Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng nhân dân
Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng Nhân dân của Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng… đã được các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố.
Tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố năm 2022 triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) ngày 21/2, nhiều kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng Nhân dân đã được các đại biểu đề cập, chia sẻ.
Lần đầu Hà Nội ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Hội đồng Nhân dân
Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết với sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Hội đồng Nhân dân các cấp thành phố Hà Nội đã được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy, nâng cao vai trò cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện rõ nét là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, được các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao, là “hình mẫu,” “điểm sáng” cho hoạt động của các cơ quan dân cử.
Điểm nhấn trong hoạt động giám sát, tái giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội là tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, lần đầu tiên, Thường trực Hội đồng Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó, định lượng tiến độ cụ thể để yêu cầu Ủy ban nhân dân và các cơ quan liên quan của thành phố thực hiện, thông qua đó nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cơ quan trả lời chất vấn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn và được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua với tỷ lệ thống nhất cao.
Nội dung, chương trình giám sát được xây dựng đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn, liên quan đến các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, nhiều khó khăn, những vấn đề chậm chuyển biến và những vấn đề dân sinh bức xúc.
Trong năm 2022, bám sát diễn biến tình hình trên địa bàn thành phố và chỉ đạo của Thành ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân điều chỉnh, triển khai các chương trình, nội dung giải trình, giám sát theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với thực tiễn, đồng thời tăng cường giám sát thực địa, đẩy mạnh giám sát việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, đặc biệt ở những địa phương không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường…
Các đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban của Hội đồng Nhân dân thành phố đều có sự phối hợp tham gia của các sở, ngành và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, được thực hiện với các hình thức phù hợp, tạo sự đa dạng, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và chuyên môn của các đơn vị, cá nhân.
Điểm mới là sự chủ động phối hợp trong hoạt động giám sát giữa Hội đồng Nhân dân với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố; nhiều cuộc giám sát quan trọng của Hội đồng Nhân dân thành phố đã mời đại biểu Quốc hội ứng cử trên địa bàn tham dự, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực tham gia giám sát nhằm phát huy được trí tuệ của đại biểu, vừa cung cấp thông tin, tạo tiếng nói thống nhất, hiệu quả trên diễn đàn dân cử, đồng thời nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.
Trong năm 2022, chương trình giám sát của Hội đồng Nhân dân, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố thực hiện đảm bảo thời gian; các nội dung giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn.
Công tác chuẩn bị phục vụ giám sát được thực hiện kỹ càng, nghiêm túc; kết luận giám sát nêu rõ kết quả đạt được, hạn chế yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp và thời gian khắc phục; chất lượng báo cáo giám sát được nâng cao.
Các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát được công bố công khai, gửi báo cáo Thành ủy và yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố, các đơn vị – đối tượng giám sát để tiếp thu và triển khai thực hiện, đồng thời được đăng trên Trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành phố để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát.
Ngoài ra, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố triển khai theo chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giám sát công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành…
Chủ động trong thực hiện các chuyên đề giám sát
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tỉnh đã chủ động phối hợp với các Đoàn giám sát của Quốc hội trong thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc luôn thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, phối hợp với các Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Đối với nội dung giám sát, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát. Ngay sau khi nhận được kế hoạch giám sát, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát ngay từ giai đoạn thành lập đoàn giám sát và xây dựng kế hoạch giám sát; điều hòa bảo đảm cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực, các đối tượng giám sát tại các cơ quan, đơn vị và địa phương; hạn chế tối đa trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian, địa điểm giám sát.
Đối với nội dung giám chuyên đề có tính chuyên môn cao, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh giao các Ban của Hội đồng Nhân dân tỉnh tổ chức giám sát và báo cáo Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh để xây dựng và gửi báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; những vấn đề nóng được đưa vào thảo luận, chất vấn tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.
Đặc biệt, quá trình phối hợp với các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần linh hoạt để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn quá trình giám sát.
Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cũng giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình chuẩn bị giám sát; chủ động học tập và phát huy kinh nghiệm hay, bài học quý của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để vận dụng trong thực tiễn hoạt động giám sát, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.
Gắn với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng đã phát huy truyền thống “Trung dũng-Quyết thắng,” luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, phấn đấu giành nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.
Trong nhiệm kỳ 2016-2021 và từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Hải Phòng đã thực hiện hiệu quả nhiều nội dung quan trọng trong hợp tác, ký kết phát triển kinh tế-xã hội vùng như: hợp tác vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng thủ đô Hà Nội; hợp tác với Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương.
Trong vòng 6 năm, thành phố đã hoàn thành và đang tập trung triển khai xây dựng, cải tạo, nâng cấp hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, cùng hơn 50 cây cầu các loại, trong đó, nhiều tuyến đường, cây cầu kết nối giao thông liên vùng. Ngoài các dự án sử dụng vốn đầu tư công, Hải Phòng chú trọng thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Thành phố quyết tâm phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò cửa ngõ ra biển lớn của quốc gia, trung tâm kinh tế biển, công nghiệp hiện đại của cả nước; phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, một điểm không thể thiếu trong các hành lang kinh tế quan trọng liên kết nội vùng, liên mà còn là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước.
Thời gian tới, Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng đề nghị Trung ương, Chính phủ nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện thể chế, tổ chức, bộ máy, nguồn lực đủ mạnh để tăng cường liên kết phát triển vùng, tạo thành động lực tăng trưởng cho cả vùng; sớm hoàn thiện quy hoạch vùng để định hướng cho các địa phương và trở thành công cụ quản lý vùng, địa phương.
Bên cạnh đó, Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng trọng điểm Bắc Bộ; quan tâm, nghiên cứu cơ chế, có chính sách đặc thù tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh khai thác lợi thế so sánh của thành phố Hải Phòng./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()