“Chìa khoá” để chấm dứt bệnh lao
Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là giảm nguy cơ tử vong cho hơn 13.000 người/năm. Nếu xác định đúng khó khăn cần giải quyết, đưa ra đúng phương pháp tiếp cận và huy động sự tham gia của cộng đồng thì việc dù khó, chúng ta vẫn giải quyết được.
70% người mắc lao ở tuổi lao động
Tại lễ kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống lao (24/3) do Chương trình chống lao quốc gia tổ chức ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, Chương trình chống lao quốc gia đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Năm 2023, cả nước có 106.086 trường hợp mắc lao các thể được phát hiện, tăng so với cùng kỳ năm 2021 và 2022 lần lượt là 34,4% và 2,2%. Số bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc năm 2023 ghi nhận 3.775 người, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%.
Đặc biệt, tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân năm 2022 được duy trì ở mức cao trên 90%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho rằng, Việt Nam hiện vẫn là một trong những nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao trên thế giới, đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng lao cao nhất thế giới và đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu.
Năm 2023, tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao, khoảng 13.000 người tử vong do lao hàng năm, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Số liệu thống kê cho thấy, số bệnh nhân lao được phát hiện và báo cáo hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Trong đó, khoảng 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Gia đình của những bệnh nhân này phải chi trả những khoản chi phí cao, vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình.
Theo TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, so với miền Bắc và miền Trung thì dịch tễ lao tại miền Nam nặng nề hơn rất nhiều, đặc biệt tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ với khoảng 400 đến 500 ca mắc lao trên 100.000 dân.
Lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
"Vì vậy, dầu tư để chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là giảm nguy cơ tử vong cho hơn 13.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cơ hội quyết tâm chấm dứt bệnh lao
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam đánh giá cao những cam kết và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng chống bệnh lao thời gian gần đây.
Trong đó, chi phí điều trị bệnh lao hiện đã được BHYT chi trả. Điều này rất quan trọng. Nếu bệnh nhân lao được chẩn đoán mắc bệnh sớm thì sẽ được điều trị sớm, nhưng chỉ có thể điều trị tận gốc căn bệnh này khi người bệnh cần được hỗ trợ về tài chính, bà Angela Pratt cho biết.
Theo đại diện tổ chức WHO, có những vấn đề đặc biệt Việt Nam cần nhấn mạnh để có thể thực hiện được mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Cụ thể, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và đang có sự hỗ trợ của tổ chức WHO và nhiều tổ chức khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian tới, những hỗ trợ này sẽ giảm, vì vậy công tác phòng chống lao rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước.
"Mặc dù việc huy động nguồn lực trong nước luôn là thách thức, nhưng đây là việc rất đáng để ngành y tế đầu tư nguồn lực để thực hiện", bà Angela Pratt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chúng ta cần chủ động tìm kiếm từng cá nhân bị bệnh, phát hiện chủ động và đưa họ vào trị bệnh, vì không phải bệnh nhân lao nào cũng có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế. Nếu chúng ta không làm được như vậy, rất khó để chấm dứt bệnh lao trong cộng đồng.
TS. Đinh Văn Lượng cũng cho rằng, số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% tức là có gần 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc chưa báo cáo.
Để có thể tiếp cận và ghi nhận được 40% số bệnh nhân này, cũng như đảm bảo tất cả các nhóm dễ bị tổn thương, nguy cơ cao và cộng đồng nói chung đều có thể tiếp cận được các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao có chất lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, Chương trình chống lao quốc gia rất cần sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp cải tiến, đưa đến chất lượng chẩn đoán và điều trị thân thiện, nhanh chóng, ưu tiên phát hiện bệnh lao bằng việc kết hợp nhiều biện pháp.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, để thực hiện cam kết thanh toán bệnh lao trước Chính phủ và cộng đồng quốc tế, Chương trình chống lao cần tiếp tục huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng chống lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao.
Đồng thời, vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng chống lao, bao gồm ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm y tế, xã hội hoá. Áp dụng chiến lược kết hợp: vận động tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng chống lao với triển khai hiệu quả các can thiệp kỹ thuật, báo cáo kết quả hoạt động và giải trình chi tiêu minh bạch. Từ đó có thể tăng huy động các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng chống lao hiện nay.
Đối với cuốn tài liệu "Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh Lao, Lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh", Bộ Y tế nhất trí với đề xuất của Chương trình chống lao quốc gia và sẽ sớm xây dựng, ban hành các chính sách, thông tư, hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai công tác phòng chống lao, trong đó có hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế.
Ý kiến ()