“Chìa khóa” giải quyết tình trạng thiếu điện ở châu Phi
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, các công ty năng lượng mặt trời vừa và nhỏ đang đạt được tiến triển nhanh chóng trong việc tiếp cận các hộ gia đình ở châu Phi nhưng cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để tiếp cận tất cả các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu lục này vào năm 2030. Năng lượng mặt trời đóng góp đáng kể vào nguồn cung điện cho châu Phi, song việc thiếu nguồn lực đầu tư khiến chưa thể khai thác hết tiềm năng của lĩnh vực này.
IEA cho biết, khoảng 600 triệu người châu Phi không có điện trong tổng dân số hơn 1,3 tỷ người. Các nhà lãnh đạo châu Phi đang gặp khó khăn trong việc tìm cách đa dạng hóa danh mục điện nhằm thúc đẩy phát triển và giúp hàng triệu người dân tại châu lục này có thể tiếp cận điện. Ngành năng lượng mặt trời đã cung cấp 55% các kết nối mới ở khu vực miền nam Sahara của châu Phi từ năm 2020 đến năm 2022. Đây cũng là khu vực có tới hơn 80% dân số phải chịu cảnh không có điện. Năng lượng mặt trời đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cung cấp điện, trong đó năng lượng mặt trời ngoài lưới điện đang là giải pháp hiệu quả nhất để thu hẹp khoảng cách về điện.
Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Kenya, Rwanda, Somalia và Uganda, ông Qimiao Fan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp điện sạch, giá cả phải chăng nhằm giúp mọi người thoát đói nghèo. Theo ông, năng lượng mặt trời ngoài lưới điện sẽ tạo thuận lợi cho các hộ gia đình tiếp cận điện, cũng như đẩy nhanh việc tiếp cận điện cho các doanh nghiệp, trường học và trung tâm y tế, qua đó giải phóng sự phát triển trên mọi lĩnh vực.
Trong số các công ty lọt vào bảng xếp hạng thường niên của Financial Times về phát triển nhanh nhất châu Phi năm 2023 có Easy Solar, một công ty địa phương cung cấp năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Sierra Leone và Liberia. Đồng sáng lập công ty Easy Solar, Nthabiseng Mosia lớn lên ở Ghana, nơi thường xuyên bị cắt điện. Cô bắt đầu quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề về năng lượng ở châu Phi khi đang học sau đại học tại Mỹ. Cùng với một người bạn học người Mỹ, cô đã thành lập công ty tại Sierra Leone - quốc gia có tỷ lệ điện khí hóa thuộc hàng thấp nhất ở Tây Phi.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, Easy Solar đã mang năng lượng mặt trời đến với hơn một triệu người dân ở Sierra Leone và Liberia, nơi có tổng dân số hơn 14 triệu người. Mạng lưới của công ty bao gồm các đại lý và cửa hàng tại tất cả 16 địa phương của Sierra Leone và 7 trong số 9 địa phương ở Liberia, nhờ đó nhiều cộng đồng đã được kết nối với nguồn điện ổn định lần đầu tiên.
Altech, một công ty năng lượng mặt trời có trụ sở tại Cộng hòa dân chủ (CHDC) Congo, cũng được xếp hạng là một trong những công ty phát triển nhanh nhất châu Phi. Số liệu của WB cho biết, chưa đến 20% dân số ở đây có điện. Hai người đồng sáng lập là Washikala Malango và Iongwa Mashangao từng chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở tỉnh Nam Kivu của CHDC Congo khi còn nhỏ và lớn lên ở Tanzania. Họ quyết định thành lập công ty vào năm 2013 để giúp giải quyết các vấn đề về điện mà họ đã gặp phải khi lớn lên trong trại tị nạn, vốn phải dựa vào dầu hỏa để thắp sáng. Altech hiện đang hoạt động tại 23 trong số 26 tỉnh ở CHDC Congo và công ty hy vọng sẽ tiếp cận được các tỉnh còn lại vào cuối năm nay. Công ty đã bán được hơn 1 triệu sản phẩm tại CHDC Congo trong một loạt giải pháp năng lượng mặt trời cho gia đình và doanh nghiệp, bao gồm đèn chiếu sáng, thiết bị gia dụng, hệ thống gia đình và máy phát điện.
Dù tiềm năng và nhu cầu năng lượng tái tạo của châu Phi rất lớn, song châu lục này vẫn chỉ nhận được một phần nhỏ trong các khoản đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu. Châu Phi nhận được ít hơn 50% đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo, dù là nơi có 60% cơ hội khai thác tốt nhất nguồn năng lượng mặt trời. Là lục địa giàu tài nguyên, song chi phí đắt đỏ, cùng những hạn chế về nguồn năng lượng khiến khu vực gặp khó khăn trong việc khai thác các tài nguyên này cho mục đích phát triển.
Để biến tiềm năng thành hiện thực và phát triển năng lượng mặt trời thành “chìa khóa” giải quyết tình trạng thiếu điện, châu Phi không chỉ cần tăng cường đầu tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn mà còn cần các biện pháp thúc đẩy giáo dục, xây dựng kỹ năng và phát triển lực lượng lao động, cùng với việc xây dựng chuỗi cung ứng khu vực trong lĩnh vực này.
Ý kiến ()