Chia sẻ những bí kíp ‘bắt mạch’ xe cộ cho tài xế khi trời trở lạnh
Thời tiết lạnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người mà cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ôtô, xe máy “hắt hơi sổ mũi” và gặp nhiều sự cố trong quá trình tham gia giao thông.
Thời tiết chuyển lạnh và nền nhiệt độ thấp là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến các chi tiết máy và thành phần cấu tạo của ôtô và xe máy, khiến các hoạt động của xe không còn trơn tru và chính xác khi sử dụng như trong những ngày thường.
Vì vậy, việc trang bị những kiến thức khi sử dụng ôtô, xe máy vào trời lạnh có thể giúp người tham gia giao thông dễ dàng “hóa giải” những sự cố thường gặp phải khi trời lạnh, đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình khi di chuyển trên đường.
Khó khởi động, tiếng nổ không đều
Đây là sự cố thường gặp nhất khi sử dụng xe vào trời lạnh, cả với ôtô và xe máy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố này, như: Xăng bốc hơi ít hơn khi thời tiết lạnh nên khó kích nổ buồng đốt của xe; dầu máy trong bình chứa bị đông đặc, kết tủa trên bề mặt khiến việc lọc dầu của xe bị bịt kín, gây cản trở cho việc truyền dẫn nhiên liệu vào buồng đốt; ắc-quy yếu, hết hoặc không đủ điện để kích hoạt động cơ, khiến xe khó nổ máy…
Để khắc phục sự cố này, anh Châu Văn Viên, chủ garage sửa chữa ôtô địa chỉ số 8/156 Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Khi bắt đầu nổ máy, người sử dụng xe nên tắt hết các thiết bị gây tiêu hao nhiên liệu như quạt gió, điều hòa, radio hay đèn… tiếp đến mới mở khóa điện và đợi đến khi đèn báo sấy tắt. Người điều khiển xe có thể lặp lại thao tác này khoảng 5-6 lần trước khi đề khởi động xe. Ngoài ra, người lái cũng không nên đạp ga ngay mà hãy để xe nổ máy một lúc trước khi khởi hành.”
Một số phương pháp thủ công mà người điều khiển xe có thể áp dụng là dùng quạt sưởi hoặc dội từ từ nước sôi vào khu vực bầu lọc nhiên liệu để đẩy nhiệt độ của nhiên liệu lên cao, giúp việc lưu thông dễ dàng hơn; hoặc đốt lửa trực tiếp ở đáy các-te (hộp trục khuỷu) để giúp cho dầu nhớt bôi trơn động cơ bớt đông đặc… “Tuy nhiên người điều khiển xe cũng nên cân nhắc trước khi thực hiện việc đốt lửa, do đây là phương pháp khá nguy hiểm,” anh Viên cho biết.
Mờ kính ôtô
Đây là sự cố xảy ra khi có sự chênh lệch giữa nhiệt độ bên trong và bên ngoài xe, thường gặp phải khi xe chạy dưới trời mưa hoặc những khu vực thời tiết lạnh, độ ẩm cao…, khiến hơi ẩm ngưng tụ trên bề mặt kính. Kính bị mờ sẽ gây cản trở tầm nhìn, ảnh hưởng đến khả năng quan sát của người lái.
Bật sấy kính là một trong những phương pháp để khắc phục sự cố này. Anh Trung, chủ garage Trang Béo Auto địa chỉ số 10 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, đa phần các dòng xe ôtô đều được trang bị tính năng sấy kính thông qua nút bấm thường được tích hợp trên bảng điều khiển trung tâm. Ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài không đến mức đóng băng, cửa kính vẫn có thể bị mờ do tình trạng thời tiết ẩm ướt. Bởi vậy khi kích hoạt tính năng này, kính lái sẽ được làm khô giúp việc lái xe của người điều khiển trở nên an toàn hơn.”
Một số phương pháp “không tốn xăng” có thể áp dụng là hạ cửa kính xuống khoảng 10-15cm để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài xe (chỉ nên áp dụng với trường hợp thời tiết ít mưa và không quá lạnh để tránh ảnh hưởng tới nội thất xe); bật quạt gió và để chế độ lấy gió ngoài (hiệu quả không cao)…
Xe bị ”giật cục” khi vừa vận hành
Đây là sự cố khá phổ biến ở xe máy, đặc biệt là với các dòng xe số. Anh Văn Vinh, nhân viên cửa hàng bảo dưỡng Honda Hồng Hạnh số 252 phố Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) giải thích: “Nhiệt độ xuống thấp có thể làm giảm khả năng bôi trơn của dầu nhớt, khiến nhiệt độ buồng đốt khó đạt được độ nóng cần thiết. Đây cũng là thời điểm độ hao mòn động cơ ở mức cao. Vì vậy, người lái nên cho xe vận hành ở chế độ nổ máy không tải khoảng từ 1-2 phút để động cơ và dầu máy đạt được nhiệt độ cần thiết.”
Tay phanh cứng và lạnh
Không khí lạnh có thể làm khô dầu tay ga, tay phanh… khiến cho việc sử dụng trở nên khó khăn hơn, gây ra mất sự mất an toàn khi vận hành phương tiện.
Để xử lý hiện tượng này, anh Tuấn, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy địa chỉ 24 Hàm Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết người lái không nên để dây phanh quá căng, bởi lúc này các ngón tay khi nhiễm không khí lạnh sẽ bị “cóng” và mất đi cảm giác phanh. “Ngoài ra, việc để dây phanh quá căng có thể khiến tình trạng phanh gấp dễ xảy ra, gây mất an toàn khi lái xe,” anh Tuấn chia sẻ.
Người điều khiển xe có thể tự thực hiện căn chỉnh dây phanh với thao tác nới lỏng ốc giữ chốt phanh. Với loại phanh sử dụng dầu ép thủy lực (phanh dầu), người lái nên đưa xe đến các cửa hàng sửa chữa để đặt lại nấc bơm dầu. Ngoài ra, người sử dụng nên bảo dưỡng và tra dầu mỡ toàn bộ xe đều đặn: xúc rửa và tra dầu mỡ khi thấy hiện tượng dây phanh và dây ga nặng hoặc kẹt; thay thế nếu má phanh đã cũ hoặc bị mòn, cong vênh…/.
Ý kiến ()