, sắp xếp, luân chuyển đội ngũ cán bộ, nhằm tăng cường đoàn kết nội bộ, phát huy năng lực, sở trường của từng cá nhân trong đội ngũ cán bộ xã. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có việc ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ nghiến khu vực rừng đặc dụng Phong Quang.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Tân Lệnh Hồng Sơn chia sẻ: “Đồng chí Vư có phong cách gần gũi, lại có kinh nghiệm vận động quần chúng nên rất thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân. Vư nói là bà con ở các thôn giáp biên tin và làm theo, chăm chỉ làm ăn, không nghe lời kẻ xấu phá rừng. Với những đối tượng ngoan cố, đồng chí Vư trực tiếp tham gia cùng lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để truy bắt”. Thành tích mới nhất được ghi nhận vào cuối tháng 5 vừa qua, sau một thời gian bám nắm địa bàn, mật phục, Đại úy Vư sử dụng ca-mê-ra quay lại toàn bộ hành vi khai thác lâm sản trái phép tại thôn Thượng Lâm, rồi gửi Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang. Trước chứng cứ rõ ràng, bốn “lâm tặc” đã khai nhận toàn bộ hành vi khai thác gỗ nghiến cắt khúc dạng thớt, rồi đem bán lấy tiền, các đối tượng phải chịu hình phạt thích đáng theo quy định của pháp luật.
Xã Minh Tân giờ không còn là điểm nóng phá rừng như ba năm trước, kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của cá nhân đồng chí Thào Mý Vư. Năm 2011, khối lượng gỗ nghiến trên địa bàn bị chặt phá lên tới gần 150 m ,đến năm 2014 chỉ còn hơn 10 m .Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tăng cường cán bộ biên phòng về công tác tại các xã, thị trấn biên giới ở tỉnh Hà Giang là chủ trương đúng, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, tình hình ở khu vực biên giới. Bởi không chỉ hoàn thành nhiệm vụ phụ trách công tác an ninh, quốc phòng, mà những cán bộ xã mang quân hàm xanh còn là nhịp cầu kết nối tình quân dân, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ biên phòng trong lòng dân.
Đại tá Nông Thế Hanh, Chủ nhiệm Chính trị, BĐBP Hà Giang nói: “Có cán bộ biên phòng ăn, ở và công tác cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp cho đồn biên phòng nắm rõ tình hình địa bàn hơn. Ngược lại, cấp ủy, chính quyền cơ sở được tham mưu, đề xuất kịp thời các giải pháp thực hiện công tác xây dựng thế trận biên phòng toàn dân”.
Mô hình chăn nuôi tại thôn B2, xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Xây dựng xã vùng biên phát triển toàn diện
Xã Phú Lũng được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện vùng cao Yên Minh. Là xã giáp biên đặc biệt khó khăn, để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM cần đội ngũ cán bộ xã có trình độ chuyên môn vững, kỹ năng vận động quần chúng tốt. Trung tá Nguyễn Đình Dy, cán bộ biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Thắng Mố (Yên Minh) là người sinh ra và trưởng thành ngay tại địa phương, lại đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nên được Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Minh tin tưởng, luân chuyển giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Phú Lũng từ năm 2009. Đây là cán bộ biên phòng đầu tiên được giao trọng trách đứng đầu cấp ủy, đến cuối năm 2014, do yêu cầu công tác cán bộ, Trung tá Nguyễn Đình Dy luân chuyển giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Phú Lũng.
Những ngày đầu triển khai xây dựng NTM, với vai trò là người đứng đầu cấp ủy, đồng chí Nguyễn Đình Dy chủ động bàn bạc, thảo luận với tập thể lãnh đạo xã, ban hành giải pháp thực hiện công tác xây dựng NTM với phương châm “việc dễ làm trước, việc khó làm sau”. “Xác định bà con có ổn định cuộc sống mới yên tâm thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, do đó, cá nhân tôi đã đề xuất, việc đầu tiên là xóa nhà tạm giúp dân. Bằng việc huy động nhiều nguồn lực, cộng với sự ủng hộ của nhân dân, từ năm 2010 đến nay, xã làm được 130 nhà kiên cố cho nhân dân. Trên địa bàn nay không còn hộ ở nhà tạm nữa”, Chủ tịch UBND xã Phú Lũng Nguyễn Đình Dy cho biết. Khi nói về cán bộ biên phòng tăng cường, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lũng Nguyễn Cao Cường cho biết: “Dù ở cương vị nào, đồng chí Dy vẫn phát huy được truyền thống của người chiến sĩ biên phòng, gần dân, hiểu dân, phát huy năng lực chuyên môn trong công tác điều hành phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nên Phú Lũng đạt 10 trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM, đang phấn đấu hoàn thành 100% tiêu chí trong năm 2016”.
Không riêng ở Phú Lũng, đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường ở hầu hết các xã biên giới ngoài nhiệm vụ chính được giao là phụ trách công tác an ninh – quốc phòng luôn là “trung tâm” trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Việc lớn, việc nhỏ đều do anh em biên phòng tham mưu và trực tiếp thực hiện giúp xã, từ công tác xây dựng đảng cho đến việc xây dựng chương trình, hành động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các địa phương rất tin tưởng cán bộ biên phòng trong việc tham mưu về công tác đào tạo, lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. 15 năm qua, cán bộ biên phòng đã tham mưu bồi dưỡng, tạo nguồn được hơn 3.000 đảng viên mới, 100% thôn giáp biên có chi bộ, tham mưu cho địa phương phát hiện, bồi dưỡng gần 200 cán bộ cơ sở. 34 xã, thị trấn giáp biên có 34 đảng bộ, 521 chi bộ và hơn 5.000 đảng viên. Qua phân loại hằng năm, 100% đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể hoạt động có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Trung Tài khẳng định: “Những năm trước, khi đội ngũ cán bộ ở các xã biên giới còn yếu, cán bộ biên phòng thật sự là nhân tố quan trọng xây dựng các xã biên giới vững mạnh toàn diện, cả về hệ thống chính trị và phát triển kinh tế.
Nay, đội ngũ cán bộ cấp xã được nâng lên, nhưng vai trò của chiến sĩ biên phòng vẫn quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân”.
Từ chủ trương đưa cán bộ biên phòng về xã, thị trấn biên giới công tác, Tỉnh ủy Hà Giang, Đảng ủy BĐBP tỉnh thực hiện chủ trương chuyển sinh hoạt Đảng đối với 145 đảng viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại các đồn biên phòng về sinh hoạt tại chi bộ ở một số thôn trọng điểm trên tuyến biên giới nhằm giúp tổ chức Đảng ở cơ sở mạnh để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng…
100% xã, thị trấn biên giới ở Hà Giang được đánh giá thực hiện tốt phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và an ninh xóm, bản khu vực biên giới. 100% xóm, bản giáp biên tổ chức cho các hộ gia đình thực hiện hoạt động tự quản, toàn tuyến biên giới hiện có hơn 1.000 hộ gia đình đăng ký tham gia. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, số vụ vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới giảm đáng kể, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()