Chìa khóa “hội nhập kinh tế” mang tên đánh giá sự phù hợp
“Toàn cầu hóa”, “hiệp định thương mại”, “hội nhập”… là những “cơn bão” xoay chuyển hoạt động giao lưu thương mại của các quốc gia trên thế giới. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài luồng biến động này. Bên cạnh những thuận lợi, thì các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ về các “rào cản kỹ thuật” do các nước nhập khẩu dựng lên, còn đối với thị trường trong nước, bài toán cạnh tranh là một khó khăn được đặt ra.
Vậy đâu là giải pháp để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và đáp ứng được các điều kiện thông quan xuất khẩu? Thuận lợi và thách thức khi tham gia các hiệp định thương mại tự do Năm 2015 được đánh giá là năm bản lề quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, được đánh dấu bằng việc Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm và một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) dự kiến được ký kết trong năm nay như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Liên minh Hải quan, Việt Nam-EU, Việt Nam – Hàn Quốc .. Với tiến trình hội nhập này, các hoạt động giao thương hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu sẽ có nhiều thay đổi. Các rào cản về mặt thuế quan trong hoạt động xuất nhập khẩu sẽ được gỡ bỏ, thay vào đó các hàng rào phi thuế quan (chủ yếu là rào cản kỹ thuật – TBT, biện pháp kiểm dịch động thực vật – SPS) sẽ được thiết lập. Do đó, trong các năm tiếp theo, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa của Việt Nam bên cạnh thuận lợi về thuế suất nhập khẩu, sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải vượt qua các hàng rào về mặt kỹ thuật.
Kiểm nghiệm viên VinaCert đọc kết quả mẫu thử nghiệm. Theo Hiệp định rào cản kỹ thuật trong thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thì các “rào cản kỹ thuật trong thương mại” (technical barriers to trade) được hiểu là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu và/hoặc quy trình nhằm đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó (còn gọi là các biện pháp kỹ thuật – biện pháp TBT). Hiểu sâu hơn, các rào cản về mặt kỹ thuật là các yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn của sản phẩm, cũng như các tiêu chuẩn, các quy định mới về an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt, thực hành sản xuất tốt, bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái, đa dạng sinh học, … do chính nước nhập khẩu thiết lập nhằm bảo hộ hàng trong nước. Ngoài gặp khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên của FTA bởi các hàng rào về kỹ thuật, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp thách thức khi sản xuất, bán hàng ở ngay nội địa. Bởi vì đối tượng cạnh tranh là các sản phẩm/hàng hóa từ các nước nhập khẩu tràn về sẽ gia tăng thêm và rất “đáng gờm”. Các doanh nghiệp trong nước phải giải được bài toán sản xuất như thế nào để giá thành hạ nhất nhưng chất lượng lại cao nhất. “Chiếc chìa khóa” mang tên đánh giá sự phù hợp Căn cứ quan trọng để có thể vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước dựng lên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, đó là công bố kết quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp. Đây là “bằng chứng” để chứng minh chất lượng sản phẩm/hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu và giúp tăng lòng tin của khách hàng trong nước với cam kết hàng hóa đạt chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Theo định nghĩa của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp là việc xác định đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý quy định trong tiêu chuẩn tương ứng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.Đánh giá sự phù hợp bao gồm hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định. Trước tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, vấn đề được đặt ra là hoạt động đánh giá sự phù hợp của các tổ chức Việt Nam phải được quốc tế công nhận hoặc thừa nhận, đáp ứng yêu cầu: “Một lần đánh giá, cấp một chứng chỉ, có giá trị ở mọi nơi”. Từ đó, chứng chỉ (có thể là kết quả thử nghiệm của các lô hàng, hoặc là các chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý/sản phẩm của một tổ chức sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu nào đó..) được các nước thành viên trong hiệp định thương mại tự do dễ dàng nhận diện và chấp nhận.
TS Phạm Văn Thành. Giải thích rõ hơn về điều này, TS Phạm Văn Thành, nguyên Giám đốc Trung tâm phân tích và Giám định thực phẩm quốc gia, Viện Công nghiệp thực phẩm cho biết: “Để có chứng chỉ chứng nhận có giá trị ở mọi nơi thì các doanh nghiệp cần tìm tới các tổ chức đánh giá sự phù hợp (phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận) được công nhận bởi một tổ chức công nhận có uy tín trên thế giới và tham gia các thỏa ước thừa nhận quốc tế”. TS Thành nêu thí dụ, Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert (đóng vai trò là tổ chức đánh giá sự phù hợp) được Hiệp hội các phòng thử nghiệm Hoa Kỳ (A2LA) cấp chứng chỉ công nhận ISO/IEC 17025:2005 đối với hoạt động thử nghiệm, và được Tổ chức công nhận Quốc tế JAS-ANZ của Australia và New Zealand cấp chứng chỉ công nhận ISO/IEC 17021:2011, ISO/IEC 17065:2012, ISO/TS 22003:2007 đối với hoạt động chứng nhận. A2LA và JAS-ANZ đều là các tổ chức công nhận lớn trên thế giới, là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế như: Hiệp hội Công nhận Phòng thí nghiệm Quốc tế ( ILAC), Diễn đàn Công nhận Quốc tế (IAF)… Do được công nhận bởi các tổ chức công nhận có tham gia thỏa ước thừa nhận lẫn nhau với nhiều tổ chức nên kết quả thử nghiệm, chứng nhận của VinaCert khi cấp cho các doanh nghiệp sẽ có dấu thừa nhận và logo được chấp nhận trên toàn cầu, giúp doanh nghiệp vượt qua các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu. Các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, nhưng trên thực tế các nước nhập khẩu sẽ đặt ra nhiều quy định, tiêu chuẩn đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm tạo ra rào cản đối với hàng nhập khẩu và bảo hộ hàng trong nước. Do đó các doanh nghiệp cần có “chìa khóa” để mở cánh cửa “quy định, tiêu chuẩn” do các nước nhập khẩu dựng lên để có thể thông quan được hàng hóa. Chìa khóa này chính là bằng chứng chứng minh sản phẩm, hàng hóa tuân thủ theo các quy định, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, đồng thời bằng chứng này phải được quốc tế chấp nhận. Hoạt động đánh giá sự phù hợp hiện nay được chấp nhận và áp dụng tại hầu hết các nước và được các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước thừa nhận, do đó sẽ là bằng chứng phù hợp và là chìa khóa giúp sản phẩm của doanh nghiệp vượt qua cánh cửa của hàng rào kỹ thuật. Và khi nắm bắt được “chiếc chìa khóa” mang tên đánh giá sự phù hợp một cách hiệu quả, thì các hiệp định thương mại tự do sẽ là các cửa ngõ giúp các doanh nghiệp Việt Nam bước đến những thành công mới. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()