Sau một năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, đã tạo thuận lợi cho sản xuất trong nước, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát triển và nâng cao sức cạnh tranh.
Cuộc vận động cũng ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong việc dùng hàng Việt Nam của người tiêu dùng trong nước.
Mở rộng thị phần
Giám đốc đối ngoại Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) Bùi Thị Hương cho biết, nhờ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ trọng thị phần các sản phẩm sữa của Vinamilk tại thị trường trong nước đã tăng lên đáng kể. Chẳng hạn, thị phần sản phẩm sữa bột Vinamilk đã tăng từ 10% lên 15% về giá trị và tăng từ 15% lên 25% về sản lượng. Tâm lý “sính hàng ngoại” của người tiêu dùng trong nước chính là một trong những khó khăn khiến Vinamilk cũng như nhiều DN khác khó có thể chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, nhờ cuộc vận động này mà không ít người tiêu dùng đã thay đổi nhận thức, quay trở lại sử dụng sản phẩm sữa trong nước. Hưởng ứng cuộc vận động, Vinamilk cũng nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đa dạng hóa nhiều loại sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam về chất lượng các sản phẩm sữa trong nước cũng tương đương các sản phẩm ngoại nhập.
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo Lương Vạn Vinh, cuộc vận động đã tạo cơ hội để các DN trong nước chứng tỏ chất lượng, uy tín thương hiệu của sản phẩm. Hàng chục loại sản phẩm, với các nhãn hiệu khác nhau của Mỹ Hảo như dầu gội Tulip, bồ kết Mỹ Hảo; xà phòng tắm Cỏ May, Lyli, Hoa lài; nước tẩy Javen; nước rửa bát Mỹ Hảo… đã dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước. Mặc dù chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại do các công ty nước ngoài tại Việt Nam sản xuất như Unilever, Kao, LG… và các sản phẩm nhập khẩu, nhưng bằng việc mở rộng hệ thống phân phối xuống tận vùng sâu, vùng xa, sản phẩm của Mỹ Hảo vẫn trụ vững trên thị trường, đặc biệt là tại thị trường nông thôn khi được nhiều bà con nông dân đón nhận nồng nhiệt. Tổng giám đốc Lương Vạn Vinh nhấn mạnh, cuộc vận động đã khuyến khích các DN tích cực cải tiến hơn nữa mẫu mã, chủng loại hàng hóa, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu của người tiêu dùng.
Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng
Không chỉ tác động tích cực tới các DN, cuộc vận động cũng góp phần giúp người tiêu dùng quan tâm hơn tới hàng trong nước. Chị Phạm Thúy Hằng (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết, mới đây chị mới nhận ra các thành phần sữa ghi trên bao bì các sản phẩm sữa bột Vinamilk cũng tương đương với các loại sữa bột nhập ngoại có thương hiệu, trong khi đó giá chỉ bằng một phần ba. Một hộp sữa Dialac Anpha 900g giá 140 nghìn đồng/hộp, còn sữa bột nhập ngoại giá từ hơn 300 đến 400 nghìn đồng/hộp. Hàng Việt Nam có chất lượng tương đương nhưng giá lại cạnh tranh hơn sản phẩm nhập ngoại thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ lựa chọn hàng Việt Nam.
Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ và Thương mại Hải Long là một trong những DN chuyên kinh doanh siêu thị tại tỉnh Bình Dương. Đến nay, DN này có sáu siêu thị đang hoạt động trên địa bàn tỉnh này, trong đó 90% số hàng hóa tại siêu thị là hàng sản xuất trong nước. Giám đốc DN Huỳnh Thị Thanh Xuân nhận xét, tại các hệ thống siêu thị của công ty, hàng nhập ngoại không được người tiêu dùng trong nước ưa thích vì giá quá cao. Khách mua hàng của siêu thị chủ yếu là công nhân các khu công nghiệp nên họ chọn mua hàng trong nước sản xuất do giá cả cạnh tranh, mẫu mã lại đa dạng. Có nhiều DN muốn đưa hàng nhập ngoại vào tiêu thụ tại siêu thị nhưng sau một thời gian phải rút lui vì không tiêu thụ được. Doanh số bán hàng bình quân của một siêu thị đạt khoảng 7 đến 8 tỷ đồng/tháng, trong đó chủ yếu từ hàng hóa trong nước.
Rõ ràng, bằng chất lượng sản phẩm, uy tín của thương hiệu, hàng Việt Nam đang dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, theo Giám đốc Huỳnh Thị Thanh Xuân, để người tiêu dùng gắn bó với hàng Việt Nam thì quan trọng nhất chính là chất lượng sản phẩm. DN phải luôn bảo đảm chất lượng sản phẩm bởi hiện nay, người tiêu dùng thường rất nhạy cảm với các thông tin xấu, chỉ cần một thông tin bất lợi về sản phẩm, lập tức người tiêu dùng có thể tẩy chay sản phẩm đó. Giám đốc Huỳnh Thị Thanh Xuân dẫn chứng, tại đây, công nhân, nông dân có rất ít thời gian để tiếp cận các phương tiện truyền thông cho nên, cho dù DN giải thích thế nào về chất lượng sản phẩm thì chưa chắc đã đến với người tiêu dùng. Vì vậy, yêu cầu hàng đầu đối với các DN trong nước là phải duy trì ổn định chất lượng sản phẩm.
Giám đốc đối ngoại của Vinamilk Bùi Thị Hương cho rằng, để người tiêu dùng trong nước biết và chọn mua hàng Việt Nam thì DN phải làm tốt công tác thông tin, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan như các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần đẩy mạnh thông tin, hướng dẫn, tư vấn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, chẳng hạn như trước khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng cần có thói quen đọc kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm, so sánh với các sản phẩm cùng loại… Làm như vậy, người tiêu dùng có thể nhận biết rõ chất lượng sản phẩm.
Ý kiến ()