Chia lớp khối 10 phải có quy trình
Năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của chương trình giáo dục phổ thông 2018, được bắt đầu từ khối lớp 10.
Đây là giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Việc phân chia vào lớp 10 cho học sinh ở giai đoạn này rất khác với các lớp đầu cấp ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Do đó, vấn đề sắp xếp, chia lớp theo nguyện vọng học các môn tự chọn của học sinh khiến nhiều trường, nhiều địa phương và cả học sinh gặp không ít bối rối, khó khăn.
Nguyên tắc chia lớp công khai
Những học sinh khi trúng tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) năm nay sẽ được xếp vào học các lớp theo tổ hợp môn học tự chọn mà các em có nguyện vọng đăng ký. Việc đổi mới môn học tự chọn ở cấp học THPT là nét đặc trưng, rất điển hình của giáo dục Việt Nam; phù hợp với xu hướng tiến bộ ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đây là hướng đi bảo đảm cho nhà trường phát huy khả năng, nhu cầu học tập và định hướng nghề nghiệp của từng học sinh một cách tốt nhất.
Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) tham gia hoạt động trải nghiệm.Ảnh: NGÔ THÀNH. |
Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, bậc THPT có 8 môn học/hoạt động bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng-an ninh, Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp). Có 3 nhóm môn học tự chọn hay 3 khối lớp 10 (Nhóm Khoa học xã hội, gồm 2 môn: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm Khoa học tự nhiên, gồm 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm Công nghệ và Nghệ thuật, gồm 3 môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Đây là các nhóm định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, có các chuyên đề học tập bắt buộc tương ứng với những môn học bắt buộc hay tự chọn.
Trên cơ sở nguồn lực về giáo viên và cơ sở vật chất của mỗi địa phương, các trường xây dựng những tổ hợp môn học tự chọn, gồm: Môn học trong 3 nhóm tự chọn cùng với các chuyên đề học tập bắt buộc của các môn học. Như vậy, học sinh mỗi lớp 10, được học chung 8 môn bắt buộc và một số môn tự chọn hay chuyên đề môn học khác nhau, tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi em. Do đó, nhà trường cần công bố công khai số lớp 10 của toàn trường, số các khối lớp 10 theo định hướng nghề nghiệp, số các tổ hợp tự chọn và số lớp học ứng với mỗi tổ hợp; nội dung bảng đăng ký nguyện vọng 1, 2… của học sinh vào lớp 10.
Quy trình 4 bước để chia lớp và những lưu ý quan trọng khi lựa chọn và chia lớp
Việc sắp xếp, chia lớp theo nguyện vọng học các môn tự chọn của học sinh tuy mới nhưng sẽ không khó nếu thực hiện theo quy trình một cách khoa học, sáng tạo. Cụ thể, bước 1: Các đơn vị xác định số lớp 10 trong trường, sao cho mỗi lớp không quá 45 học sinh (và không dưới 30 em). Dựa theo số lượng giáo viên hiện có, đặc biệt là số giáo viên dạy các môn Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Ngoại ngữ; đánh giá cơ sở vật chất, thiết bị và học liệu đang có của nhà trường; xây dựng các chuyên đề môn học nhằm dạy học sâu hơn và làm tăng khả năng phân hóa khả năng học tập của học sinh. Bước 2: Xác định số khối lớp theo định hướng nghề nghiệp và thế mạnh của từng trường; xây dựng các tổ hợp môn học tự chọn phù hợp với khả năng và điều kiện hiện có của trường, lớp. Thông thường, mỗi trường có 2 hoặc 3 khối lớp và có từ 3 tới 6 tổ hợp các môn học tự chọn. Bước 3: Tổ chức hội nghị tư vấn để phân tích sâu sắc các tổ hợp tự chọn, những đặc điểm chung của từng tổ hợp tự chọn có liên quan tới khối thi và học nghề sau khi các em tốt nghiệp THPT. Bước 4: Tổ chức cho học sinh ghi phiếu nguyện vọng vào học theo các tổ hợp môn học tự chọn; tập hợp kết quả ghi phiếu và xem xét điều chỉnh nguyện vọng; công bố danh sách học sinh các lớp khối 10.
Xây dựng các tổ hợp môn học tự chọn phải dựa trên thực tế nhà trường về giáo viên, trang thiết bị, học liệu hiện có. Dựa trên quy mô và thế mạnh dạy học của nhà trường. Dựa trên tổ hợp các môn thi vào trường đại học hay những ngành nghề mới xuất hiện của thời kỳ công nghệ 4.0. Điều đó có nghĩa mỗi trường có thể đưa ra các phương án xây dựng các tổ hợp dạy học tự chọn khác nhau để tối ưu việc chia lớp và phù hợp với tầm nhìn chiến lược nhà trường.
Chia lớp cần đáp ứng tối đa nguyện vọng được theo học các lớp tự chọn của học sinh. Tuy nhiên, nguyện vọng phải được xem xét theo thứ tự ưu tiên, theo thời hạn về thời gian đăng ký và theo quy định hiện tại số lớp tự chọn theo tổ hợp của nhà trường. Học sinh cần thấy các lớp tự chọn theo cùng một khối không khác nhau nhiều về nội dung và phương pháp tư duy môn học. Theo lý thuyết, có tới hàng trăm tổ hợp tự chọn, như vậy, không một trường nào có thể đáp ứng theo thực tế nguyện vọng của học sinh. Do đó, tập trung vào chọn khối lớp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hay Khoa học công nghệ và Nghệ thuật nghĩa là bản chất học sinh chỉ phải quan tâm và chọn 2 hay 3 khối lớp để theo học.
Hạn chế học sinh đã vào học một thời gian rồi lại xin đổi lớp học. Tuy nhiên, không thể tuyệt đối hóa vấn đề này vì nhiều em chưa có thói quen xây dựng danh mục các ước mơ để định hướng ngành nghề hay thậm chí còn chưa biết môn học nào yêu thích, thế mạnh của mình mà chỉ là cảm tính, nghe theo bạn bè. Vì thế, việc thay đổi lớp học có thể phải diễn ra cho hết học kỳ I hoặc hết năm học lớp 10.
Thời điểm công bố việc chia lớp khối 10 càng sớm càng tốt, có thể bắt đầu từ đầu kỳ II của lớp 9, trước khi các em ghi nguyện vọng dự thi vào các lớp 10. Bộ GD&ĐT cũng cần thông báo quy định chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp sớm, theo thời gian trung hạn và dài hạn để nhà trường và học sinh có hướng xác định lớp học tự chọn ở mỗi cơ sở giáo dục.
Ý kiến ()