Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai các dự án cao tốc
Lãnh đạo Sở GTVT Lạng Sơn và các sở, ngành liên quan tham dự tại điểm cầu Lạng Sơn
– Ngày 1/6, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các chủ đầu tư, các địa phương đang triển khai các dự án đường bộ cao tốc để trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức triển khai các dự án đường bộ cao tốc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án trong thời gian tới.
Tham dự tại điểm cầu Lạng Sơn có đại diện lãnh đạo Sở GTVT, các sở, ban ngành chức năng và UBND các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định và thành phố Lạng Sơn.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, từ năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc và đã hoàn thành đưa vào khai thác thêm 566 km, nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729 km. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, trong 3 năm tới, phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300 km đường cao tốc.
Để đạt được mục tiêu đó, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của 6 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.300 km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng. Trong đó, giao cho các địa phương thực hiện khoảng 500 km đường cao tốc.
Ngoài ra, Bộ GTVT và các địa phương cũng đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700 km đường cao tốc, trong đó địa phương thực hiện khoảng 400 km. Đồng thời, bộ đang thu xếp nguồn vốn để sau 2025 triển khai khoảng 900 km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 750 km.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, UBND các tỉnh đang thực hiện các dự án đường bộ cao tốc đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về triển khai các dự án đường bộ cao tốc.
Cụ thể như: kinh nghiệm trong việc lập dự án, trình phê duyệt, công tác khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, thi công xây lắp, quản lý chất lượng tiến độ…
Đặc biệt, các chủ đầu tư, UBND các tỉnh đã thông tin chia sẻ cách làm trong việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đối với công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lúa, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý dự án, quản lý thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về cơ chế phối hợp liên tỉnh trong thực hiện giải phóng mặt bằng cùng một dự án; tháo gỡ vướng mắc trong việc công bố giá vật liệu, mỏ đất đắp, mỏ vật liệu xây dựng thông thường; mở đường công vụ.
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý, triển khai các dự án cao tốc theo hình thức hỗn hợp đối tác công tư PPP trong thực hiện dự án vành đai 4 kết nối các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên với thủ đô Hà Nội.
Kết luận hội nghị, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia hội nghị và tiếp thu các ý kiến của các địa phương để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, từ đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chỉ đạo kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, ngành GTVT trong thời gian tới.
Thông qua hội nghị, Bộ GTVT đã rút ra được nhiều bài học quý trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc.
Cụ thể như bài học kinh nghiệm về sự quyết tâm chỉ đạo sát sao của người đứng đầu; đổi mới cách triển khai thực hiện các dự án; chủ động tham mưu xây dựng các chính sách mới phù hợp với thực tiễn; cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương; giữa các tỉnh cùng thực hiện 1 dự án; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại phục vụ quản lý tiến độ, chất lượng các dự án; chủ động một bước đối với việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ di dân thực hiện dự án…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, lãnh đạo bộ giao thông đề nghị các chủ đầu tư, cục, vụ của Bộ GTVT, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công tăng cường công tác phối hợp với các địa phương trong triển khai các dự án, phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc trong thời gian tới.
Ý kiến ()