Chỉ vì thiếu hiểu biết
– Theo quy định của pháp luật, việc khai thác rừng phòng hộ phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tế nhiều người dân do nhận thức pháp luật hạn chế đã “vô tư” chặt phá rừng phòng hộ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, vướng vào vòng lao lý. Một trong số đó là câu chuyện xảy ra tại xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập hồi tháng 5/2021.
Năm 1995, gia đình ông Đ.C.T (ông Đ.C.T sinh năm 1960, dân tộc Dao, nay đã mất), trú tại thôn Bản Tùm, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập được UBND huyện Đình Lập cấp hồ sơ giao quyền quản lý, sử dụng rừng và đất trồng rừng phòng hộ với tổng diện tích 44 ha (gồm 5,5 ha rừng tự nhiên và 38,5 ha đất chưa thành rừng) thuộc địa phận xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập.
Phiên tòa xét xử bị cáo Đ.V.L và Đ.V.S về tội hủy hoại rừng
Đầu năm 2021, do thiếu đất canh tác và cần có gỗ để sửa nhà nên ông T đã nói với hai con trai là Đ.V.L (sinh năm 1995) và Đ.V.S (2000) rằng gia đình có khu rừng đã được cấp sổ xanh do ông T đứng tên, bảo hai con lên phá rừng. Trong tháng 4/2021, anh Đ.V.L và anh Đ.V.S đã bàn bạc, thống nhất thuê 6 người cùng thôn về chặt phá rừng, với mức tiền công là 230.000 đồng/ngày/người.
Trong các ngày từ 1/5/2021 đến ngày 6/5/2021, hai anh em Đ.V.L và Đ.V.S đã nhiều lần cùng những người làm thuê đến khu rừng thuộc xã Kiên Mộc dùng máy cưa, dao để cưa hạ, chặt cây. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, điều tra, cơ quan chức năng đã xác định Đ.V.L và Đ.V.S đã tổ chức chặt phá 13.191 m² diện tích rừng phòng hộ mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền.
Trước hành vi trên, hai đối tượng đã bị khởi tố, đưa ra xét xử. Ngày 21/7/2022, tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên 2 bị cáo Đ.V.L và Đ.V.S phạm tội hủy hoại rừng, xử phạt bị cáo Đ.V.L 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Đ.V.S 3 năm tù.
Tại phiên tòa, hai bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội và khai nhận: do không hiểu biết về pháp luật, tưởng rằng rừng của gia đình thì có quyền tự ý khai thác và sử dụng. Với tuổi đời còn rất trẻ, hai bị cáo đã vướng vào lao lý chỉ vì hạn chế nhận thức, thiếu hiểu biết pháp luật.
Bà Lương Thị Hương Lan, trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, người bào chữa cho hai bị cáo tại phiên tòa cho biết: Không chỉ 2 bị cáo Đ.V.L và Đ.V.S trên, hơn 10 năm làm công tác trợ giúp pháp lý, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp người dân không hiểu biết về pháp luật dẫn tới phạm tội hủy hoại rừng, đặc biệt là từ năm 2017 đến nay xảy ra nhiều ở các huyện như: Lộc bình, Đình Lập, Cao Lộc…, với diện tích rừng bị hủy hoại lớn. Đa phần các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, sinh sống gần khu vực rừng hoặc được Nhà nước giao quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ, cùng điều kiện kinh tế khó khăn đã tự ý chặt phá rừng mà không xin phép cấp có thẩm quyền, cuối cùng phải nhận hình phạt thích đáng. Vì vậy, quá trình tham gia bào chữa, trợ giúp pháp lý, tôi đã lồng ghép tuyên truyền pháp luật, giải thích để các bị cáo và Nhân dân nhận ra hành vi sai trái để không tái phạm, vi phạm.
Qua câu chuyện trên, chỉ vì thiếu hiểu biết về pháp luật nên các bị cáo đã chặt phá rừng phòng hộ và cuối cùng phải nhận hậu quả, ảnh hưởng đến gia đình, bản thân. Hình phạt đối với các bị cáo là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những ai đã và đang có hành vi, có ý định chặt phá rừng trái pháp luật.
Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Do đó, mỗi người dân, đặc biệt người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ được Nhà nước giao quản lý, khai thác và bảo vệ rừng phải nêu cao trách nhiệm, bảo vệ và phát triển rừng, chủ động tiếp cận, tìm hiểu pháp luật, không tự ý chặt phá, khai thác rừng trái phép.
Từ câu chuyện trên, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa của rừng phòng hộ đối với môi trường sống của con người, cũng như phổ biến các quy định của pháp luật về trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, phòng tránh những hành vi vi phạm pháp luật không đáng có.
Theo Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội hủy hoại rừng (cụ thể là rừng phòng hộ) như sau: 1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: – Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 m² đến dưới 7.000 m² 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: – Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 m² đến dưới 10.000 m² 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: – Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 m² trở lên; 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |
Ý kiến ()